Bộ tài chính Indonesia cho biết họ sẵn sàng can thiệp khi đồng nội tệ rupiah rớt giá, người đứng đầu ngành tài chính nước này nói.
Ám ảnh tăng lãi suất đồng USD và lo lắng cho tăng trưởng kinh tế Trung quốc bị hãm lại đã làm rung chuyển các nền kinh tế mới nổi trong mấy tuần qua. Indonesia, nước sản xuất nguyên liệu có giao thương chặt chẽ với TQ, không khỏi làm các nhà đầu tư ngại ngùng. Đồng nội tệ Indonesia rupiah đã mất giá xuống mức thấp nhất tính từ đợt khủng hoảng tiền tệ tại châu Á năm 1998.
Nhưng đợt này “không phản ánh các yếu tố cơ bản” của nền kinh tế Indonesia, Bambang Brodjonegoro, bộ trưởng tài chính Indonesia trả lời trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Nikkei (Nhật bản) ngày 26-8, và biện luận rằng thị trường đã có phản ứng quá đà.
“Tình hình hiện nay không phải là khủng hoảng,” ông nói. “Nếu ta xem xét kỹ cuộc khủng hoảng năm 1998, điều kiện và hoàn cảnh hiện tại khác xa, nền kinh tế hiện tại tốt và mạnh hơn nhiều lần”.
“Lạm phát trong tầm kiển soát, thâm hụt tài khoản vãng lai co lại và Indonesia đang thặng dư mậu dịch,” ông ta nói thêm. “Trong lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ an toàn vốn đạt bình quân 20% và nợ xấu chỉ 2,5%.”.
Bộ trưởng Brodjonegoro cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục làm việc với ngân hàng trung ương và tổng cục dịch vụ tài chính để bảo vệ đồng rupiah. Ông sẽ tham vấn với các quan chức tài chính khác, kể cả Thống đốc Ngân hàng Indonesia Agus Martowardojo, một cựu bộ trưởng tài chính, nhằm bình ổn thị trường thông qua các bước kể cả việc sử dụng biện pháp ngân hàng trung ương ra tay mua nợ chính phủ.
“Đồng rupiah bấy rày yếu là do … bất ổn toàn cầu. Điều quan trọng là các thành viên chính phủ gồm cả ngân hàng trung ương Indonesia và tổng cục dịch vụ tài chính tiếp tục theo dõi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Indonesia,” ông nói. “Chúng tôi muốn làm sao cho nền kinh tế đi đúng hướng.”
Nền kinh tế Indonesia chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên, và cán cân thương mại của nó xấu đi do trượt giá vì nhu cầu của Trung Quốc bị thu hẹp. Brodjonegoro cho rằng Indonesia sẽ giảm thuế doanh nghiệp nhiều hơn, nhằm thu hút sản xuất, như là một biện pháp đối phó quan trọng trong thời gian trung hạn.
Khi được hỏi TQ phá giá đồng NDT mới đây có ảnh hưởng gì đến Indonesia, bộ trưởng này nói “Phá giá đồng NDT có thể còn kích hoạt các nước khác phá giá đồng nội tệ của họ nữa”.
“Mối lo lắng lớn không phải đồng NDT bị phá giá, mà sợ nền kinh tế TQ yếu thêm. Miễn là TQ sử dụng mọi biện pháp để làm tăng trưởng kinh tế của họ đều là tốt cả.”
Quan Di Sơn, theo Nikkei Asian Review 3-9-2015