Có nhiều lẽ để giá hàng hóa nguyên liệu oằn mình giảm, nhưng chắc chắn triển vọng của một đồng đô la mạnh hơn làm thị trường thêm nặng nề.
Dĩ nhiên, thương trường có người chịu thiệt nhưng cũng có kẻ được lợi, chẳng hạn như các bà nội trợ, những hãng hóa chất và trong chừng mực nào đó, các đại gia công nghiệp thực phẩm.
Chỉ số Bloomberg Commodity Index là chỉ số rổ nhiều sàn hàng hóa nguên liệu, vừa qua chỉ số này về mức thấp nhất tính từ 13 năm nay. Chỉ số hàng hóa BCI tính cả giá năng lượng, đến kim loại sử dụng trong công nghiệp, đến cả kim loại vàng và thậm chí cả hàng hóa nhu yếu như nông sản, kê cả ca cao cũng có trong rổ tính toán này luôn.
Nói cho gọn, đồng đô la mạnh là bất lợi cho giá hàng hóa nguyên liệu rồi, đặc biệt các thị trường nào lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền để giao dịch và thanh toán, do sức mua giảm của các nhà đầu tư bên ngoài khu vực sử dụng đồng USD. Lại nữa, niềm tin đồng USD mạnh được xác tín thêm khi bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), nói bóng gió rằng Mỹ có lẽ phải tăng lãi suất cơ bản vào thời điểm khoảng cuối năm 2015. Tăng lãi suất đồng USD, bản thân giá trị của USD đã cao và mạnh. Giá trị của nó lại càng lớn hơn các đồng tiền khác, đặc biệt đối với đồng Euro, khi đồng tiền này đang theo một chính sách tiền tệ thả lỏng bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu và bất ổn tại Hy Lạp. Một yếu tố làm gây trở ngại cho giá hàng hóa đó là suy thoái kinh tế Trung Quốc, Trung quốc giảm nhu cầu mua nguyên liệu. Chính vì vậy, từ đầu năm 2015 đến nay giá kim loại đồng giảm 15% và niken giảm 22%.
Cụ thể hơn, giá vàng gần đây đã suy sụp do một báo cáo từ ngân hàng trung ương Trung Quốc khi loan tin rằng dự trữ vàng của Trung Quốc chỉ đạt 1.658 tấn, thua xa kỳ vọng của thế giới là trên 2.000 tấn. Thị trường từng nghĩ rằng Trung Quốc thời gian qua phải là nước mua trữ một lượng lớn kim loại quý, nên đã có lúc nhờ tin này mà giá vàng khỏi rơi thêm. Báo cáo ngoài mong đợi của Ngân hàng Trung ương Trung quốc đã tạo nên một làn sóng bán tháo vàng trên các sàn kỳ hạn. Jeffrey Currie, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa tại ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đoán giá vàng có thể xuống mức 1000 USD/oz, là ngưỡng tâm lý quan trọng so với giá vàng hiện đang quanh mức 1090 USD/oz.
[ Thị trường hàng hóa phái sinh là gì? ]
Triển vọng giá dầu cũng chẳng sáng sủa gì. Hiện nay, nguồn cung vàng đen đã vượt quá nhu cầu, đặc biệt là Iraq tăng sản lượng nhưng các nước khác trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ không chịu giảm khai thác. Gần đây, hiệp định lịch sử đạt được giữa Tehran và các nước phương Tây về hạt nhân sẽ dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây. Do vậy Iran có thể xuất khẩu dầu sang Hoa Kỳ và Châu Âu, như vậy sẽ dẫn đến gia tăng nguồn cung và vì thế giá dầu còn xuống nữa.
Giá nông sản cũng rõ nản. Giá lúa mì giảm -13%, cà phê arabica -25% kể từ đầu năm. Giá cà phê giảm mạnh cũng còn lý do là đồng Real Brazil mất giá mạnh so với đồng USD và tồn kho ngày càng tăng, theo Commerzbank. Trong các mặt hàng nông sản, hiếm có trường hợp giá tăng như bắp + 2% và ca cao + 12%. Thị trường cao cao tăng do người ta sợ sản lượng hụt tại các nước sản xuất chính như Bờ Biển Ngà, Ghana và Indonesia.
Giá nông sản giảm thì ngành công nghiệp thực phẩm mừng vì giá rẻ, vốn vay ít, chi phí sản xuất giảm như giá dầu thô giảm. Nhiều nhà đầu cơ nay phải thoái vốn từ các nước sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu như Brazil, Nga để về khai thác thị trường tiêu thụ. Ngoài ra các bà nội trợ tại các nước đã từng chịu cảnh suy thoái kinh tế là người phấn khởi nhất vì tiền chợ mang theo ít nhưng giỏ vẫn đầy thức ăn, hàng quà.
Phạm Kỳ Anh, theo le Capital 23-7-2015