Diễn biến khó lường trên thị trường cà phê

Tuần qua, khi có tin Mỹ rút gói kích cầu, giá kỳ hạn nhiều loại hàng hóa giảm nhưng sàn cà phê robusta thoát nạn. Hình như cà phê robusta đang được các quỹ đầu tư ưu ái chọn là nơi trú ẩn… nhưng vẫn phải coi chừng khi vai trò này chấm dứt.

Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice trong tháng 10-2014 (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice tháng 10-2014 (tác giả tổng hợp)

Một tháng giá dao động thất thường

Tháng đầu niên vụ 2014/15 vừa qua đi. Một tháng đầu vụ khá sôi động và nhiều bất trắc: nếu như đầu tháng giá vụt tăng nhanh, thì nửa cuối tháng thị trường trầm xuống một cách lạ kỳ.

Thật vậy ngày cuối vụ 30-9 chỉ ở mức 2.007 đô la Mỹ/tấn, giá đóng cửa sàn kỳ hạn đã bùng phát tăng mạnh lên đỉnh cao 2.189 đô la/tấn rồi nhanh chóng chùng xuống có khi sát mức ngày cuối vụ cũ, chỉ còn 2.022 đô la/tấn. Giá đóng cửa phiên cuối tháng hôm qua 31-10 sàn Ice châu Âu chốt mức 2.048 đô la/tấn, tăng 20 đô la/tấn so với cuối tuần trước nhưng giảm 141 đô la/tấn so với đỉnh của tháng 10-2014.

Thị trường cà phê nội địa trong tháng tăng giảm thất thường dù nhiều nơi tại các tỉnh sản xuất cà phê chỉ có thể sẵn sàng thu hái vào giữa tháng 11-2014. Giá nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên đầu tháng có lúc đã vượt qua mức 42 triệu đồng/tấn, mức cao nhất của niên vụ cũ, sau đó lại có khi giao dịch chỉ quanh mức 38 triệu đồng/tấn. Sáng nay, 1-11, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên quanh mức 39,5 triệu đồng/tấn, tăng 1 triệu đồng/tấn so với cuối tuần trước.

Kim ngạch xuất khẩu vượt mức 3 tỉ đô la

Một vài nhà nhập khẩu cho biết khi giá tăng, có lúc họ đã mua loại 2,5% đen vỡ mức trừ 80-100 đô la/tấn , nhưng khi giá rớt giá xuất khẩu tăng lên mức trừ 60-70 đô la/tấn cho những hợp đồng giao đến tháng 12-2014. “Năm nay, chúng tôi không dám bán khống nhiều, chỉ bán thăm dò một vài hợp đồng nhỏ để giữ khách hàng,” giám đốc một công ty xuất khẩu đóng tại tỉnh Đắc Lắc cho biết.

Dù hàng vụ mới chưa ra nhiều, nhờ đợt giá cao đầu tháng, một số hợp đồng xuất khẩu đã được chốt giá khá tốt. Xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 105.000 tấn trong tháng 10-2014, tăng 84,7% so với cùng kỳ năm 2013, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết . Như thế, trong 10 tháng đầu năm 2014, ước xuất khẩu cà phê cả nước trên 1,66 triệu tấn, đạt 3,11 tỉ đô la Mỹ, con số tương ứng cùng kỳ năm ngoái chỉ là 1,42 triệu tấn và 2,32 tỉ đô la.

Sàn  kỳ hạn đang bị đầu cơ điều khiển

Tồn kho đạt chuẩn chất lượng theo yêu cầu của sàn robusta Ice châu Âu tính đến hết ngày 27-10-2014 tăng thêm 470 tấn, đạt 120.420 tấn, bằng 127% so với cùng kỳ báo cáo năm trước, bấy giờ tồn kho loại này chỉ 53.020 tấn.

