Hôm qua, giá hai sàn kỳ hạn đi hai hướng: arabica tiếp tục giảm, robusta lại tăng.
Sao lại có chuyện ngược đời như thế vì tính ra arabica được cho là thiếu trong khi robusta lại thừa trong cung-cầu nếu thiên về sản lượng?
Một đồng Real Brazil (BRL) yếu, rớt 1,7% so với USD, đã khuyến khích bán ra và sàn New York dành cho arabica vẫn chưa tiến lên được phía trước, dù giới phân tích kỹ thuật đang chờ đợi ít ra từ cả tuần nay. Đóng cửa sàn arabica đang gõ cửa mức nguy hiểm 125.05 cts/lb. Theo giới kỹ thuật, chỉ cần nhớm một chút dưới mức này để đóng cửa, sàn cà phê arabica dễ phải xuống sâu.
Sàn robusta Ice London đóng cửa tăng 17 USD/tấn ở mức 1681 USD/tấn. Nếu nhìn bằng con mắt chuyên nghiệp, đấy là nhờ cấu trúc vắt giá, vị thế mua khống vừa hàng thực vừa hàng giấy còn nhiều, lượng hợp đồng mở tháng g ao hàng 7-2015 còn nhiều dù chỉ còn một tuần nữa là chấm dứt. Đến ngày hôm qua lượng hợp đồng mở còn trên 3000 lô và cấu trúc vắt giá tháng giao hàng so với tháng giao dịch chính là 139 USD/tấn. Còn nói theo cách của một số hãng thông tin vin cớ tại sao giá robusta lên là do lượng mưa trong 2 tháng vừa qua chỉ đạt 25-30% so với bình quân các năm trước, đồng thờ trong 2 tuần tới ước báo lượng mưa không tăng tại vùng trồng cà phê tại Tây nguyên. Dẫu đấy cũng là lý do nhưng chưa phải là lý do chính để có giá tăng giữa trùng trùng điệp điệp các yếu tố kỹ thuật, kinh tế vĩ mô thất sách cho giá hàng hóa nói chung và giá cà phê nói riêng.
Thật bình tĩnh giữa lúc giá giảm để hành động đúng hướng. Phải nói rằng trong thời gian vừa qua, ai mua trữ hàng dù đó là hàng thực hay hàng giấy đều thua lỗ.
Trên sàn hàng giấy, nhiều nhà đầu tư trên thế giới bỏ tiền vào mặt hàng cà phê mua trữ trên sàn cũng đều than thua lỗ. Một chuyên gia ngành hàng cho biết, chỉ tính riêng trên sàn kỳ hạn cà phê New York giao dịch cho loại hàng arabica, lợi suất đầu tư tính từ đầu năm 2015 đến nay giảm 25%, tức là nếu đầu năm ai bỏ ra 100 đô la mua cà phê trữ trên sàn này, đến nay giá trị chỉ còn 75 đô la/tấn.
Nhìn vào giá trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi chuyên giao dịch loại cà phê mà Việt Nam đang là nhà sản xuất và xuất khẩu số 1 thế giới, nếu như ai mua trữ vào dịp đầu năm bấy giờ giá đóng cửa ở mức 1911 đô la/tấn, thì đến sáng hôm qua 23-7 trước khi sàn này mở cửa chỉ còn ở mức 1681 đô la/tấn, giảm mất 230 đô la/tấn.
Nên chớ có nói rằng người trữ hàng thực bị thua lỗ mà thôi. Cả và thiên hạ! “Người mua trữ hàng thực trên thị trường nội địa buộc phải ‘cố thủ’ vì đơn giảm bán ra là thấy lỗ 5 triệu đồng/tấn, đó là chưa tính hết các chi phí tài chính, lãi suất ngân hàng, hao hụt, lưu kho…”, một chuyên gia ngành hàng phân tích.
Có thể do vậy mà xuất khẩu cà phê trong 6 tháng đầu năm của nước ta giảm 38% như thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan đưa ra.
Trong thời gian gần đây, tại các nước sản xuất cà phê cạnh tranh với hàng của Việt Nam như Brazil, Colombia và Indonesia, đồng bản tệ của các nước này bị mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, nhờ vậy họ bán ra tới tấp và giành thị phần xuất khẩu của hạt cà phê nước ta, vị chuyên gia nói thêm.
Một đồng bản tệ Việt Nam mạnh đang hạn chế sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê xuất khẩu trên thị trường thế giới. Trong gần một năm qua, tuy giá trên các sàn kỳ hạn rẻ hơn, giá bán tính theo các đồng bản tệ lại tăng do đồng tiền các nước cạnh tranh bị mất giá, cụ thể tại Colombia khi bán cà phê, giá trị tính bằng tiền Peso Colombia tăng 44,5% và giá trị cà phê được trả bằng tiền đồng Real Brazil tăng 41,5% thì tại việt Nam chỉ tăng 3,04%.
Để có hạt cà phê bán mùa này, chi phí đầu vào như phân bón, xăng dầu, công lao động…đều cao. Đáng ra giá trên các sàn kỳ hạn rớt, ngành cà phê tìm cách hỗ trợ do để phần nào bù đắp thua lỗ, thông qua đó khuyến khích bán ra giữ thị phần, bảo đảm kim ngạch xuất khẩu.
Dự kiến sàn robusta Ice robusta London mở cửa chiều 23-7 giảm nhẹ.
Khuynh hướng chung:
-ICE London: Tiêu cực/Trung tính
-ICE New York: Tiêu cực
Nguyễn Quang Bình
giá cà phê lên thì ít mà xuống thì nhiều. Cứ cái đà này dần dần k còn cà phê mà bán cho mấy ông tây đâu vì dân chặt cà phê đi trồng tiêu hết rồi. Ngày nào cũng đỏ lòm thế này, rầu hết cả ruột k có chút động lực nào để tiếp tục chăm sóc cà phê nữa rồi chán quá, không biết có lên nổi nữa không các bác ơi.