Báo cáo chi tiết của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) về sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2015-2016 và nhìn lại sản lượng vụ 2014/2015 cũng như tình hình tồn kho hiện nay của các nước tiêu thụ.
Dự báo tổng quan vụ 2015/2016
Sản lượng cà phê thế giới vụ 2015/2016 được dự báo là tăng khoảng 6,4 triệu bao so với vụ trước, đạt mức 152,7 triệu bao, chủ yếu là nhờ vào sản lượng của Indonesia và Hoduras cũng như sự hồi phục nhẹ của Brazil. Lượng xuất khẩu và tiêu thụ toàn cầu được dự báo là ở mốc kỷ lục, kéo mức tổng kết tồn kho xuống đến mức thấp nhất của 4 năm qua.
Arabica của Brazil được dự báo tăng thêm khoảng 3,8 triệu bao đạt mức 38 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi trong suốt thời gian qua, mặc dù tháng Giêng năm 2015 được ghi nhận là khô hạn hơn mức bình quân ở hai bang trồng chính là Minas Gerais và Sao Paulo, hai vùng này được đánh giá là sản xuất đến 80% sản lượng của Brazil. Điều này trái ngược với khô hạn kéo dài và nhiệt độ cao của năm ngoái vốn đã khiến cho sản lượng sụt giảm đáng kể trong chu kỳ bình thường giảm / tăng mỗi năm của thời vụ.
Sản lượng thu hoạch Robusta được dự báo là giảm khoảng 2,6 triệu bao đạt mức 14,4 triệu bao do lượng mưa giảm sụt dưới mức bình quân trong khi nhiệt độ thì lại cao hơn mức bình quân tại bang Espirito Santo là nơi trồng chính loại cà phê Robusta. Tính tổng cộng hai loại cà phê của Brazil thu hoạch được dự báo là tăng 1,2 triệu bao, đạt mức 52,4 triệu bao. Tuy nhiên nguồn cung từ Brazil cũng được cho là sẽ thấp hơn do tồn kho vụ trước đã bị giảm sụt, lượng cà phê xuất khẩu được dự báo sụt giảm khoảng 2,5 triệu bao ở vào khoảng 30 triệu bao, tổng kết tồn kho được dự báo là sụt khoảng 1,5 đến 4,3 triệu bao.
Sản lượng cà phê Việt nam vụ 2015/2016 được dự báo là tăng khoảng 400.000 bao đạt mức 28,6 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi. Trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba 2015, những vùng trồng chính ở Cao nguyên Trung phần đã trải qua một mùa nắng, khô, điều này là bình thường và cây được tưới trong giai đoạn này. Mùa mưa đã bắt đầu vào tháng 4 như dự báo, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoa nở và trái phát triển. Diện tích gieo trồng ước tính là gần như không thay đổi so với năm ngoái tiếp theo sự mở rộng không đáng kể ở Lâm Đồng và Đắc Nông và có sự giảm nhẹ ở tỉnh Gia Lai. Hơn 95% tổng sản lượng là loại cà phê Robusta. Lượng xuất khẩu cũng được dự báo là sẽ tăng khoảng 500.000 bao đạt mức 25,5 triệu bao, trong khi lượng tồn kho vẫn còn cao.
Sản lượng Arabica của Colombia được dự báo là tăng khoảng 500.000 bao, đạt mức 13 triệu bao, mức cao nhất trong hai thập niên, tiếp theo sau một số năm nằm dưới mức bình quân do sự lây lan của bệnh rỉ sắt và sâu đục quả. Bệnh rỉ sắt lúc đầu ảnh hưởng lên khoảng 40% diện tích trồng nhưng sau đó đã giảm được đáng kể nhờ chương trình đổi mới cây trồng khá quyết liệt đã đạt đến mức thay thế khoảng một nửa diện tích trồng của nước này. Colombia được trông đợi là dựa vào nguồn nhập cà phê từ Ecuador và Peru chỉ khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ, sụt giảm đến 85% so với cách đây vài năm. Lượng xuất khẩu của Colombia được dự báo là tăng khoảng 500.000 bao đạt mức 11,5 triệu bao, mức tăng xuất khẩu chủ yếu nhắm vào thị trường Mỹ và Châu Âu.
Các nước Trung Mỹ và Mexico chiếm khoảng 1/5 sản lượng cà phê Arabica của Thế giới và bệnh rỉ sắt vẫn tiếp tục hoành hành đến sản lượng của hầu hết các quốc gia này. Mặc dù sản lượng trong vùng được dự kiến là tăng khoảng 750.000 bao đạt mức 16,7 triệu bao, mức tăng là do Honduras là nước đã có chương trình thay mới cây trồng để có khả năng chống chọi với bệnh rỉ sắt, cải tạo đất đai và nhờ đó thúc đẩy sản lượng đạt mức kỷ lục là 5,9 triệu bao. Nicaragua được dự báo là tăng khoảng 5% đạt mức 2,2 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi trong thời gian ra hoa cũng như sản lượng tăng trưởng nhờ chương trình cải tạo đất đai gần đây.