Một nghịch lý hiện nay là tồn kho tăng nhưng thị trường vẫn có cảm giác thiếu hàng. Đấy là trò chơi “tài chính”. Hôm nay ngày 1-11 là ngày đầu của tháng giao dịch các hợp đồng giao ngay. Nhưng giá tháng này bắt đầu muốn lên bằng để rồi cao hơn tháng 1-2015. Trong trường hợp bình thường, nếu tồn kho đạt chuẩn lớn, hàng giao dịch trên sàn sẽ nhiều và hệ quả là giá tháng giao ngay phải xuống thấp hơn tháng giao hàng tiếp theo. Biến động giá trên sàn kỳ hạn mấy hôm nay không theo cách như thế mà lại đưa giá tháng giao ngay lên cao. Nhìn vào bảng giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta hôm qua 31-10, ta thấy tháng giá 11-2014 đã ngang bằng giá tháng 1-2015 ở cùng mức 2.048 đô la/tấn:

Tháng 11-2014: 2048 / Tháng 01-2015: 2048 / Tháng 03-2015: 2053 / Tháng 05-2015: 2065

Thị trường đang nghi ngờ sẽ có một đợt “vắt giá” (squeezing) nay mai khi giá tháng giao ngay hiện nay cao hơn so với tháng tiếp theo. Hiện tượng vắt giá thường xảy ra khi thị trường thiếu hàng. Tuy nhiên, trong thời đại mà đầu cơ dùng sức mạnh tài chính để thu gom nhiều hàng thực và mua mạnh hàng giấy trên sàn kỳ hạn, giữ chặt không bán ra, giá thị trường sẽ phải theo ý của đầu cơ tài chính.

Khi xảy ra vắt giá, do giá tháng giao ngay cao hơn tháng giao xa, người có hàng sẽ tranh thủ bán mạnh giao ngay để hưởng giá tốt thay vì đợi giao xa vừa chịu giá thấp hơn vừa tốn các chi phí lưu kho, tài chính, hao hụt…

Coi chừng rủi ro phía trước

Tăng giảm giá kỳ hạn cà phê hiện nay rõ ràng không do áp lực thiếu thừa của hàng thực mà chủ yếu do đầu cơ huy động vốn nhiều hay ít đưa vào sàn.

Trong những ngày vừa qua, sau khi có tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chấm dứt chương trình kích cầu, hết cung ứng tiền mặt vào nền kinh tế, giá nhiều sàn hàng hóa đã giảm mạnh. Đến phiên giao dịch cuối tháng ngày hôm qua 31-10, giá đóng cửa kỳ hạn kim loại vàng tại New York chỉ còn 1.171,6 đô la/ounce so với giữa tháng là 1.240 đô la/ounce và dầu thô lùi về 80,54 đô la/thùng so với mức 90 đô la/thùng hồi đầu tháng 10-2014.

Các quỹ đầu tư trên các sàn hàng hóa có thể đang dùng sàn kỳ hạn cà phê robusta Ice châu Âu làm nơi trú ẩn tạm thời để chuyển vốn từ các sàn khác về.

Tuy nhiên, một khi vai trò “nơi trú ẩn” hết nhiệm vụ, giá sẽ chuyển theo hướng bất lợi cho người sản xuất. Do tồn kho đã có nhiều, đầu cơ sẽ sẵn sàng bắt chẹt nếu giá bán không theo đúng ý họ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tiến hùng - chư sê

    Chỗ các bác ko biết thế nào chứ chỗ tôi Chư sê Gia lai mất mùa nặng rồi. Nước tưới cho vụ mùa tới lại thiếu trầm trọng vì nước giếng dâng bằng 1/6 so với mọi năm. Mấy ông tây kinh doanh cà phê tinh lắm chứ ko phải thị trường ưu ái cho cà robuta đâu..!

  2. Nguyễn Tuân

    Cà Phê ở Lâm Hà – Lâm Đồng năm nay khá đẹp, thời tiết thuận lợi. Giờ vẫn còn mưa nhiều, cà chín bói không hái được nữa!

  3. Khiêm

    Đak Đoa Gia Lai cũng mất nặng các bạn ơi. Quả nhỏ nên buồng trái bé tí, cành lá thì um tùm. Chắc chỉ 2 tấn nhân/1ha thôi.

Tin đã đăng