Cà phê: Nông dân bình tĩnh trước dao động giá

Giá cà phê mất đà tăng và chững lại ở hai ngày cuối tuần; do chuyện mất hay được mùa nữa đây chăng?

>> Giá cà phê tăng một cách thần kỳ

Mặc ai nói ngã nói nghiêng

Sau khi tăng thêm 500.000 đồng/tấn so với cuối tuần trước để đạt 41,2 triệu đồng/tấn vào ngày thứ Năm 20-11, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên đã khựng lại. Do mới thu hái một phần, cà phê niên vụ mới vẫn chưa thực sự có mặt ở thị trường và chưa gây sức ép bán ra để giá xuống như dịp này các năm trước.

bien dong gia ca phe tuan qua
Biểu đồ: Diễn biến giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu (tác giả cập nhật)

Giá kỳ hạn robusta Ice tại châu Âu và thị trường nội địa đã bị giá arabica New York níu xuống bất ngờ khi giá sàn này rớt chỉ trong một đêm mất 10,25 xu/cân Anh (cts/lb) hay 226 đô la/tấn vào ngày hôm ấy.

Không như những năm trước, thái độ của nông dân cà phê nước ta trong mấy ngày qua bình tĩnh lạ thường dù giá kỳ hạn khá chao đảo gây hoang mang cho tâm lý người sản xuất. “Giá nội địa đầu mùa ở mức 40-41 triệu đồng/tấn như hiện nay là một hiện tượng lạ hiếm thấy”, anh Trần Quý Lâm, xã viên hợp tác xã cà phê bền vững Tân Nông Nguyên, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nói. Đây có thể là lý do để nông dân chắc niềm tin vào giá vững sắp tới và chỉ bán từng đợt lượng hàng vừa đủ để lo chi tiêu trong nhà.

Trước đây, với mức giá được cho là cao thế này, nhiều người đã sẵn sàng tuốt cà phê già lẫn non để tranh thủ bán lúc “được giá”. Thế nhưng, cho đến nay trong vụ này, tất cả xã viên hợp tác xã quyết tâm chọn những trái cà phê chín nên mới chỉ hái đợt đầu. “So với các năm trước, giá này là tạm được nên chúng tôi chọn cách tập trung chăm sóc cho chất lượng,” ông Đoàn Mạnh Tuyên, Chủ nhiệm hợp tác xã Tân Nông Nguyên khẳng định.

Cuối tuần trước, giá kỳ hạn arabica New York ở mức 196,35 cts/lb đã lùi về 190,70 cts/lb đóng cửa phiên hôm qua, giảm 5,65 cts/lb hay 125 đô la/tấn . Trong khi đó, giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu cuối tuần đóng cửa mức 2.078 đô la/tấn, tăng 4 đô la/tấn so với cách đây 7 ngày (xin xem biểu đồ trên).

Giá cà phê nguyên liệu sáng nay thứ Bảy 22-11 còn ở mức 41 triệu đồng/tấn, tăng 300.000 đồng/tấn so với tuần trước.

Cà phê Brazil mất mùa?

Giá kỳ hạn arabica Ice có một phiên rớt mạnh theo chiều thẳng đứng khi báo cáo của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lan truyền trên thị trường. Cơ quan này cho rằng sản lượng của nước sản xuất cà phê số 1 và số 3 thế giới là Brazil và Colombia, chủ yếu là loại arabica, có thể nhiều hơn chứ không như người ta tưởng.

Niên vụ 2014/15, USDA ước sản lượng Brazil đạt 51,2 triệu bao (60 kg x bao), tăng 1,7 triệu bao so với dự báo trước đó của họ nhưng giảm 3,3 triệu bao so với vụ trước. Cơ quan này cũng ước xuất khẩu nước sản xuất cà phê đứng đầu thế giới vẫn đạt 33,53 triệu bao và tồn kho cuối kỳ có thể đến 6,98 triệu bao.

USDA cũng chỉnh sản lượng cà phê của Colombia niên vụ này đạt 12,3 triệu bao từ báo cáo cũ chỉ 11,9 triệu bao. Dự kiến nước này sẽ xuất khẩu 11,3 triệu bao, chủ yếu cà phê arabica chế biến ướt.

