Đừng “siết” nữa, dân khổ lắm rồi!

Dự thảo với hơn 1.000 loại phí và lệ phí về nông nghiệp vừa được trình lấy ý kiến của Quốc hội làm cho bất cứ ai cũng phải giật mình. Nếu cứ mạnh tay thu phí như thế này thì người dân sẽ kiệt quệ và chẳng mấy lúc chẳng còn gì để thu

Sau khi đọc bản tin của một số tờ báo tường thuật phiên họp Quốc hội (QH) vào ngày 10-8, nhiều bạn đọc không tin nổi con số hơn 1.000 loại phí và lệ phí đánh vào nông nghiệp được trình lấy ý kiến QH. Con số này quả là không tưởng nổi đối với một ngành nông nghiệp kém phát triển và mấy chục triệu nông dân còn quá khó khăn như ở nước ta.

Cuộc sống ở quê quá khó khăn, những đứa trẻ vào các thành phố kiếm sống.
Cuộc sống ở quê quá khó khăn, những đứa trẻ vào các thành phố kiếm sống.

Không đủ ăn lấy gì đóng phí?

Không cần nói thì ai cũng có thể hình dung cuộc sống của người dân ở vùng nông rất thiếu thốn. Một bộ phận lớn người dân còn nghèo, sống rất vất vả, thậm chí thiếu đói khi mùa giáp hạt. Hầu như họ chỉ đủ lo toan, chạy ăn từng bữa mà không có tích lũy gì nhiều, không lo nổi cho con cái ăn học đàng hoàng. Những loại phí “dài dằng dặc” kia thì rất “vô tư’ vẫn đều đặn có người đến thu đã và đang là gánh nặng đối với cuộc sống của họ.

Cứ tưởng là phí thì mức thu không lớn lắm, nhưng với thu nhập ít ỏi, nếu đóng những khoản thu này thì có khả năng gia đình, con cái của họ phải mất đi nhiều bữa ăn, giấc ngủ càng trằn trọc hơn vì bao lo toan về cuộc sống. Chúng ta không quá khó để có thể nhìn thấy rất nhiều mái nhà xiêu vẹo, rách nát ở bất cứ vùng nông thôn nào. Nông dân còn nghèo lắm, từng đồng đối với họ là mồ hôi, nước mắt trải ra trên cánh đồng. Thu gì thì phải cân nhắc chứ không thể ồ ạt như thế.

Ví dụ về một trường hợp cụ thể, bạn đọc Thanh Hà, kể: “Vợ chồng chị tôi có 3 con. Cả nhà sống nhờ vào 3 sào ruộng và miếng vườn. Lúa làm ra không đủ cho gia đình ăn giáp hạt. Trồng rau quanh vườn cao lắm mỗi ngày thu hoạch được 20.000 đồng. Chồng thì làm thuê lúc được lúc không, rảnh rỗi thả câu kiếm dăm ba con cá cải thiện bữa ăn gia đình. Việc kiếm khoai sắn ăn trừ bữa diễn ra thường xuyên. Những đứa trẻ nhiều hôm nhịn đói đến trường trong manh áo cũ mèm, vá víu. Bao nhiêu năm nay chị trốn đóng những khoản phí mà địa phương thu. Đơn giản là chẳng có gì để đóng và nếu đóng thì con cài càng thiếu thốn”.

Với thu nhập quá thấp như phần lớn người dân nông thôn hiện nay, họ không thể đầu tư được gì nhiều cho con cái. Một đứa trẻ bước vào học cao đẳng hoặc đại học thì học phí một năm mất khoảng 20 triệu đồng, Tiền ở trọ, chi phí sinh hoạt thêm khoảng 30 triệu đồng nữa. “Chỉ hai khoản này thôi thì thu nhập của phần lớn hộ nghề nông chẳng thể nào kham nổi. Điều đó có nghĩa con họ thất học và tương lai chờ đợi chúng sẽ là cái cuốc và miếng ruộng. Cứ thế, tình cảnh này sẽ tiếp tục lặp lại ở đời cháu…” – bạn đọc Trần Văn Tí Em phân tích.

