Cà phê Đào – Ấn tượng đất Lào

Vượt Trường Sơn qua ngả cửa khẩu Bờ Y, chúng tôi thăm Lào. Bên này phía đông dãy Trường Sơn, chập chùng rừng núi với các địa danh một thời chiến tranh cách đây trên 40 năm như như Dak Tô, Tân Cảnh, Ngọc Hồi…Qua sườn phía Tây, khi đã vào sâu trong tỉnh Attapư của đất nước Bạn Lào, hình như chưa ai có cảm giác mình đang ở nước ngoài, dù trên đường đã thấy những biển báo viết bằng chữ Lào.

Cám ơn hòa bình

Hình ảnh quê nghèo, chiến tranh đau thương về lại trong ký ức khi bắt gặp vài quán nhỏ lèo tèo mắc lẻo tẻo bên bờ rừng, hay một vài căn nhà sàn thô sơ, khô khốc giữa những ngày nắng tháng Tư. Sao giống quê mình quá đỗi!

Đi càng xa vào đất liền, ai cũng đều giật mình với vùng đất “Triệu Voi” chuyển mình! Đây đó nhiều tòa nhà, công trình sản xuất và kinh doanh bề thế như các nông trường cao su, nông trường mía…

Cuối cùng xe cũng đến Paksé, thủ phủ của tỉnh Champassak. Tên của cái tỉnh rộng lớn, trù phú có cao nguyên Boloven được sánh như Đà lạt đây rồi. Nghe tên tỉnh Champassak, âm hưởng như tiếng Pháp. Đúng thật, Champa là loài hoa sứ (hoa đại), có mùi hương phảng phất mà người Lào hay kết thành chùm đeo đón khách, hay đơm hoa cúng Phật. “Sak”, tiếng Pháp “sac” là giỏ, rổ, thúng…tỉnh “thủ phủ của hoa sứ”.

Một điệu múa với hoa Champa nhân dịp lễ Cột Chỉ Tay của Bạn Lào
Một điệu múa với hoa Champa nhân dịp lễ Cột Chỉ Tay của Bạn Lào

Cái nóng lục địa ở Lào không phải dễ chịu. Đây cũng là đúng dịp tết té nước vào những ngày giữa tháng Tư. Tết té nước được xem như tết nguyên đán ở nước ta. Người Lào gọi tết té nước là “Bunpimay”, là một lễ hội văn hóa truyền thống Lào, có ý nghĩa mang lại sự mát mẻ, phồn vinh, ấm no cho vạn vật và con người, nước thanh khiết hóa cuộc sống con người. Ngoài đường, dân chúng té nước cho nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm. Người Lào hay gọi tắt lễ này là Bun, tức là làm phước, làm phước để được phước…Cái phước lớn nhất của người Lào và Việt anh em, đó là hòa bình. Chính nhờ hết chiến tranh, mọi người tự do đây đó…

Khi đến được Paksé, có lẽ mọi người đều có chung ý nghĩ rằng tất cả đều đang có phước và hưởng phước, được thăm Champassak, được ngồi giữa cái thành phố đang lên, chưa đủ náo nhiệt để làm phiền đến chuyện thưởng thức ly cà phê Lào.

Cà phê “Đào”

Cả mấy người chúng tôi đều là dân ghiền cà phê. Việc đầu tiên trước khi vào chỗ nghỉ là tìm đến tiệm cà phê “giải nghiện”. Nhấp một ngụm cà phê với đầy đủ hương và vị, không chỉ như được xả “stress” , một cảm giác sảng khoái và ngất ngây đến bất ngờ. Ông bạn sành điệu cà phê nhất trong nhóm phải reo lên: cà phê thứ thiệt đây rồi!

ca phe hoa tan dao huong lao
Cà phê hòa tan Dao của Dao -Heuang Group (Lào) bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt Nam -Ảnh: Lê Hoàng

Đấy cũng là ấn tượng đầu tiên của những người nặng nợ với cà phê. Ông thao thao…mùi thơm thì thơm như cà phê của một vùng Trung Mỹ, không quá chua như vị cà phê uống Hoa Kỳ, cũng không chát đắng lắm như một số cách pha trộn thiên nhiều về cà phê vối…một ly cà phê chân chất không dễ tìm ra…

Hóa ra, khi uống xong mấy ngụm cà phê, cả nhóm mới phát hiện rằng chúng tôi đang uống trong một tiệm gọi là “Dao Coffee” hay “Cà phê Đào” trong tiếng Việt.

