Trong tuần 12, giá cà phê Robusta giảm 32 USD/tấn, tương đương giảm 1,76 %, giá cà phê nhân xô giảm 200 đồng/kg, tương đương giảm 0,52 %, trong khi giá cà phê Arabica giảm 5,15 cent/lb, tức giảm 3,59 %, mức giảm nhiều nhất.
Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới sụt giảm trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn.
Trên sàn kỳ hạn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tiếp tục đà giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 28 USD, tức giảm 1,57 %, xuống 1.788 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm thêm 28 USD, tức giảm 1,54 %, còn 1.816 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 28 USD, tức giảm 1,52 %, còn 1.843 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức rất thấp dưới trung bình.
Tương tự, trên sàn kỳ hạn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm 2,05 cent, tức giảm 1,48 %, xuống 138,2 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 7 giảm 2 cent, tức giảm 1,41 %, còn 141,5 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2,05 cent, tức giảm 1,42 %, còn 144,45 cent/lb, các mức giảm cũng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 – 400 đồng xuống ở mức 37.600 – 38.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.748 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi 30 – 40 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giảm 32 USD/tấn, tương đương giảm 1,76 %, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 200 đồng/kg, tương đương giảm 0,52 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn giảm 5,15 cent/lb, tức giảm 3,59 %, mức giảm nhiều nhất.
Giá cà phê chưa thể “cất cánh” khi USD vẫn ở mức quá cao trong rổ tiền tệ cho dù đồng Reais của cường quốc nông sản hàng đầu đã có sự hồi phục trong tuần. Trong khi đó nhà đầu tư đã giảm cược vào giá cà phê ở mức thấp nhiều năm vẫn chưa thấy dấu hiệu quay trở lại mặt hàng nông sản thường gây sôi động nhất trên thị trường hàng hóa này.
Bà Yellen, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ được nâng từng bước nhưng hiện nay thì chưa đã khiến cho kỳ vọng của thị trường bị dập tắt và USD đảo chiều nhấn chìm giá cả hàng hóa trở lại.
Sự kiện gây chú ý trong tuần là Brasil bán cà phê dự trữ. Mục tiêu của cơ quan Conab đưa ra là nhằm bình ổn giá cả thị trường nội địa và tăng cung cho nhà rang xay trong nước. Tuy nhiên, do ấn định mức giá tối thiểu được cho là quá cao nên khách mua quay lưng, nhưng lại khiến cho đầu cơ suy đoán tồn kho cà phê Brasil vẫn còn dồi dào, tiếp tục gây sức ép tiêu cực lên các thị trường.
Thứ Tư tuần tới Brasil sẽ cho bán đấu giá, và lần này là 40.800 bao. Mức giá tối thiểu sẽ được công bố chiều thứ Hai đầu tuần.
Tính đến cuối tuần, cà phê Arabica được sàn New York cấp chứng nhận đăng ký ở mức 2,31 triệu bao, tăng nhẹ so với tuần trước. Số cà phê tăng chủ yếu đến từ Colombia.
Giao dịch cà phê Robusta ở thị trường Đông Nam Á vẫn tiếp tục trầm lắng, nguyên nhân được cho là do giá tham chiếu trên thị trường kỳ hạn quá thấp.
*Kể từ thứ Hai ngày 30/3, thị trường cà phê kỳ hạn chuyển sang giao dịch theo giờ mùa hè. Cụ thể:
-Thị trường ICE Europe – London: mở cửa lúc 15g00′, đóng cửa lúc 23g30′.
-Thị trường ICE US – New York: mở cửa lúc 15g15′, đóng cửa lúc 0g30′ ngày hôm sau.
Anh Văn (giacaphe.com)
nắng hạn cà phê héo hết rồi bà con ơi tình hình này thì vụ tới chỉ thu cành khô mà thôi buồn púa
Sao giá Càphê cứ rớt không phanh thế nhỉ, buồn cho nông dân chúng ta quá.
Từ ngày anh Mỹ mua lại London giao dịch rất khó lường, làm cho mọi nguời hoang mang quá.
Chết chắc rồi bà con ơi, hãy mượn tiền ngân hàng về mà đầu tư thôi, lãi suất cũng dễ chịu mà, không thể bán giá này được.
giá cà phê giảm tiêp làm kỳ vọng của mình giá trên 40k tuần này trở nên xa vời. thôi thì giá có xuống 30k cũng mặc kệ không bán. giá biến động khôn lường quá, không biết lúc lên có nhanh như vậy không .
có lẽ cũng như dự đoán của chuyên giá do nhà đầu tư cho rằng bzasin không đấu giá được cà phê do được mùa.nhưng có đựơc mùa đi nữa cà phê cũng không thể ở giá này.
anh vũ đâu rồi không thấy cho ý kiến .