Fed: Một hay hai lần tăng lãi suất đồng USD?
Cục Dự trữ Liên bang hay Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD đến hai lần trong tháng 9-2015 tới đây, một cuộc thăm dò của Reuters với 80 nhà kinh tế trên toàn thế giới nói vậy. Theo thăm dò, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất đồng USD làm hai lần từ đây cho đến tháng 12-2015. Dự đoán này có được từ 55% số người được hỏi. Trong chi tiết này, có đến 60% người được hỏi đoán khả năng tăng lãi suất đồng USD sẽ xảy ra từ nay đến tháng 9-2015 và 85% trả lời từ nay đến hết năm 2015.
Các nhà kinh tế tham dự đợt thăm dò cho biết ảnh hưởng của nâng lãi suất trên nền kinh tế Mỹ nếu có rất hạn chế. Tăng trưởng kinh tế bình quân theo trả lời của người tham dự ước bình quân 2,3% cho năm nay và 2,7% cho năm 2016. Dưới áp lực đồng USD tăng lãi suất, giá hàng hóa bị đe dọa giảm từ “tâm lý đến thể lý”.
Trung quốc phá giá đồng NDT
Đầu tuần Ngân hàng nhà nước TQ gieo kinh hoàng cho cả thế giới tài chính. Ba ngày đầu tuần liên tiếp, TQ đã phá giá đồng NDT đến 6%, gây hoảng loạn đối với đồng bản tệ của các nước, nhất là các nước phụ thuộc vào bán hàng (nhập khẩu) vào TQ. Giá nhiều loại hàng hóa rớt mạnh. VND được ngân hàng nhà nước nới rộng biên độ 2%, giá giao dịch 1 USD nay trên 22.000 VND.
Sau đợt gieo kinh goàng, đến sáng thứ Sáu 14-8, TQ quyết định ngưng phá giá NDT và 1 USD hôm thứ Sáu ăn 6,3975 NDT so với 6,4 NDT ngày thứ Năm 13-8 trước đó. Tuy nhiên, nhiều đồn đoán nói rằng để đẩy mạnh xuất khẩu, TQ có thể nới rộng tầm phá giá đến 10%, thay vì dừng lại ở mức 5%.
Đồng Real Brazil tính ra trong vòng 12 tháng nay phá giá đến 40% nên cà phê bán ra cực mạnh!
Trên thị trường kinh doanh hàng nguyên liệu, cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự xảy ra mà bất lợi đang ở phía các nước xuất khẩu.
Tồn kho đầu kỳ Brazil giảm mạnh
Tồn kho đầu kỳ tính từ 1-7-2015, ngày bắt đầu niên vụ mới của Brazil, có thể chỉ còn 4,66 triệu bao (60 kg x bao), là mức thấp nhất tính từ 1999 đến nay, Terra Forte thông báo ước đoán vào ngày 13-8.
Hãng môi giới này cũng ước báo sản lượng 2015-16 của Brazil chừng 47,28 triệu bao, tăng từ 46,78 triệu bao niên vụ trước. Trong đó, ước arabica chừng 32,05 triệu bao, tăng từ 29,34 triệu ở vụ cũ và robusta 15,23 triệu bao, giảm từ 17,44 triệu bao ở 2014-15. Theo họ, “mức tồn kho đầu kỳ như vậy là rất nguy hiềm” và đoán khối lượng xuất khẩu cà phê năm nay của Brazil chừng 27-28 triệu bao, nhưng khả năng lên 30 triệu bao cũng có thể được, Terra Forte nhận định. Niên vụ 2014-15, Brazil xuất khẩu đạt 36,5 triệu bao. Như vậy số lượng xuất khẩu “ráng” chừng 3,5 triệu bao, ứng với lượng xuất khẩu robusta trong năm qua.
Tồn kho đầu kỳ của Brazil năm bình thường chừng từ 6-7 triệu bao. Nay còn gần 5 triệu bao, tuy là thấp thật, nhưng có nước khác bù vào như Colombia hay Honduras, thậm chí Indonesia.
Nhu cầu mua robusta chuyển sang Brazil nhờ giá rẻ
Nhu cầu xuất khẩu cà phê robusta Brazil phát khởi “đặc biệt mạnh mẽ” từ đầu năm 2015, trong 5 tháng đầu năm lượng xuất khẩu cà phê loại này hầu như tăng gấp đôi so với cách đấy một năm, dữ liệu của Cecafe (Ủy hội Xuất Khẩu Cà phê Brazil) cho biết. Khối lượng robusta xuất khẩu của Brazil tháng 7-2015 đạt 404.489 bao, giảm 5,7% so với cách đấy 1 năm nhờ giá robusta tốt hơn arabica (giá cách biệt) và đồng BRL mất giá.
Giá robusta tại thị trường nội địa tăng cao từ lâu “nằm mơ khó thấy” ở mức 1 bao được 329,92 BRL vào ngày 11-8. Nếu tỷ giá 1 USD là 3,5 BRL, 1 tấn tương đương với chỉ 1565 USD! Quá thấp so với giá nguyên liệu tại Việt Nam.
Xuất khẩu arabica không thiếu
Đồng peso Colombia mất giá, trong tháng 7-2015 Colombia xuất khẩu đạt 1,2 triệu bao và lũy kế 10 tháng đầu vụ trên 10 triệu bao tăng 10% so với cùng kỳ, Honduras 10 tháng đầu vụ xuất khẩu 4,83 triệu bao, tăng 22% so với cùng kỳ.
Kỹ thuật:
Sàn arabica có một cú quay lại tăng ngoạn mục sau khi bị sàn robusta “dụ” xuống. Hiện nay, chính arabica đang là đầu kéo cho thị trường cà phê. Cuộc chỉnh lỹ thuật vẫn tiếp diễn cho đến phiên cuối tuần. Dù sao, đà tăng kỹ thuật trên sàn arabica vẫn còn, độ rướn đến 149/150 cts/lb! Song lưu ý sàn này khá phụ thuộc vào đồng real Brazil.
Sàn robusta đã có đợt tăng theo sàn arabica tuy nhiên đến khi Việt Nam phá giá VND, giá trên sàn này khựng lại. Nhìn vào quá khứ, giá thường bị chặn tại khúc 1620 tuy nhiên hướng lên nay còn mù mờ. Phải qua 1752 mới nói chuyện tăng qua mức 1828, nhưng với điều kiện sức tăng sàn arabica phải bền vững. Hướng xuống sàn này ở các mức 1620 rồi 1592.
Đóng cửa cuối tuần, sàn arabica chốt mức 141.15 cts/lb tăng 0.55 cts/lb trong ngày nhưng tăng đến 10.30 cts/lb sau một tuần; sàn robusta cuối tuần này chốt mức 1721 USD/tấn dương 7 USD so với hôm trước và tăng 45 USD so với tuần trước.
Nguyễn Quang Bình