Thật ra, khi chuẩn bị vào thành phố, đây đó các bảng hiệu “Dao Coffee” đã xuất hiện thật thà như hương vị thứ cà phê tôi uống. Nhưng cái ấn tượng lớn nhất chính là các trưng bày trang nhã của tiệm cà phê, khách uống không ồn ào, cả phòng kinh doanh cà phê thơm ngậy hương như một phòng thí nghiệm, thử nếm cà phê của các hãng rang xay chuyên nghiệp Âu Mỹ.

Chị Lượng

Nếu không được giới thiệu từ trước, ít ai ngờ ly cà phê thơm phức ấy là từ một hãng rang xay lớn nhất đất Lào, nằm cách trung tâm Paksé chừng hai mươi cây số, là một trong những nhà máy chế biến cà phê hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Lại càng ít ai ngờ rằng chủ của nhà máy làm nên ly cà phê lại là chị Lượng, một phụ nữ Việt Kiều.

Chị Lượng, quê huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nghe rằng gia đình sang sống đất Lào từ lâu cả trăm năm có và chị được sinh ra tại đó. Ở cái thời còn quan niện “trời sinh voi sinh cỏ”, lại ở một vùng bấy giờ sinh con cũng là chuyện trời cho như nhiều vùng miền núi ở nước ta, chị là chị cả của một nhà có đến tám người em.

Thủa còn trẻ, chị buôn tảo, bán tần, chịu khó vừa làm ăn vừa học hỏi. Nghe nói cái nhà máy rang xay chế biến cà phê mấy chục triệu đô la ở giữa vùng rừng núi Champassak này là kết quả của việc mê nghề cà phê. Một thời, nhờ đất nước hòa bình, chị chạy sang các tỉnh Tây nguyên học cách trồng cà phê. Có lẽ chị là chủ hãng rang xay rất hiếm hoi có vườn trồng cà phê, nhà máy chế biến ướt để làm ra nguyên liệu chuẩn cho đầu vào. Chị giao đất giao vườn tiếp lương, tiếp gạo cho nhiều bản dân, giúp họ có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Không chỉ trong lãnh vực cà phê, chị Lượng còn là chủ của cả một nền công nghiệp thực phẩm và thức uống mang tên “Dao” (Đào) như là nước uống tinh khiết, trà, trái cây sấy khô…

Hỏi chị tại sao là Đào? Chị trả lời rằng trong tiếng Lào, ‘đào” là “ngôi sao”. Tập đoàn của chị mang tên Đào Hương (Dao Heuang), “hương” là “sáng”, nên Đào Hương là ngôi “sao sáng”.

Để đạt được hoài bão “sao sáng” đến tận hôm nay, chị, gia đình và tập đoàn vượt nhiều chông gai. Từ một người tha hương như vì sao lạc, chị biết và trân quý tình đồng bào, chị hiểu thế nào là tình đùm bọc.

Không gian đang còn hương tết Lào, đất nước quê hương tổ tiên đang chuẩn bị ngày quê hương thống nhất, chị Lượng vui với niềm vui chung của cả hai đất nước.

Lỡ miệng bảo chị là đại gia, chị phản ứng ngay mà nói “tui thích rằng đã ăn thì ăn một miếng cho ngon, đã uống thì uống một miếng cho sướng, mong cà phê Đào đem lại sự sảng khoái cho người tiêu thụ là dân quê tui, rứa là tui mãn nguyện rồi chứ đại gia chi”, chi nói bằng một giọng chân chất vốn có của người Lào, dịu dàng như người con gái Huế ngày nào.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ho nam

    Tôi đã được xem phóng sự về doanh nghiệp cà phê này trên truyền hình. Phải nói rằng ngoài sự đam mê, dám làm thì yếu tố sát với canh tác( người dân trồng cà phê) và thị trường là yếu tố làm nên thành công của doanh nghiệp này. Với cách làm của vợ chồng chị Lượng thì các doanh nghiệp chế biến cà phê nội cần phải học tập nhiều! Như vậy thì may ra mới nâng cao giá trị của hạt cà phê Việt nam được. Khi đó mới đưa ngành cà phê của mình lên xứng tầm với vị thế là nước có cà phê nhất nhì thế giới!

Tin đã đăng