Ai sẽ đoán đúng hướng giá cà phê?

Giá cà phê nội địa trong tuần chạm mức thấp tuy chưa phải mức thấp nhất 35 triệu đồng/tấn trước đây. Thị trường kỳ hạn robusta quay đầu xuống trong mấy ngày cuối tháng 4-2015 trong khi giá kỳ hạn arabica tí nữa qua mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua.

Nhiều người thắc mắc thế giới hụt sản lượng, xuất khẩu nước ta giảm, sao giá cứ rớt?

Nên xem: Có gì mới trên sàn kỳ hạn robusta?

bieu do gia ca phe robusta
Biểu đồ diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu 3 tháng vừa qua (nguồn: Ice Europe)

Thị trường cà phê nội địa “đứng bánh”

Tháng 4-2015, tháng thứ bảy của niên vụ cà phê 2014-15 vừa qua đi. Trong 30 ngày vừa rồi, giá cà phê trên thị trường nội địa có lúc đã chạm mức 39,5 triệu đồng/tấn, tưởng thị trường bắt lại đà nhộn nhịp để tăng tiếp. Nhưng, bất ngờ giá đã giảm cực mạnh vào đầu tuần xuống chỉ còn 37 triệu đồng/tấn và chỉ nhích dần lên về phía cuối tuần để sáng nay thứ Bảy 2-5, giá chào mua quanh mức 37,5 triệu đồng/tấn. Thị trường cuối tuần dự kiến thiếu sôi động vì ở mức 37-37,5 triệu đồng/tấn, người còn hàng chê thấp, đợi đợt giá tăng khác mới tính chuyện bán ra.

Cú sốc trên sàn kỳ hạn đầu tuần qua làm cả thị trường nội địa khựng lại khi giá kỳ hạn robusta tại châu Âu mất hẳn 56 đô la/tấn trong ngày giao dịch 27-4 dù lượng bán ra cực ít để có thể gây sức ép bán ra làm giá giảm mạnh đến vậy. “Giá nội địa ở mức 37-38 triệu đồng/tấn ai mà bán cho…”, chủ một đại lý thu mua cà phê ở huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng cho biết sau khi có thêm cú sốc thứ hai vào ngày giao dịch cuối tuần trên sàn kỳ hạn.

Giá cà phê kỳ hạn rơi tự do

Hôm qua thứ Sáu 1-5, giá sàn robusta mất 20 đô la/tấn để đóng cửa còn 1.772 đô la/tấn, thua 44 đô la so với đỉnh và cao hơn đáy 12 đô la/tấn lập trong tháng 4-2015. Nếu tính với mức cao nhất trong vòng 3 tháng nay, giá đóng cửa phiên cuối tuần qua mất đến gần 300 đô la/tấn của đỉnh giá đóng cửa sàn kỳ hạn vào giữa tháng 2-2015 (xin theo dõi biểu đồ trên).

Sơ kết xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng 4-2015 của nước ta ước đạt 112.000 tấn, tức chừng 1,86 triệu bao (bao = 60 kg), giảm 14,2% so với tháng trước nhưng giảm đến 46% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê cả nước chỉ đạt 466.000 tấn, giảm 41% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu chỉ nhìn từ phía cà phê robusta, có thể nói rằng tuần qua giá kỳ hạn rớt thoải mái mà không cần biết gì đến cung-cầu.

Phía arabica cũng chung số phận, đến cả chủ tịch Hội đồng Cà phê Quốc gia Brasil (CNC), ông Silas Brasileiro hôm 1-5 khi thấy giá arabica trên sàn kỳ hạn New York gần chạm mức thấp nhất tính từ 15 tháng nay, tụt xuống mức 132,50 xu/cân Anh (cts/lb), phải thảng thốt nói “cứ đồn bậy đồn bạ sản lượng cà phê Brasil có đâu mà to dữ vậy!”.

Sự thật liệu có phũ phàng?

Tuy không chỉ mặt đặt tên, hình như Silas Brasileiro ám chỉ một số hãng kinh doanh muốn phóng đại dự báo sản lượng của Brasil năm nay như Volcafe với 49,5 triệu bao (Thụy sĩ), Comexim (Brasil) 48,6 triệu, Marcon (Nicaragua) 50,5 triệu và Marex Spectron (Anh quốc) với 49 triệu bao.

Trong khi đó, con số dự báo chính thức của CNC chỉ 43,3 triệu bao!

Sự cách biệt giữa các con số dự báo trong khoảng 10 triệu bao sẽ là cơ hội cho dao động thất thường về giá và cho đầu cơ tài chính tạo sóng “đục nước béo cò” nay mai.

Giá xuống đến độ chủ tịch Hiệp hội Rang xay Quốc gia Brazil Nathan Herskowicz phải dự báo sắp tới giá sẽ “vững” vì dù cho sản lượng Brasil năm nay có đạt 46-47 triệu bao, thì nhu cầu cà phê Brasil cho xuất khẩu và nội địa phải đến mức 54-57 triệu bao mới thỏa!

Báo cáo tháng 3-2015 phát hành cách nay hai tuần của Tổ chức Cà phê Thế giới (International Coffee Organization – ICO) nói rằng niên vụ này tổng sản lượng cà phê thế giới chỉ 141,9 triệu bao trong khi tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2014 đạt mức 149,3 triệu bao, tăng 10 triệu bao so năm 2011.

Nhưng hình như giới kinh doanh chỉ sử dụng các con số ICO như một kênh tham khảo thêm chứ không tin dùng nó để quyết định mua bán.

Ước báo sản lượng cho thời gian phía trước có thể đúng và cũng có thể sai. Nhưng số liệu xuất khẩu của Brazil trong những tháng qua tuy có giảm nhẹ nhưng lũy kế xuất khẩu 12 tháng đều đứng ở mức cao kỷ lục 35-36 triệu bao trong mọi thời kỳ. Ước báo sản lượng lớn có thể tác động tâm lý trên sàn làm giá giảm. Nhưng làm sao trả lời được chuyện trong khi nói mất mùa, hàng xuất khẩu vẫn được bán ra không ngớt. Đó chính là tác nhân làm giảm giá nhiều hơn chứ sao lại đổ thừa dự báo?

Có lẽ điều quyết định giá thị trường trong thời gian tới không phải là các ước báo sản lượng to hay nhỏ. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, hàng vụ mới Brasil được tung ra thị trường và năm tháng nữa nước xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới Việt Nam vào năm kinh doanh mới 2015-16. Ai nắm được thông tin về tồn kho, đoán được “chủ kho” sẽ làm gì với tồn kho và tồn kho đầu kỳ của hai nước xuất khẩu đứng đầu thế giới là Brasil và Việt Nam, phần đúng về đoán hướng giá sắp tới e sẽ thuộc về người đó.

Xem thêm: Tiêu thụ cà phê toàn cầu hiện nay là bao nhiêu?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ho nam

    Lợi nhuận của giới kinh doanh cà phê quốc tế trên sàn sẽ cao hơn nhờ vào các dự đoán so với thặng dư giá trị của hạt cà phê!

Tin đã đăng