Chủ nhân của quán là một thanh niên 8X, quyết định cầm sổ đỏ vay tiền mở quán. Nhân viên của quán là những thanh niên khiếm thính, ngôn ngữ giao tiếp với khách bằng tay và bút đàm.
Cà phê Tâm tọa lạc tại số 75B Nguyễn Huệ, TP Đông Hà, Quảng Trị. Không gian mềm mại, thanh thoát với cách phối màu, bài trí tinh tế do chính tay bốn nhân viên khiếm thính thực hiện.
Ước mơ từ… hai bàn tay trắng
Ý tưởng mở quán cà phê đặc biệt này là của “ông chủ” Nguyễn Xuân Tâm, 27 tuổi. Tốt nghiệp sư phạm ngoại ngữ (ĐH Sư phạm Huế), Tâm lại chuyển sang một con đường khác, gắn với những đứa trẻ khiếm thính. “Ngày đó mình theo đoàn từ thiện đi phát quà cho các em nhỏ ở Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật Nước Ngọt (Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế), tình cờ gặp bé Ngân xin nghỉ học để đi làm, các xơ dỗ dành mãi không được, mình “hứa nịnh” với Ngân là học đi rồi sau này sẽ lo cho một công việc ổn định để Ngân tiếp tục đi học. Không ngờ lời hứa suông ấy lại thôi thúc mình làm một việc gì đó cho các em. Cà phê Tâm ra đời từ ý nghĩ đó” – Tâm nhớ lại.
Ước mơ chỉ là tiền đề thôi, còn thực hiện và nuôi sống ước mơ là cả một vấn đề. Bốn tháng kể từ ngày quán đi vào hoạt động là những tháng ngày vất vả. Thiếu vốn, nhân viên chưa quen việc bưng bê, giao tiếp với khách… khó khăn chồng chất khó khăn.
Được đào tạo theo ngành sư phạm, giờ lại làm cái việc tính toán chi tiêu đã khiến Tâm phải học thêm một nghiệp vụ mới: làm kinh doanh. “Làm thế nào để vừa đưa quán hoạt động ngày một đi lên vừa có tiền trả lương cho các em”.
Tâm mượn sổ đỏ của gia đình đi vay ngân hàng 50 triệu đồng rồi thuyết phục thêm hai người bạn thân cùng góp vốn để thực hiện ý tưởng của mình. “Có trong tay 150 triệu đồng, thế là đủ để mở quán rồi. Mừng lắm!” – Tâm bảo.
Ngày đầu tìm đến từng gia đình các em khiếm thính đề nghị cho các em đến làm tại quán, nhiều phụ huynh nhất quyết từ chối. Sau này hỏi ra mới biết: “Họ sợ mình lừa con gái nhà họ. Khi hiểu ra nhiều phụ huynh ủng hộ và cho con đến làm tại quán của mình” – Tâm thật thà kể.
Hai tháng đầu quán còn vắng khách nên thu nhập đều phải chi trả từ vốn ban đầu. Không đủ kiên nhẫn, hai người bạn xin rút vốn. “Lúc đó mình thật sự bối rối. Dẹp quán hay duy trì? Dẹp quán các em sẽ không có việc làm và mình sẽ trở thành người thất hứa! Duy trì thì thiếu vốn…!”. Sau nhiều đêm trắng Tâm quyết định một mình cũng phải duy trì quán. “Mình làm không phải cho mình mà cho các em, cho lời hứa với bé Ngân” – Tâm nói như hứa với lòng mình.
Hòa nhập cộng đồng
“Mục đích của quán không chỉ giúp các nhân viên khiếm thính có việc làm và thu nhập ổn định, mà còn giúp các bạn trẻ khiếm thính hoặc khuyết tật khác tại TP Đông Hà có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng” – Tâm bảo.
Người bạn khiếm thính ghé quán nhiều nhất là Nguyễn Quyết Thắng, 23 tuổi, phường 5, TP Đông Hà. Nhìn Thắng cùng trò chuyện với nhân viên tại quán bằng ngôn ngữ ký hiệu, ai ghé quán cũng thấy vui. “Thắng nhiệt tình lắm! Cứ rảnh là cậu ấy lại ghé quán phụ coi xe, bưng bê cà phê cho khách” – Trang, một nhân viên, cho biết. Còn Thắng thì cười muốn nói lên: “Đến đây có thêm những người bạn để trò chuyện, chơi đùa, vui lắm!”.
Không có sự phân biệt chủ tớ mà mọi người đều là anh em, bạn bè của nhau là phương châm mà cà phê Tâm đang thực hiện. Hiện mỗi nhân viên được nhận mức lương 900.000 đồng/tháng. Với số tiền này các em không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn gửi về phụ cha mẹ. “Tới đây khi quán đã đi vào hoạt động ổn định, doanh thu cao hơn, mình sẽ tăng lương cho các em và nhận thêm nhiều em khiếm thính khác vào làm việc để giúp các em hòa nhập cộng đồng” – Tâm bộc bạch.
Theo TTO