Nông dân chặt bỏ cây điều vì mất giá

dieu
Tại nhiều tỉnh phía Nam, mảnh đất của cây điều
giờ đã mọc lên toàn cao su

Không chỉ diện tích điều ở Bình Dương bị co lại dần đi đến phá sản mà cây điều ở nhiều địa phương khác cũng đang bị dân vác dao chặt làm củi.

Nếu như Bình Dương vừa tuyên bố dự án khôi phục và phát triển 10.000 ha điều đã thất bại hoàn toàn, thì tại “vương quốc” cây điều Bình Phước diện tích loại cây này mất đi trong 2 năm gần đây còn vượt xa tỉnh láng giềng. Ông Nguyễn Văn Tới – GĐ Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, từ năm 2007 đến nay toàn tỉnh đã mất đi 16.000 ha điều. Nguyên nhân chủ yếu là do hiệu quả kinh tế của cây điều không còn hấp dẫn như các loại cây trồng khác, đặc biệt là cao su. Ông Tới làm phép tính: Trước đây giá 1 ký điều thu được 15 – 16.000 đồng, nhưng hai năm trở lại đây chỉ còn 9 – 10.000 đồng. Với cây cao su người trồng thu được từ 30 – 50 triệu đồng/ha, còn cây điều chỉ dưới 10 triệu đồng/ha (nếu vụ mùa tốt), vì thế chuyện chặt điều để trồng cao su là tất yếu.

Hiện ngành điều đã bộc lộ nhiều bất cập:
– Về trồng điều không đủ cân đối cho công nghiệp chế biến, sản lượng hạt điều nhiều năm trồi sụt không ổn định do phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, sâu bệnh phá hoại.
– Hoạt động chế biến điều cũng phát triển không vững chắc thể hiện rõ chỉ trong khoảng 20 năm đã có tới 3 lần (1996, 1999, 2005) xảy ra khủng hoảng thua lỗ, lần sau thua lỗ hơn lần trước.-
Việc phát triển các cơ sở chế biến không có quy hoạch, tổng công suất chế biến hiện đã vượt quá xa khả năng SX hạt điều trong nước khiến chuyện “khát” nguyên liệu, tranh giành nguyên liệu không lành mạnh liên tục xảy ra.
Còn tại tỉnh Đăklăk, diện tích cây điều từ năm 2007 đến nay đã giảm trên 4.000 ha. Theo Sở NN-PTNT, con số giảm chưa dừng lại khi một số diện tích trồng điều vào những năm 2003 – 2005 trên chân đất rừng khộp, điều kiện sinh thái, khí hậu khắc nghiệt, tầng đất canh tác mỏng không mang lại hiệu quả kinh tế, có khả năng phải thanh lý tới…6.000 ha trồng trên địa bàn Easup. Tương tự, tại Gia Lai trong vòng hai năm qua cũng có gần 1.000 ha điều bị dân đốn hạ, Khánh Hòa mất gần 500 ha. Riêng tỉnh Bình Thuận chỉ tính riêng trong năm 2008, nông dân đã hạ gục gần 1.000 ha, chủ yếu tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai có trên 12.000 ha điều trồng trên đất bazan thuộc các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ đã và đang bị nông dân chặt bỏ để chuyển sang trồng cao su, cây ăn quả đặc sản hoặc ca cao.

Nghịch lý là, Việt Nam liên tục mấy năm gần đây “nổi tiếng” vì XK nhân điều số 1 thế giới, nhưng chẳng hiểu sao ở trong nước nông dân trồng điều nhiều nơi chẳng sống được với nó. Các địa phương khẳng định, nguyên nhân quan trọng hiện nay là năng suất cây điều sau nhiều năm được “nghiên cứu”, chuyển giao vẫn ì ạch chẳng tăng  bao nhiêu. Tại tỉnh Gia Lai, năng suất điều nhiều vùng chỉ có 5 tạ/ha (tương đương 4 – 5 triệu/ha/năm), vì thế, dù tỉnh này có 2 NM chế biến tại Krông Pa và Pleiku với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm nhưng luôn trong tình trạng “khát” nguyên liệu từ 40 – 50%. Kêu gào dân trồng nhưng chẳng ai mặn mà đếm xỉa, vậy là hai nhà máy này phải đi thu gom nguyên liệu từ tỉnh khác và NK từ nước ngoài. Tệ hại hơn, năng suất điều điều tại nhiều vùng của tỉnh Khánh Hòa, Bình Định…nhiều năm qua chỉ đạt dưới 4 tạ/ha.

Theo đánh giá của TS Hoàng Quốc Tuấn, Phân viện QH- TKNN, năng suất điều tăng chậm và không ổn định do diện tích trồng giống điều ghép thấp, đồng thời các hộ trồng điều ít đầu tư thâm canh đúng theo quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, giá vật tư, phân bón mấy năm gần đây tăng từ 1,5 – 1,8 lần so với năm 2005 (urê từ 8.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, DAP từ 15.000 đồng/kg lên 27.000 đồng/kg…) nên nông dân giảm lượng phân bón cho điều. Hơn nữa, giá thuê nhân công chăm sóc (làm cỏ, tạo tán, tỉa cành…) cũng tăng từ 35 – 40.000/ngày công lên 50 – 60.000 đồng/ngày công cũng là trở ngại cho khâu chăm sóc điều. Vì thế, trong suốt 3 năm (từ năm 2005 đến 2008) năng suất điều chỉ tăng thêm có 40 kg/ha.

Liên quan đến chất lượng giống điều ghép, khảo sát của Chi cục BVTV tỉnh Bình Phước cho thấy rằng, giống điều ghép trong những năm qua không đạt chất lượng của cây đầu dòng, chất lượng gốc ghép, cành ghép và tỉ lệ bị đứt rễ cọc trước khi trồng cao.

Ngoài ra, các hộ trồng điều ít hiểu biết, ham giá rẻ thường mua cây điều ghép không rõ nguồn gốc hoặc truyền tay nhau để trồng mới trong dân dẫn đến tình trạng sản xuất cây giống kém chất lượng khá phổ biến, sâu bệnh liện tục hoành hành. Hiện diện tích trồng điều giống cũ tại “vương quốc” điều Bình Phước chiếm tới 86% diện tích, còn tại tỉnh như Gia Lai, Đắk Nông, Bình Thuận, Khánh Hòa con số này cũng chiếm khoảng 2/3 diện tích khiến hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, nông dân liên tục chặt bỏ cây điều để bớt thêm gánh nặng.

Theo NongNghiep.vn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng