Giá cà phê giảm, nạn nhân của chiến tranh tiền tệ

Thường vào đầu vụ giá cà phê giảm do tranh mua tranh bán. Lần này thì không. Dù nông dân và các nhà xuất khẩu muốn bán chừng mực, giá vẫn cứ giảm. Giá cà phê, do bám theo sàn kỳ hạn, đã bị bắt làm con tin phải đứng giữa các lằn đạn của của cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay.

Biểu đồ: Chỉ số đồng đô la Mỹ tăng không ngừng (nguồn: tradingchart.com)
Biểu đồ: Chỉ số đồng đô la Mỹ tăng không ngừng (nguồn: tradingchart.com)

Thị trường xuống: hạt cà phê không có tội!

Nhiều người vẫn tin niên vụ tới sản lượng arabica của Brazil giảm do mưa thiếu trong tháng cây cà phê cần nước, tháng 10 vừa qua. Nắng mưa thay đổi từng ngày, nhưng chuyện sản lượng cả một vụ cà phê của quốc gia đứng nhất thế giới thì không thể nói nắng là giá tăng, mưa làm giá giảm ngày một ngày hai được.

Nếu như đầu tháng trước, dựa trên tin Brazil thiếu mưa, giá sàn arabica đã có lúc giao dịch tăng trên 225 xu/cân Anh (cts/lb) tương đương với 4.960 đô la/tấn và giúp giá kỳ hạn robusta và giá cà phê nội địa nước ta tăng mạnh, thì nay giá arabica trên sàn chỉ còn 186,75 cts/lb, giảm 38,25 cts/lb hay chừng 845 đô la/tấn.

Nói vậy để thấy rằng các yếu tố bên ngoài chi phối giá kỳ hạn cà phê rất mạnh. Giới đầu cơ tài chính bất cần biết năm sau thế giới thiếu hay thừa cà phê. Nên cứ thấy giá tăng thì nói thiếu cà phê, giá giảm thì nói sản lượng tăng, đôi khi làm cho người cần biết thông tin mất định hướng.

Phải nói rằng cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay đã gây nên cảnh tương tàn trên nhiều sàn kỳ hạn hàng hóa tuần qua. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuyên bố rút chương trình kích cầu, làm cớ cho giá trị đồng đô la Mỹ mạnh thêm trên thị trường hối đoái, thì đến phiên ngân hàng trung ương các nước sử dụng đồng euro (BCE) đòi tung gói kích cầu, lần này còn to hơn đợt đầu năm 2012, bấy giờ đã 1.000 tỉ euro.

Đồng real Brazil (BRL) lại mất giá, xuống mức thấp nhất tính từ 6 năm nay, 1 đô la Mỹ ăn 2,58 BRL vào rạng sáng hôm qua. Đồng đô la Mỹ lội ngược dòng, trái với xu hướng chung. Nếu lấy đầu tháng 7-2014 làm mốc, chỉ số đồng đô la Mỹ bấy giờ chỉ quanh 80 điểm thì nay đang giao dịch trên mức 88 điểm (xin xem biểu đồ trên).

Các quỹ đầu cơ điều chỉnh vốn

Cộng với tin đồn các quỹ đầu tư chỉ số sẽ điều tiết lại vốn, sàn nào đã lên cao, nay phải giảm bớt, sàn nào thấp đưa tiền về để nâng nó lên. Đây là hoạt động bình thường hàng năm.

Một nghiên cứu mới đây của ngân hàng Pháp Société Générale ước hai hãng quản lý quỹ chỉ số của Mỹ đang chi phối chừng 11 tỉ đô la trên các sàn kỳ hạn. Những biến động hiện nay trên các sàn cũng có thể là bước chuẩn bị cho đợt điều phối vốn đầu năm tới, thường xảy ra từ ngày 8-14 tháng 1 hàng năm.

Nghiên cứu này cho biết chỉ riêng tại một hãng, vốn đặt cược cho dầu thô chừng 2,39 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, con số này là khá nhỏ vì có thể trong một ngày lượng hợp đồng giao dịch nhiều khi có giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Nghe đâu sàn arabica cũng được ước lên đến 1,52 tỉ đô la trong trạng thái tĩnh khi báo cáo.

Đồng đô la tăng giá, gặp đúng thời kỳ có tin các quỹ đầu cơ đang tính chuyện cân đối vốn lại trên các sàn như thế, nên dễ thấy rằng giá sàn hàng hóa nào giảm chẳng qua do trước đây đầu cơ đã đặt cược nhiều, trong đó rõ nhất là sàn vàng, dầu thô, ca cao và cà phê.

Hôm qua, báo cáo của Tổng giám đốc của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước rằng trong niên vụ 2014/15 toàn cầu sẽ thiếu chừng 800.000 bao cà phê (60 kg x bao) hay 48.000 tấn.

Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu (tác giả tổng hợp)

Giá cà phê tuần qua  

Đến đây mới thấy rằng bất kỳ một nước sản xuất nào có mặt hàng được giao dịch trên sàn kỳ hạn, quá lụy vào xuất khẩu, cũng đều phải chịu những rủi ro lớn về giá.

Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa trong tuần đầu tháng 11-2014 phải chịu áp lực giảm giá, oan không phải do chính bản thân hạt cà phê, mà vì các yếu tố bên ngoài như đã trình bày.

Sáng nay thứ Bảy 8-11, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ giao dịch quanh mức 39 triệu đồng/tấn, giảm 500.000 đồng so với cách nay một tuần nhưng mất đến 3 triệu đồng mỗi tấn so với tháng trước.

Mùa thu hái cà phê thực sự chỉ mới bắt đầu do mấy tuần trước thời tiết ẩm ướt. Anh Trần Lành, một nông dân ở tỉnh Gia Lai cho biết “nay trời mới bắt đầu hửng, hy vọng cà phê sẽ chín nhanh và thu hoạch từ nay sẽ nhanh hơn”.

Giá xuất khẩu cà phê robusta loại 2,5% đen bể đang được hỏi mua ở mức trừ 60-80 đô la/tấn, so với trước đây có người đã bán mức trừ 100 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn.

Trên sàn robusta Ice châu Âu, khuya hôm qua giá đóng cửa chốt mức 2.019 đô la/tấn, giảm 29 đô la/tấn so với tuần trước.

Giả sử nhà xuất khẩu nào lấy giá đóng cửa cuối tuần làm giá chuẩn để chốt, người bán trừ 100 đô la/tấn sẽ có mức 1.919 đô la/tấn và người bán trừ 60 đô la/tấn sẽ có giá 1.959 đô la/tấn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ho nam

    Cái chuyện giá cà phê là do giới đầu cơ tài chính làm giá đã có từ xưa rồi! Hiện nay trên sàn các siêu máy tính được cài đặt lệnh sẵn sàng đấu đá nhau để làm nên giá nhằm đưa lại cái đích mà các ông chủ muốn. Giá này dùng để làm mốc cho giá mua bán tại các vùng sản xuất. Tôi nghĩ chuyện thời tiết nắng mưa, được hay mất mùa, chiến tranh hoặc chính trị, tồn kho hay tiền tệ v.v… chỉ là cái cớ để các nhà đầu cơ tài chính làm giá mà thôi! Vấn đề cung cầu cũng ảnh hưởng nhiều! Nhưng cung cầu ở đây là số lượng các lệnh đặt mua hay bán trên sàn chứ không phải là số lượng sản xuất ra tại các vùng nguyên liệu. Cho nên mỗi khi nghe tin bất lợi về thời tiết hay gì đó là cà phê liền lên giá ngay nhưng chốc lát lại giảm liền. Các thông tin được đồn đoán cứ liên tục thay đổi làm cho người nông dân chẳng biết đâu mà lần, các nhà đầu cơ nhỏ lẻ cũng có lúc đặt niềm tin vào dự đoàn này nọ được đưa ra cố trữ cà phê lại chờ giá lên thì gặp buồn vì giá giảm. Thực sự để bán được giá cà phê cao thì cần nhiều kinh nghiệm lắm !

  2. trương sơn

    Sản lượng arabica của Việt nam có là bao mà chiụ tác động ghê gớm của giá thế giới. Các doanh nghiệp chế biến cà nhân chất hàng đống. Họ nói hàng không xuất được chỉ là tạo cớ để giảm giá thu mua của dân xuống. Nhà nước hãy có chính sách gì để cưú nông dân đây ?!

    1. yennguyen

      Không xuất được là thực tế bạn ạ. Tiên trách kỉ hậu trách nhân, mổ xẻ vấn đề vì sao hàng A Việt Nam không bán được chắc chắn nhiều người nông dân quá rõ, nào thì quả xanh, quả non, thuốc chín, ngâm nước, lên men do thu hái không kịp, cà phê tươi bẩn do lẫn tạp chất nhiều, trồng ở những vùng độ cao chưa đủ, không chăm bón vv… bên cạnh đó cũng có những lý do khách quan như lỗi chế biến của nhà máy, thời tiết, vv…
      Nếu không giải quyết vấn đề từ gốc khả năng cà arabica lại 1 lần nữa không có thị trường xuất. Khi đó trừ lùi không ở mức 38 – 40 cent mà khả năng còn gấp 2 – 3 lần thì nông dân phải làm gì để tự cứu mình trước khi nhà nước có chính sách ?

Tin đã đăng