Dự báo sản lượng được mong chờ cuối cùng cũng đã được phát hành bởi CONAB, một đơn vị trực thuộc bộ nông nghiệp Brazil chuyên đánh giá, định mức sản lượng nông nghiệp trong đó có cà phê.
Ai tin vào dự báo trước đây của Volcafe, USDA, Mercon…những con số lớn thì nay đều phải bực mình vì con số CONAB quá nhỏ.
Theo đơn vị này, do hạn hán, đất tại các vùng trồng robusta “chưa đủ độ ẩm”.
Như vậy, CONAB đã ra con số ước báo sản lượng Brazil chừng 44,3 triệu bao, giảm 2,3% so với con số ước sản lượng vụ trước là 45,3 triệu bao, trong đó sản lượng robusta rất nhỏ và sản lượng arabica cũng ở mức thấp. Như vậy, so với ước báo sản lượng năm nay cũng do CONAB phát hành vào tháng 1-2015 là 44,1-46,6 triệu bao.
Đối với robusta, loại cà phê được sử dụng chừng 30% trong tổng khối lượng tiêu thụ hàng năm của thế giới, CONAB cho biết chỉ đạt 11,35 triệu bao so với ước báo cũ tháng 1-2015 là 11,6-12,2 triệu bao, giảm 13% so với năm 2014.
Con số này gây ngạc nhiên nhiều cho dân trong nghề vì so với dự báo của Neumann Kaffee Gruppe mới đây đã được cho là thấp thì lượng robusta Brazil cho năm nay cũng đã 16,1 triệu bao.
Robusta mất mùa do vùng trồng lớn nhất loại này của Brazil, Espirito Santo thời tiết không thuận lợi, giảm đến 22%.
CONAB giải thích rằng “thiếu độ ẩm, nắng nóng” tại Espirito Santo vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015 làm cho trái nhỏ, nhân cà phê nhỏ, mất sản lượng.
Ngoài ra, theo CONAB, yếu tố giá thấp làm nông dân Espirito Santo bỏ bê, thiếu chăm sóc nông trại cà phê, cũng làm giảm sản lượng.
Sản lượng arabica được CONAB dự báo là 32,95 triệu bao, so với ước báo của họ trong tháng 1-2015 là thấp, vì bấy giờ họ ước 32,5-34,4 triệu bao.
Ước báo sản lượng của CONAB tuy gây ngạc nhiên khi đọc những con số nhưng không tạo bất ngờ trên giá cà phê của 2 sàn hôm qua.
Phản ứng tức thì trên sàn chứng tỏ người kinh doanh không tin con số đã được dự báo, đặc biệt là robusta. Dù tin hay không tin, điều cần lưu ý với các nước sản xuất robusta khác là không nên vin vào con số ước báo để “điều hướng” kinh doanh cho mình vì rất dễ bị sai lạc. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 4-2015, Brazil đã xuất khẩu gần 4 triệu bao robusta, giành thị phần xuất khẩu quan trọng vì so với giá arabica bị bán quá rẻ. Người sản xuất và kinh doanh cà phê robusta thế giới cần theo dõi giá cách biệt giữa arabica và robusta để kinh doanh hơn là những con số sản lượng do nhiều nơi phát hành. Con số sản lượng hiện nay thường do thiên kiến kinh doanh mà có hơn là nghiên cứu trung thực và đàng hoàng.
Hai sàn cà phê đóng cửa ngày giao dịch 09-06-2015 có giá dương nhờ yếu tố kỹ thuật, sàn robusta ICE EU tăng 10 USD đạt 1734 USD/tấn và arabica ICE US dương 0.80 đạt 137.35 cts/lb.
Dự kiến sàn robusta Ice Europe mở cửa chiều 10-6 từ không đổi đến tăng nhẹ.
Khuynh hướng chung:
-Arabica: Tích cực
-Robusta: Tích cực
Nguyễn Quang Bình
hình như tác giả viết sai rồi sàn robusta ICE EU tăng 10 USD đạt 1724 USD/tấn đáng lẽ phải +10 USD phải 1734 chứ
Đúng vậy, đã chỉnh. Cán ơn bạn.
Bhôm nay thị trường áp dụng T7 hay T9 vậy anh Bình
Nếu là hàng thực, tùy thuộc vào ngày giao hàng. Bạn bán giao ngay ngày hôm nay đến hết tháng 6-2015, hai bên sẽ tính trên cơ sở tháng 7-2015. Nếu bạn bán bây giờ để giao tháng 7, sẽ tính trên tháng 9-2015. Nói chung, hàng thực thường giao dịch cho tháng hàng số thứ 2, tức nay là tháng 9-2015.
Còn hàng giấy, có thể vẫn giao dịch tháng 7. Nhưng thường đến ngày thông bao giao hàng đầu tiên, nhà môi giới yêu cầu bạn thoát để thanh lý bằng “giấy” chứ không bằng hàng thực.