Người mẹ nghèo này vất vả buôn bán ở TP HCM để kiếm thêm ít tiền lo cho con cái ở quê.
Người mẹ nghèo này vất vả buôn bán ở TP HCM để kiếm thêm ít tiền lo cho con cái ở quê.

Dân khổ lâu rồi

Sau khi Chủ tịch QH, ông Nguyễn Sinh Hùng bức xúc trước hàng ngàn loại phí trên thì các đại biểu, các vị bộ trưởng cũng “bức xúc” theo về sự bất cập trong việc thu phí, lệ phí hiện nay.

Nhiều bạn đọc ngạc nhiên: “Ô hay, những bất cập này, những nỗi khổ này người dân đã thấy và đã chịu bao nhiêu năm nay rồi, có gì mà các vị lãnh đạo lại “ngỡ ngàng” thế. Bao nhiêu năm qua người dân than trời, kiến nghị hoài trong các cuộc tiếp xúc cử tri hằng năm đấy thôi chứ có mới mẻ gì đâu các vị có vẻ khó hiểu. Vấn đề khó hiểu nhất chính là nó phi lý, khốn khổ với người dân bao nhiêu năm qua nhưng chẳng thấy thay đổi”.

Điều này cũng được chứng minh rõ qua trình bày của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách: Sau khi QH cho ý kiến lần đầu về dự án này tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, thường trực ủy ban này và Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương rà soát, sắp xếp, bãi bỏ 5 khoản phí và 6 khoản lệ phí, chuyển 4 khoản phí sang giá và bổ sung 6 khoản phí khác.

Cuộc sống ở nông thôn quá khó khăn đã đẩy bà mẹ già này vào thành thị kiếm sống.
Cuộc sống ở nông thôn quá khó khăn đã đẩy bà mẹ già này vào thành thị kiếm sống.

Với một “rừng” phí như thế, qua một kỳ họp QH mà chỉ bỏ vài loại phí, lệ phí trong khi bổ sung thêm 6 loại phí mới thì có gì là đổi mới? Hình dung với hơn 1.000 loại phí, lệ phí “thấu trời” hiện nay mà muốn thay đổi như ý Chủ tịch QH “thu phí nhiều quá, dân sống sao nổi” thì chẳng biết đến bao giờ.

“Khoan sức dân là đường lối trị nước của bao vị vua hiền của dân tộc từ bao đời nay. Nhờ đó mà lòng dân một mối, gắn kết cộng đồng giành thắng lợi trong tất cả các cuộc chống ngoại xâm giành độc lập, xây dựng đất nước. Dân giàu thì nước mạnh. Cứ thoải mái thu như thế này thì dân khó thoát nghèo chứ nói gì đến giàu” – bạn đọc Thanh Lê nói thẳng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Quản lý nhà nước CÓ VẤN ĐỀ !
    Thường thì khi một quốc gia ngày càng phát triển, các dịch vụ công ích, an sinh xã hội ngày càng phát triển theo, người dân được thụ hưởng mà không phải đóng phí trực tiếp. Tất cả đều được chi trả từ ngân sách quốc gia mà thuế là chính yếu. (chỉ khi thụ hưởng những dịch vụ cá biệt thì mới đóng phí)
    Người dân đã đóng thuế hàng ngày từ tiêu dùng thực phẩm, điện, nước, điện thoại, xăng dầu, phân bón và các hàng tiêu dùng khác.v.v. (bình quân đóng thuế giá trị gia tăng khi tiêu thụ các mặt hàng này từ 5 – 10%)
    Tiền thất thoát từ tham nhũng và lãng phí hàng năm lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ, một con số mà người dân phải è lưng đóng phí nhiều năm mới đủ cho tham nhũng lãng phí một năm!
    Cần phải thay đổi CÁCH QUẢN LÝ!

  2. ĐUC KON TUM

    Tể Tướng Lưu Gù thì ít mà Hòa Thân có mặt khắp mọi nơi thì làm sao nói “Dân giàu nước mạnh được”. Chỉ cần tham ô tham nhũng được điều tra kỹ và xử lý nghiêm như những vụ án mạng thì đất nước phát triển liền. Lúc đó người dân đóng thuế nhiều thì họ vẫn vui.

  3. k duông

    Tôi có mảnh đất vì kẹt tiền nên sang lại có 70 triệu mà phải đóng phí thuế thu nhập cá nhân và trước bạ gần 4 triệu. Còn lại có 66 triệu không đủ trả ngân hàng, Khi đi vay ngân hàng nào là bảo hiểm tiền gửu, rồi công chứng này nọ hết hơn một triệu. Trời ơi là trời. Đói khổ quá bà con ơi.

  4. k duông

    Khi vay ngân hàng, ngân hàng đã cầm sổ đỏ của mình mà vẫn bắt người dân phải mua bảo hiểm với giá thấp nhất là 450 ngàn, lãi thì vẫn phải đóng là điều đương nhiên, nhưng nào là công chứng hết mấy tram ngàn, quả là vô lý, Tại sao lại phải công chứng, Khi người dân đã mang sổ đỏ của mình xuống phòng tài nguyên và môi trường chứng thực. Quả là vô lý.

  5. nguyễn lộc

    Đời tỉnh cả một mình ta say.
    Đọc bài trên mới thấy: Á TẾ – Á CA ngày xưa phải gọi bằng cụ tổ.
    Ngày xưa trong Á TẾ – Á CA:
    ……………………………
    thuế nhà cửa, thuế chùa chiền
    thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn
    thuế hết cả phấn, son phường phố
    thếu những anh thuốc lọ gầy mòn
    thuế dầu, thuế bãi, thuế cồn
    thuế người chức sắc, thuế con hát đàn
    …………………………….
    Thuế dầu, mật, phấn son mọi chợ
    thuế gạo, ngô, thuế đỗ, thuế bông
    thuế tơ, thuế săt, thuế đồng
    thuế chim, thuế cá khắp trong lưỡng kỳ
    các hạng thuế kể chi cho xiết
    thuế xí kia mới thiệt lạ lùng
    làm cho thập thất cửu không
    …………………………….
    Nhưng các bạn ơi ngày xưa thu thuế kiểu như vậy là bóc lột nhân dân còn ngày nay thu thuế là để “xây dựng đất nước”, để làm cho hoàng tráng. Không biết làm hoàng tráng thì dân được cái gì và các quan được cái gì? Cái này tôi không dám bàn . Việc dân ta nghèo vì “năng suất lạo động kém” dù đã dồn hết sức lực để là mà vẫn kém. Còn “tham” thì ai mà không tham chính bản thân tôi cũng tham lắm chứ nhưng tôi không “nhũng” được vì làm gì có chức quyền để nhũng. Ước gì đổi cái hoành tráng bằng phát triển khoa học công nghệ để năng suất cao hơn thì hay biết mấy

  6. ngô quý xuân

    Mỗi lần tiếp xúc cử tri mấy bác cán bộ đi dự là chính, chứ dân nào biết, có biết thì được mấy người. Mà dân thì ai mời mà đi.

  7. Ngo minh vinh

    Các bác ơi thu nhiều phí thuế để còn hoàn thuế giá trị gia tăng chứ.
    Một công ty ma trong một năm được hoàn có hơn 8 tỷ đồng thuế GTGT đó.
    Nông đân làm gì biết….

