Cà phê còn đắng khi chiến tranh tiền tệ chưa lắng

Giá trên hai sàn kỳ hạn rớt mạnh kéo giá nội địa xuống thấp dù giá trị tiền đồng đã giảm sau các quyết định giãn biên độ giao dịch tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ. Thị trường hàng thực trong nước yên ắng, nhưng hình như trên sàn kỳ hạn người ta lớp lớp bán đón bán trước.

Lực nào kéo giá cà phê xuống?

Biểu đồ 1: Sức ép bán trên sàn khi các đồng tiền các nước sản xuất phá giá (dữ liệu: Reuters)

Mua bán cà phê trên thị trường nội địa như “ẩn mình”, giao dịch trao đổi ít xảy ra vì giá cà phê vốn rất nhạy cảm với thời cuộc.

Các thị trường chứng khoán từ châu Á sang châu Âu đều đua nhau giảm mạnh. Lực đẩy tới trước đây được cho là do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gây hoảng loạn và lây lan đến nhiều nước, đặc biệt tại các nước mới nổi và dựa vào xuất khẩu nguyên liệu. Lực đẩy phía sau là áp lực tin đồn Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất đồng đô la Mỹ trong những ngày tháng tới.

Các chỉ số chứng khoán quan trọng tại Mỹ đều đi xuống sau khi có dữ liệu cho rằng chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc rớt xuống mức sâu nhất kể từ 6 năm rưỡi nay. Đến nỗi có người cho rằng do lo sợ đồng đô la tăng giá, các sàn chứng khoán và kỳ hạn hàng hóa đều đua nhau bán tháo, nhấn chìm hy vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.

Ngay cả thị trường chứng khoán nước ta hôm qua 21-8 có lúc chỉ số VN-Index mất trên 23 điểm nhưng đóng cửa chỉ còn giảm 10,39 điểm.

Chưa cứu được giá cà phê nội địa

Thị trường cà phê nội địa và sàn kỳ hạn không thoát khỏi hoàn cảnh chung ấy. Giá cà phê trong nước có lúc tăng và tưởng lấy được đà sau khi có đợt tăng giá trên sàn kỳ hạn ngày 18-8. Ngày 19-8, khi sàn kỳ hạn đóng cửa với mức giá tham chiếu cao hơn, có nơi trên thị trường nội địa cà phê đã được mua bán với mức 37,5-38 triệu đồng/tấn. Nhưng đáng tiếc, đến cuối tuần sáng hôm nay (thứ Bảy 22-8) giá cà phê nguyên liệu tại nhiều tỉnh ở Tây Nguyên chỉ còn quanh mức 35,5 triệu đồng/tấn. Như vậy, chỉ trong vài ba ngày, giá mất từ 2-2,5 triệu đồng/tấn.

Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice London (nguồn: Ice London)

Giá kỳ hạn rớt thê thảm

Trên sàn kỳ hạn robusta London, nếu dựa vào giá đóng cửa, giá hôm 18-8 lên đỉnh 1.722 đô la/tấn nhưng quay nhanh xuống ngày hôm sau, để rồi đóng cửa phiên cuối tuần ngày 21-8 chỉ còn 1.642 đô la/tấn, mất 80 đô la/tấn so với đỉnh cao nhất trong tuần và 84 đô la/tấn nếu so với cùng ngày tuần trước(xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Giá kỳ hạn arabica càng tệ hơn khi đóng cửa phiên hôm qua giảm 6 xu/cân Anh (cts/lb) khi đóng cửa mức 126.45 cts/lb, nhưng cả tuần mất 14.70 cts/lb tương đương với 324 đô la/tấn.

Thị trường cà phê arabica thường có ảnh hưởng lớn đối với thị trường cà phê nói chung vì khối lượng chu chuyển và tiêu thụ hàng thực của loại này cao gấp 4 lần loại cà phê robusta.

Chung qui cũng tại vì…”chiến tranh tiền tệ”

Thế mà, đồng bản tệ của nhiều nước xuất khẩu cà phê phá giá đã kích một luồng bán ra khá mạnh, như tại Colombia, giá bán xuất khẩu arabica chế biến ướt loại tốt nay đang giảm xuống mức thấp nhất tính từ 6 tháng rưỡi nay, từ cộng 17 cts/lb nay còn 15 cts/lb trên giá niêm yết sàn kỳ hạn arabica.

Đối với hàng robusta từ Việt Nam và Indonesia, tuy mức độ phản ứng với hoạt động thị trường tiền tệ không mạnh bằng Brazil và Colombia, các hãng kinh doanh đã bán “đón gió” trên sàn làm giá kỳ hạn robusta xuống nhanh trong những ngày qua.

Vì vậy, giá kỳ hạn arabica New York hôm qua có ngày giao dịch giảm mạnh nhất tính từ 21-5-2015 khi đồng peso của Colombia (COP), real của Brazil (BRL) và tiền đồng của Việt Nam (VND) đồng loạt giảm giá so với đồng đô la Mỹ.
Đồng bản tệ ở các nước sản xuất cà phê này giảm giá so với đồng đô la Mỹ sẽ khuyến khích các nhà sản xuất tăng cường hoạt động bán cà phê để tận dụng tỷ giá hối đoái thuận lợi.

Hôm qua, đồng COP giảm 1,7%, là ngày có tỷ giá giảm lớn nhất kể từ tháng Năm, trong khi đồng BRL giảm 0,8% và đồng VND giảm 0,4% so với đô la Mỹ.

“Do yếu tố tiền tệ mà thành cớ sự này!” lãnh đạo của hãng Hackett Financial Advisors đóng tại Florida (Mỹ) nhận định.
Trong khi đó, Volcafe của tập đoàn ED&F Man, có văn phòng tại Việt Nam cho biết sức ép bán ra trên sàn kỳ hạn vẫn duy trì song mua bán hàng thực tại các nước xuất khẩu vẫn chậm. Trong tháng 8-2015, xuất khẩu cà phê tại Việt Nam giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, công ty này cho biết.

Nhìn theo biểu đồ, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 8-2015, đồng bản tệ của các nước sản xuất phá giá bao nhiêu so với đồng đô la Mỹ, thì giá hai sàn kỳ hạn càng xuống bấy nhiêu, tức theo hướng ngịch chiều(xin xem biểu đồ 1 phía trên).

Do biên độ tỷ giá giãn và đồng đô la Mỹ có giá trị hơn, giá robusta loại 2,5% đang được chào mua bằng hay thấp hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta London trong khi chào bán vẫn ở mức cộng 50 đô la/tấn trên giá sàn này. Hai bên mua bán vẫn chưa gặp nhau.

“Thị trường chỉ có thể trở lại nhộn nhịp khi giá nội địa yên hàn ở mức cao trên 39 triệu đồng/tấn. Đành phải đợi thôi!”, một chuyên gia ngành hàng nói thế.

Nguyễn Quang Bình, TBKTSG online ngày 22-8-2015

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng