Đồng Rup Nga và sản lượng cà phê Việt Nam

Chưa bao giờ đồng Rup Nga thực sự được các nhà nghiên cứu hay phân tích đưa vào yếu tố tác động đến tình hình cà phê trên thế giới, tuy nhiên khi mà đồng tiền của một đất nước có nền kinh tế đứng hàng thứ sáu của thế giới, một nước có 50% nguồn thu ngoại tệ là từ dầu hỏa, một đất nước đứng hàng thứ bảy về tiêu thụ cà phê trên thế giới thì rõ ràng sự tác động càng ngày càng rõ nét.

Trước khi đi sâu vào xem xét sự đan xen tác động trong một nền kinh tế mang tính liên quan toàn cầu như hiện nay, có lẽ chúng ta nên điểm qua một số thông tin về tình hình tiêu thụ cà phê của Nga trong thời gian qua.

Nga là nước tiêu thụ cà phê đứng hàng thứ bảy trên thế giới, liền sau những nước có truyền thống và lịch sử tiêu thụ bền vững tính theo tuần tự từ cao đến thấp là: Hoa Kỳ, Brazil, Đức, Nhật bản, Pháp, Ý.

Tuy là một nước có truyền thống uống trà hơn là cà phê, nhưng từ thập niên vừa qua lượng tiêu thụ cà phê của Nga đã tăng lên nhanh chóng, gấp đến 4 lần trong năm 2012 so với năm 2000, khi mà chỉ khoảng 68 triệu người thường xuyên uống cà phê, còn trong năm 2014 này dựa theo nhiều nguồn khảo sát khác nhau người ta cho rằng lượng người uống cà phê ở Nga tăng lên con số khoảng 94 triệu người, con số này chiếm tỷ lệ đến 60% dân số nước Nga.

Lượng tiêu thụ cà phê ở Nga hiện nay vào khoảng 223.000 tấn với mức tăng trưởng tiêu thụ hàng năm khoảng 2-3%, 75% trong tổng lượng tiêu thụ là cà phê hòa tan (phần lớn làm từ cà phê Robusta) và phần còn lại là dạng hạt và bột.

Trước khi nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế bởi giá dầu sụt giảm thảm hại từ mức 95 dollar/thùng nay có khi đã chạm đến mức thấp nhất trong ngày thứ Ba 16/12 vừa qua là 57$/ thùng, nhất là khi đồng Rup giao dịch vào ngày thứ Ba xuống mức thấp nhất đến 80 Rup ăn 1USD thì xem ra tình hình tiêu thụ cà phê sẽ khó đạt tới mức 350.000 tấn vào năm 2020 như nhiều chuyên gia đang trông đợi.

Những diễn biến khủng hoảng xảy ra với nền kinh tế Nga có liên quan đến kinh tế của các nước phương Tây và Mỹ diễn ra quá nhanh, chỉ số của đồng USD tăng quá cao so với một số nước có sự tác động chính đến giá cà phê trước mắt như đồng Real Brazil hiện nay đã đụng mức thấp của 10 năm qua khiến cho nông dân nước này càng bán hàng mạnh.

Một số yếu tố có thể đã tác động xấu đến giá cà phê trong thời gian qua là:

  • Những nhà rang xay Bắc Mỹ hiện nắm trong tay lượng hàng tồn kho đủ để sử dụng trong hơn 13 tuần nên họ vẫn còn đứng ngoài thị trường giằng giá.
  • Giá cà phê được giao dịch bằng đồng USD đã trở nên đắt đỏ, càng khiến cho người mua chùn tay.
  • Lượng tiêu thụ cà phê từ Nga tuy chưa phải là nhiều nhưng chắc chắn giảm sút.
  •  Lượng giao dịch cà phê trong thời gian qua sụt giảm hẳn trên thị trường không ngoài khả năng nhà đầu tư nhận thấy ôm đồng USD thì có lợi hơn.

Tuy nhiên tất cả những yếu tố nêu trên đều mang tính giai đoạn khi mà chúng ta nhìn lại trước mắt về tình hình vụ mùa của Việt Nam là một trong hai nước đang được quan sát kỹ về vấn đề sản lượng.

Theo nguồn tin mà giacaphe.com có được từ những cuộc khảo sát đánh giá sản lượng cà phê Việt Nam của một số công ty nước ngoài thì sản lượng của chúng ta sẽ sụt giảm khoảng 5-7% trong vụ này, quan điểm của giacaphe.com là tôn trọng phương pháp đánh giá của họ.

Tuy nhiên, với sự quan hệ khá chặt chẽ với bà con nông dân, chúng tôi cũng có phương pháp khảo sát riêng của mình, được tiến hành từ thời điểm trước thu hoạch cho đến nay, thì có thể khẳng định rằng sản lượng của chúng ta sụt giảm trong khoảng 35% hoặc nhiều hơn. Đặc biệt một số vùng mất tới một nửa sản lượng so với năm ngoái. Nông dân nắm rất vững sản lượng sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng của mình nên chủ động bán ra chậm rãi chỉ cho những nhu cầu trước mắt.

Thêm vào đó, chính sách cho vay sản xuất đã được thông thoáng hơn rất nhiều so với những năm trước, cộng với đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt cho nên việc bán ra theo dự báo của giacaphe.com sẽ rải đều trên toàn năm.

[ Khảo sát mùa vụ cà phê, họ đã làm như thế nào? ]

Rất nhiều vùng chúng tôi đến khảo sát thực tế thậm chí Nông dân không còn căng thẳng với vấn đề thiếu công thu hái như mọi năm, chất lượng trái thì vẫn tốt nhưng lượng thì ít hẳn.
Hàng năm, đến thời điểm này các nhà máy dường như hoạt động hết công suất chế biến, nhưng hiện nay vẫn trong tình trạng hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu.

Nhiều nông dân còn cho biết họ có những vườn cà phê giống mới, với năng suất khá ổn định trong 3 năm liền vừa qua, nhưng năm nay cũng mất khoảng 35-40%.

Một giải kéo dài của 5 tỉnh Tây nguyên cho đến ngay cả vùng cà phê nằm tách biệt là huyện Hướng Hóa, Quảng trị cũng cho biết bị mất mùa nghiêm trọng. Nhiều Nông dân cà phê cho biết có điều gì đó thất thường từ thời tiết.

Giá cà phê trong năm qua quả là có quá nhiều biến động, những nhà đầu cơ khai thác khá nhiều trên cái mỏ “thời tiết hạn hán” ở Brazil. Cũng chỉ là một tin hạn hán ấy thôi nhưng khi thì sản lượng sẽ sụt, lúc thì sẽ thu vụ tới 49 triệu bao, cho đến nay có ít nhất gần 10 mốc dự báo từ những cơ quan khác nhau về sản lượng của Brazil, khiến cho hai thị trường New York và London có khi lượng giao dịch rất ít chỉ là mua bán khống với nhau nhưng cũng lắm phen gây chao đảo thị trường.

Điều quan trọng của người sản xuất lúc này là biết rõ giá trị hàng thực của mình để quyết định bán giá phù hợp với hoàn cảnh của mình để không bị lôi kéo theo cái ảo ấy, bởi ngay cả người mua mặc dù vẫn dựa trên mốc giao dịch của hai sàn New York và London, tuy nhiên để linh hoạt hơn họ vẫn phải áp dụng mức độ trừ lùi hay cộng tới để có thể mua được hàng hóa thực cho rang xay.

Tính thị trường luôn biến thiên và chuyển động, nông dân cà phê nay cũng đã biết lúc nào nên ngồi uống trà và lúc nào thì nên tham gia vào bán cà phê ra với thế giới.

Xem thêm: Tổng quan về thị trường cà phê Trung Quốc

Kinh Vu (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đoàn coffee

    Tình hình này bà con nào có tâm lý vững chắc không nên bán vội sẽ thắng lớn. Các khoản chi trong một năm có gắng xoay sở hơn nữa lãi suất ngân hàng khá hấp dẫn, qua năm 1 tấn chắc lời 5- 6 triệu.

  2. anhdungvina

    Tôi rất thích nội dung bài viết này và cũng nói thêm rằng vào những năm 80 nước Nga và một số nước Đông Âu trong giai đoạn chuyển đổi từ XHCN sang chủ nghĩa tư bản cũng đã có lúc biểu tình vì không có cà phê để uống, lúc đó còn khủng hoảng và nghèo đói gấp nhiều lần bây giờ. Vì vậy với nước Nga hiện nay thì chúng ta không cần phải lo về vấn đề tiêu thụ, theo tôi được biết sau khi bị Châu Âu và Mỹ trừng phạt thì hiện nay một số công ty Nga đã cử nhiều đoàn chuyên viên của mình sang Việt Nam để tìm hiểu và mua cà phê trực tiếp chứ không mua qua các nhà cung ứng của Châu Âu nữa. Do đó bà con cứ yên tâm đi, từ nay đến tháng Ba sang năm thể nào không có giá 50.000 đ/kg.

  3. nguyễn dũng tiến

    Bài viết sát với nhận định của nhiều nông dân và các nhà thu mua cà phê tại thủ phủ cà phê; xin nói thêm cà phê già cổi, giá tiêu tăng cao, sản lượng sụt giảm do trận mưa từ ngày 16 tháng 12 đến nay làm cho hoa cà phê không bung được. Năm sau giá sẻ cao hơn.

  4. Dan Viet

    Không chủ tâm để ý vào sản lượng cà phê nhưng tiện đường công việc, Dan Viet có nghe bà con nói về sản lượng cà phê và cũng đồng tình với nhận định cà phê Việt Nam năm nay mất mùa nặng, nguyên nhân là do thời tiết. Khác với cây tiêu, cà không được nông dân phát triển diện tích mới nên không đủ bù đắp phần thiếu hụt.
    Trước mắt, trong 3-4 tuần tới, Châu Âu, Mỹ vào đợt nghỉ lễ (họ đã trữ đủ trước khi nghỉ) nên tạm thời it giao dịch hàng thật. Bà con bình tĩnh, không dao động nhé, sau lễ họ lại quay lại thị trường và mua hàng, lúc đó giá hàng thật sẽ quay đầu tăng giá.

Tin đã đăng