Mexico, Guatemala và El Salvador được dự báo là sản lượng không thay đổi ở mức 3,3; 3,2 triệu bao và 700.000 triệu bao (theo thứ tự) là do vẫn đang chống chọi với bệnh rỉ sắt, sản lượng vẫn còn nằm dưới mức trước khi cà phê của họ bị nhiễm loại bệnh này. Costa Rica được dự báo là sụt giảm gần 5% đạt mức 1,4 triệu bao do lượng mưa giảm sụt khiến cho hoa ra trễ, và đây là năm thứ hai liên tục nước này bị giảm sản lượng. Lượng cà phê xuất khẩu toàn vùng được dự báo là tăng khoảng 600.000 bao, đạt mức 13,6 triệu bao. Xấp xỉ 40% sản lượng trong vùng là xuất khẩu đến Mỹ, tiếp đó là khoảng 35% xuất khẩu đến khối Liên hiệp Châu Âu.
Sản lượng của Indonesia được dự báo tăng khoảng 2,2 triệu bao đạt mức kỷ lục là 11 triệu bao, nhờ thời tiết thuận lợi trong thời gian ra hoa và giai đoạn hình thành quả, tuy vậy việc thu hoạch ở một số vùng có thể bị trễ do những cơn mưa muộn. Sản lượng của hai vụ trước bị thấp do mưa quá nhiều trong thời gian hình thành quả. Hơn 85% sản lượng của nước này là cà phê Robusta. Lượng xuất khẩu được dự báo là tăng khoảng 1,4 triệu bao đạt mức 6,5 triệu bao.
Sản lượng của Ấn độ cũng được dự báo tăng khoảng 100,000 bao đạt mức 5,2 triệu bao, hầu hết mức tăng là Robusta ở Karnataka, là bang trồng lớn nhất. Arabica được dự báo là gần như không thay đổi tiếp theo sau mức sụt giảm khoảng 15% của năm ngoái. Lượng xuất khẩu của Ấn độ được dự báo là tăng nhẹ, đạt mức khoảng 3,5 triệu bao.
Sản lượng Arabica của Ethiopia được dự báo là không thay đổi, nằm ở mức 6,5 triệu bao đây là mức mà họ đã duy trì trong 4 năm qua. Như thông thường, lượng xuất khẩu của nước này nằm trong khoảng 3,5 triệu bao, số còn lại là dùng cho nhu cầu nội địa.
Khối Liên hiệp Châu Âu nhập khẩu khoảng gần một nửa sản lượng xuất khẩu của toàn cầu và được dự báo là sẽ tăng nhập khoảng 500,000 bao đạt mức kỷ lục 45,5 triệu bao. Đứng đầu trong những nhà cung cấp là Brazil (30%) Việt nam (24%) và Honduras (6%). Tồn kho tổng kết được dự báo là không đổi ở mức 12 triệu bao.
Hoa Kỳ là nước nhập đứng hàng thứ hai, được dự báo là sẽ tăng nhập khoảng 500,000 bao đạt mức 24 triệu bao, một phần vì xây dựng lại lượng tồn kho. Nhà xuất khẩu hàng đầu vào Hoa kỳ vẫn là Brazil (28%) Colombia (19%) và Việt nam (15%). Tổng kết tồn kho được dự báo sẽ tăng 200.000 bao nằm ở mức 5,7 triệu bao.
Nhìn lại vụ 2014/2015
Sản lượng cà phê thế giới vụ 2014/2015 đã được xem lại là giảm sụt 3,5 triệu bao so với con số đã đưa ra hồi tháng 12 nằm ở mức 146,3 triệu bao – trong đó:
- Các nước Trung Mỹ và Mexico được xem lại là sụt giảm 700.000 bao nằm ở mức 16 triệu bao, nguyên nhân được cho là vì bệnh rỉ sắt.
- Việt nam được xem lại là giảm sụt 1,2 triệu bao, nằm ở mức 28,2 triệu bao.
- Peru được cho là giảm sụt 600.000 bao, nằm ở mức 2,8 triệu bao cũng do bệnh rỉ sắt.
Về xuất khẩu
– Tổng xuất khẩu toàn cầu được nhận định là giảm sụt 300.000 bao, nằm ở mức 104,9 triệu bao.
- Brazil được nhận định lại là xuất tăng 2,5 triệu bao đạt mức 32,5 triệu bao nhờ nhu cầu tăng mạnh ở Mỹ và Châu Âu.
- Các nước Trung Mỹ và Mexico được nhận định lại là xuất giảm 700.000 bao đạt mức 13 triệu bao vì lượng cung giảm.
- Peru xuất thấp hơn 500.000 bao đạt mức 2,7 triệu bao.
Về tổng kết lượng tồn kho toàn cầu giảm 2,9 triệu bao nằm ở mức 33,5 triệu bao:
- Việt nam tồn kho giảm từ mức 2,5 triệu bao xuống 2,4 triệu bao.
- Brazil tồn kho giảm 1,2 triệu bao nằm ở mức 5,8 triệu bao do đã tăng lượng xuất khẩu trong thời gian qua.
- Liên hiệp Châu Âu tăng lượng tồn kho 750.000 bao đạt mức 12 triệu bao, do lượng tiêu thụ thấp hơn dự đoán.
Kinh Vu (dịch và tổng hợp)