Trong tuần 11, giá cà phê Robusta tăng 112 USD/tấn, tương đương tăng 6,56 %, giá cà phê nhân xô tăng 2.400 đồng/kg, tương đương tăng 6,67 %, trong khi giá cà phê Arabica tăng 13,55 cent/lb, tức tăng 10,44 %, mức tăng nhiều nhất.
Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới thể hiện xu hướng trái chiều.
Trên sàn kỳ hạn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng trở lại. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 5 USD, tức tăng 0,27 %, lên 1.820 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 7 tăng 4 USD, tức tăng 0,22 %, lên 1.846 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 4 USD, tức tăng 0,21 %, lên 1.873 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới trung bình.
Trái lại, trên sàn kỳ hạn ICE US – New York, giá cà phê Arabica đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm 0,8 cent, tức giảm 0,56 %, xuống 143,35 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 7 giảm 0,7 cent, tức giảm 0,48 %, còn 146,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 0,7 cent, tức giảm 0,47 %, còn 149,65 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 – 200 đồng lên ở mức 38.000 – 38.800 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, tăng lên mức 1.830 USD/tấn, FOB – HCM, với mức cộng 5 – 15 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng 112 USD/tấn, tương đương tăng 6,56 %, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 2.400 đồng/kg, tương đương tăng 6,67 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng 13,55 cent/lb, tức tăng 10,44 %, mức tăng nhiều nhất.
Commerzbank vừa điều chỉnh mức dự báo cho cà phê Arabica kỳ hạn giao dịch trên sàn New York sẽ giảm 30 cent/lb so với dự báo kết thúc năm ở mức 200 cent/lb được đưa ra hồi tháng Hai. Commerzbank cũng giải thích nguyên nhân điều chỉnh giảm là do đồng Reais suy yếu kéo dài và kinh tế vĩ mô toàn cầu yếu kém đi kèm với những phức tạp và bất ổn kéo dài của các vấn đề chính trị xã hội trong khi USD vẫn chưa dừng đà tăng.
Vào gần cuối tuần, thị trường đón nhận thông tin Brasil sẽ bán đấu giá khoảng 40 ngàn bao cà phê trong tổng số 1,6 triệu bao của chính phủ dự trữ nhiều năm qua. Điều đáng lưu ý là thông tin này được đưa ra ngay sau khi Reuters bình luận rằng người Brasil đã không muốn bán hàng do giá sụt giảm gần đây và có thể thị trường đã đánh giá thấp tình trạng mất mùa.
Theo các nhà quan sát, Brasil bán đấu giá tồn kho dự trữ 40 ngàn bao chưa phải là vấn đề đáng quan tâm, bởi vì nhu cầu hàng tháng của quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu này lên tới xấp xỉ 4,5 triệu bao nên con số này thực sự quá bé nhỏ. Mục đích chính của họ nhằm để bình ổn thị trường nội địa do đồng Reais suy yếu đã đẩy giá cà phê trong nước lên quá cao. Cũng có thể là để thực hiện đảo kho trước thu hoạch vụ mới vì số cà phê này đã dự trữ quá lâu nên có thể bị giảm phẩm chất cần phải thanh lý.
Tuy nhiên, với giới đầu cơ thì thông tin nào cũng có thể tác động, và tin này đã giúp cho xu hướng giá xuống chiếm lĩnh thị trường New York suốt cả phiên giao dịch cuối tuần.
Trái lại, thị trường cà phê Robusta vẫn chưa thể hiện sự quan tâm trước tình trạng khô hạn tại Tây Nguyên, theo các thương nhân quốc tế, do mùa khô ở đây chưa vào giai đoạn đỉnh cao. Trong khi mối quan tâm chính của họ lúc này là tình hình vụ mới ở Indonesia đang bắt đầu vào thu hoạch và Ấn Độ tiếp theo sau.
Tính đến ngày thứ Hai 16/3, tồn kho cà phê Robusta được chứng nhận tại thị trường London đã tăng thêm 6.210 tấn, tức tăng 3,94 % sau hai tuần thương mại, lên đăng ký ở 163.650 tấn.
Anh Văn (giacaphe.com)
Adm ơi cho hỏi là sao trong trang của mình không có giá của arabica vậy, nếu muốn xem giá thì có thể xem ở đâu. Em xin cảm ơn