  8. Nguyễn lộc

    Tôi là một công nhân: Thấy buồn khi sơ tính về công sức và phần được hưởng:

    Thử tính mức thụ hưởng của người lao động:
    A- phân thu:
    B phần chi:
    A- THÀNH PHẦN GIÁ TRỊ SẢN PHẨM = A
    Các bạn biết đó giá trị sản phẩm ( giá tại nơi sản xuất) được tích hợp từ các vấn đề sau:
    – Sức lao đông của người trực tiếp làm ra sản phẩm =B
    – Công nghệ ( máy móc) tham gia làm ra sản phẩm =C
    – vốn phục vụ làm ra sản phẩm =D
    B- CÁCH TÍNH:
    – Tổng giá trị sản phẩm tại nơi sản xuất: A = B+C+D
    – Như vậy phần công của người lao động làm ra là B
    C- CÁC CHI PHÍ TỪ NGƯỜI LAO ĐỘNG:
    1- Chi phí trước lương:
    – Phần B này phải nuôi những người không làm ra sản phẩm khoảng 30%, trả lãi cho vốn Tạm tính 5%
    Các chi phí khác cho doanh nghiệp khoảng 5% Khấu hao máy móc tạm tính 3%
    -Như vậy lương danh nghĩa của người lao động là B – 43% B = 57%B
    2-Chi phí sau lương danh nghĩa:
    Phần luôn phải đóng hàng tháng:
    – bảo hiểm xã hội nộp 23% lương.
    – bảo hiểm thân thể 1.5% lương
    – bảo hiểm y tế 3% lương
    – bảo hiểm thất nghiếp 1.5% lương
    – quỹ phúc lợi 1% lương
    – quỹ công đoàn 1% lương
    – quỹ tương trợ 1% lương
    – quỹ đoàn hay đảng( nếu có) 1% lương
    Phần không thường xuyên:
    -Phần tương trợ ngoài quỹ (một ngày lương) = 3% lương
    – thiên tai một ngày lương) = 3% lương
    * tổng phần phải đóng hàng tháng là 33% lương
    – lương thực tế của người lao động được nhận là: 57%B – 33%(57%)B =18,81%B
    3- Chi phí sau lương thực tế:
    – khi sử dụng đồng lương cho cuộc sống (mua vật dụng, nhu yếu phẩm…) phải chịu thuế giá trị gia tăng 10%
    Vậy thực tê người lao động được sử dụng là: 18,81%B – 10% (18,81%B) = 17%B
    D- Tóm lại người lao động chỉ được hưởng 17% sức lao động của mình đó là chưa kể các đóng góp ở địa phương, các khoản thu khác không thường xuyên)

    1. Nông Cà

      Cách tính giá trị SP của bạn có thể thiếu các yếu tố sau:
      E: Quản lý doanh nghiệp. (Bao gồm từ tuyển dụng đến lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm… để SP được bán với giá cao)
      F : Giá trị thương hiệu (có trường hợp giá trị thương hiệu chiếm gần hoặc hơn 50% giá trị SP).
      như vậy: A = B+C+D+E+F+…
      Trong đó B chỉ chiểm không quá 10% (ngoại trừ sức lao động mang hàm lượng chất xám cao có thể chiếm > 10-20%)
      (chỉ bàn riêng về các yếu tố chứa trong giá trị SP (giá thành))

      1. nguyễn lộc

        Nông cà à
        tổng giá trị sản phẩm thì nhiều mục lắm, Ở đây Nguyễn Lộc chỉ muốn nói đến phần B là phần do công sức của người lao động làm ra và phần họ được hưởng do công sức của họ mà thôi.

        Giá trị B tùy thuộc vào mặt hàng, vốn đầu tư, công nghê sản xuất, thị hiếu người tiêu dùng, …
        và không thể nói như bạn là:”Trong đó B chỉ chiểm không quá 10% (ngoại trừ sức lao động mang hàm lượng chất xám cao có thể chiếm > 10-20%)”
        Ví dụ: Nghề thủ công mỹ nghệ nếu tính B bằng 10% thì ai làm? hay giả sử giá trị đào một nột hố cà phê bằng thủ công là 10000 đồng mà sức lao động bạn bỏ ra được nhận 1000 đồng liệu bạn có làm không?

  9. le thi my

    Dân ơi, kẻ ngu không thấy gì, kẻ khôn nhứt đầu đau lòng lắm . Hãy cho thời gian chính phủ và kẻ khôn nhìn nhận lại, thay đổi mà…

Tin đã đăng