Trong tuần 34, giá cà phê Robusta giảm 84 USD/tấn, tương đương giảm 4,87 %, giá cà phê nhân xô giảm 1.600 đồng/kg, tương đương giảm 4,27 %, trong khi giá cà phê Arabica giảm tới 14,7 cent/lb, tức giảm 10,41 %, mức giảm mạnh nhất.
Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới tiếp tục lao dốc trên cả hai sàn giao dịch kỳ hạn.
Trên sàn kỳ hạn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta giảm sâu liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 20 USD, tương đương giảm 1,22 %, xuống 1.619 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 11 giảm thêm 23 USD, tương đương giảm 1,38 %, còn 1.642 USD/tấn, và kỳ hạn giao tháng 1/2016 giảm thêm 24 USD, tương đương giảm 1,43 %, còn 1.659 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn kỳ hạn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng có phiên thứ ba liên tiếp giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 5,75 cent, tức giảm 4,5 %, xuống 121,9 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 6 cent, tức giảm 4,53 %, còn 126,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2016 giảm thêm 5,95 cent, tức giảm 4,38 %, còn 130 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức rất cao trên trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 300 – 400 đồng, xuống ở mức 35.500 – 36.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, xuống ở mức 1.677 USD/tấn, FOB – HCM, duy trì mức chênh lệch cộng 50 – 60 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giảm 84 USD/tấn, tương đương giảm 4,87 %, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 1.600 đồng/kg, tương đương giảm 4,27 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn giảm tới 14,7 cent/lb, tức giảm 10,41 %, mức giảm mạnh nhất.
Theo Viện nghiên cứu CEPEA của Đại học Sao Paulo, giá cà phê Robusta tại thị trường Brasil đã đạt mức 329,92 Reais cho mỗi bao 60 kg, mức cao nhất lịch sử kể từ tháng 11/2001 tới nay. Sở dĩ đạt mức cao này do đồng Reais Brasil liên tục suy yếu so với USD, trong khi cà phê được giao dịch quốc tế bằng USD, nên đã kích thích nông dân đẩy mạnh bán ra để thu về nhiều đồng Reais hơn.
Dữ liệu của Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê (Cecafe) cho biết xuất khẩu cà phê Robusta của Brasil đặc biệt gia tăng mạnh mẽ kể từ đầu năm 2015 do giá nội địa hiện đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Nông dân Brasil bán mạnh còn do nguồn cung cà phê Robusta thu hoạch từ các vụ trước bị trì hoãn bán hàng với kỳ vọng giá cả quốc tế sẽ cao hơn trong cùng thời điểm Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành nhà cung cấp hàng đầu.
Khối lượng xuất khẩu cà phê Robusta của Brasil trong tháng Bảy chỉ đạt 404.489 bao, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước, dấu hiệu của nguồn cung bắt đầu bị thắt chặt và nhất là nông dân vẫn còn mong giá tăng thêm.
Thời tiết Brasil tiếp tục không mưa thúc đẩy thu hoạch cà phê Arabica nhanh hơn nhưng lại đấy lên lo ngại thiếu mưa để giúp cây cà phê bung hoa vụ tới và đe dọa tiềm năng sản lượng vụ 2015/2016.
Theo chuyên gia Jack Scoville của Futures Price ở Chicago Mỹ, các nguồn tin từ Brasil cho biết thời tiết nóng và khô hiện nay ở Minas Gerais, bang sản xuất cà phê Arabica hàng đầu, đang ảnh hưởng đến ra hoa cho vụ mùa tiếp theo, và vùng sản xuất cà phê Robusta ở phía đông bắc Brasil cũng đã bị tổn thương, sẽ hỗ trợ cho giá cà phê sắp tới.
Tính đến cuối tuần, tồn kho cà phê Arabica được sở giao dịch hàng hóa New York cấp chứng nhận đã giảm tiếp xuống còn 2.086.492 bao. Đây là con số tồn kho được chứng nhận để chờ cấp phát tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, tính đến thứ Hai ngày 17/8, tồn kho cà phê Robusta được chứng nhận tại thị trường London đã giảm nhẹ 280 tấn, tức giảm 0,14% sau hai tuần định kỳ báo cáo, xuống đăng ký ở 203.680 tấn (tương đương 3.394.667 bao). Dự kiến tồn kho sẽ tăng trở lại khi Việt Nam bắt đầu thu hoạch cà phê vụ mới và sự kháng giá tại thị trường nội địa bắt đầu suy yếu.
Anh Văn (giacaphe.com)
Điều làm mình cứ thắc mắc giờ mới hiểu do đâu mà mấy năm trước VN bỗng nhiên trở thành nhà xuất khẩu cà phê số 1 thế giới !