Thật ra, con số sản lượng của Brazil bấy lâu đã làm tâm lý các nhà kinh doanh và thị trường cà phê dao động mạnh. Vẫn biết rằng sản lượng nay chỉ là con số nói theo sở thích và theo cách tính toán riêng của từng người, song điều thị trường nghi ngờ lớn nhất và giá arabica sụp đổ là “tuy nói hạn hán, mất mùa, Brazil vẫn xuất khẩu lượng lớn cà phê hàng tháng và nhiều người tin Brazil sẽ cung cấp cà phê đủ cho thế giới như số ước tính của USDA”, một nhà phân tích giải thích ngay sau ngày sàn arabica rớt giá thê thảm. Mặt khác, trong báo cáo của mình, USDA cho rằng nhiều người cứ nói kích cỡ hạt cà phê Brazil năm nay nhỏ, nhưng tình thật chất lượng thử nếm của ly cà phê năm này của Brazil tốt hơn năm 2013 nhiều. Quả vậy, “hạt nhỏ, teo lép…làm sao mà cho một ly cà phê ngon được?” nhà phân tích nói tiếp.

Tin cung-cầu

Báo cáo thường kỳ ra hàng tháng của Hiệp hội Cà phê Hạt Mỹ (Green Coffee Association – GCA) cho biết tính đến hết tháng 10-2014, tồn kho tại Bắc Mỹ còn 6.001.443 bao, giảm 25.849 bao so với tháng trước. Như vậy, tồn kho hiện nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 811.026 bao, bấy giờ chỉ 5.190.417 triệu bao. Bình quân tồn kho GCA tháng 10 tính từ năm 1989 đến 2013 của Bắc Mỹ giảm 183.597 bao (xin xem biểu đồ: đường màu đỏ chỉ diễn biến bình quân 5 năm, màu xanh 10 năm và màu hồng cho năm 2014). Con số này không tính lượng hàng có sẵn trong các kho của các hãng rang xay và trên đường trung chuyển, ước có chừng 2 triệu bao.

ton kho ca phe GCA
Biểu đồ: Tồn kho cà phê GCA (nguồn: NewEdge)

Như vậy, tồn kho trong tay của 3 khối nước tiêu thụ cà phê truyền thống theo con số hiện có là 1.565.000 tấn gồm Bắc Mỹ 480.000 tấn, EU 900.000 tấn và Nhật Bản 186.000 tấn, trong đó có cả lượng tồn kho đạt chuẩn của hai sàn kỳ hạn gồm robusta Ice châu Âu 122.000 tấn và arabica Ice New York 141.000 tấn.

Trước mắt, giá cả cà phê vẫn còn chao đảo cho đến khi những con số sản lượng người nói cao kẻ bảo thấp lộ trắng đen bằng con số báo cáo xuất khẩu. Về đường dài, người trồng cà phê còn nhiều hy vọng khi Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) R.O. Silva dự báo rằng giới trẻ tại các nước mới nổi như Trung Quốc và Nga càng ngày càng thích uống cà phê. Nhờ vậy, tiêu thụ cà phê mỗi năm sẽ tăng 2,5%. Đến năm 2020, thế giới có thể cần đến 175 triệu bao so với mức tiêu thụ trong năm 2014 này chừng 149,45 triệu bao.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tâm Cà

    Năm nay mình biết nhiều bà con đã thu cà xong, thậm chí bán xong luôn rồi vì họ chẳng có bao nhiêu hạt để mà thu. Tình hình sản lượng u ám lắm. Năm nay giá không biết thế nào đây. Bài ca mất mùa lại tiếp diễn. Giá thì không biết

  2. Lão nông tri điền

    Với tình hình mùa vụ năm nay, mình đang lo là giá sẽ xuống 35nd/kg. Bởi vì giới đầu cơ đã nắm rõ thói quen của dân làm cà phê của ta. Mình năm nay quyết định bán dần 1/2 sản lượng tính từ đầu vụ. Thấy có lãi là xuất kho, mặc dù chưa hài lòng về giá.

  3. doan dk

    Năm nay sản lượng của nhà em cũng như mọi người xung quanh chỉ dc 1/2 năm ngoái thôi. Giá có cao hay thấp cũng sẽ khổ thôi.

Tin đã đăng