Trong tuần 27, giá cà phê Robusta giảm 70 USD/tấn, tương đương giảm 3,85 %, giá cà phê Arabica giảm 6,05 cent/lb, tức giảm 4,53 %, trong khi giá cà phê nhân xô giảm 1.800 đồng, tương đương giảm 4,62 %, mức giảm nhiều nhất.
Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê kỳ hạn trên hai sàn giao dịch thế giới tiếp tục suy yếu.
Trên sàn kỳ hạn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta có xu hướng hỗn hợp. Trong khi kỳ hạn giao tháng 7 giảm 22 USD, tương đương giảm 1,19 %, xuống 1.853 USD/tấn và các kỳ hạn giao sau cùng trái chiều tăng. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 9 tăng 3 USD, tương đương tăng 0,17 %, lên 1.748 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 3 USD, tương đương tăng 0,17 %, lên 1.761 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tại New York không thay đổi do phiên giao dịch cuối tuần nghỉ bù trước Lễ Quốc Khánh Mỹ (04/7). Kỳ hạn giao ngay tháng 7 vẫn ở mức 125,6 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 9 vẫn ở mức 127,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 vẫn ở mức 131,15 cent/lb là mức giá đóng cửa phiên hôm thứ Năm.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng, lên ở mức 37.000 – 37.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.798 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 50 – 60 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giảm 70 USD/tấn, tương đương giảm 3,85 %, giá cà phê Arabica kỳ hạn giảm 6,05 cent/lb, tức giảm 4,53 %, trong khi giá cà phê nhân xô trong nước giảm 1.800 đồng, tương đương giảm 4,62 %, mức giảm nhiều nhất.
Có vẻ như toàn cầu sắp bước vào một giai đoạn suy thoái mới mà sự kiện Hy Lạp đứng trước nguy cơ vỡ nợ sẽ là sự châm ngòi. Gần như tất cả các thị trường trên thế giới liên tục sụt giảm gần đây bất chấp những giải pháp ứng phó, kích thích kinh tế trở lại đà tăng của những nền kinh tế hàng đầu các châu lục.
Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) có điều chỉnh mới nhất từ thị trường cà phê Robusta London cho thấy đầu cơ đã tăng mua khống thêm 42,78 % trong tuần thương mại tính đến thứ Ba ngày 23/6 lên đăng ký mua khống ở 21.114 lô. Như vậy, đầu cơ mua khống hiện là tương đương với 3.519.000 bao và dự kiến sẽ thay đổi rất ít trong giai đoạn thương mại hỗn hợp nhưng tổng thể ổn định kể từ đó tiếp theo sau.
Trong khi đó, số lượng cà phê Arabica đã được chứng nhận tại sở giao dịch hàng hóa New York tính đến ngày 02/7 đã tiếp tục giảm nhẹ xuống ở 2.147.452 bao, giảm tới 14,03% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) vừa báo cáo xuất khẩu toàn cầu tháng Tư đạt tổng cộng 9,28 triệu bao, giảm 11,95 % so với cùng kỳ năm trước. Tính trong vòng 12 tháng, đến hết tháng 5, xuất khẩu cà phê Arabica giảm 2,66% xuống chỉ đạt 67,26 triệu bao và xuất khẩu cà phê Robusta giảm 2,28 % xuống chỉ đạt 43,35 triệu bao.
ICO còn cho biết trong 8 tháng đầu của niên vụ cà phê 2014/2015, xuất khẩu toàn cầu giảm 4,6% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tuy nhiên báo cáo cũng nhấn mạnh xuất khẩu sụt giảm là do sản lượng toàn cầu niên vụ 201/2015 ước tính giảm tới 3,3 % so với niên vụ trước 2013/2014, và còn do sự kháng giá của nông dân các nước sản xuất chính vì giá tham chiếu quốc tế giảm thấp trong thời gian qua.
Viện Cà phê Honduras báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 6/2015 đạt 743.803 bao, tăng mạnh tới 46,87 % so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu của Honduras trong 9 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2014/2015 đạt tổng cộng 4.536.008 bao, tăng tới 24,71 % so với cùng kỳ niên vụ trước.
Anh Văn (giacaphe.com)
Xin hỏi tác giả xem chart ở đâu để có thể thấy được volume như hình minh họa vậy ạ? Cám ơn tác giả.