Thị trường cà phê tuần 30 (28/7 – 2/8/2014)

Trong tuần 30, giá cà phê Robusta tăng 73 USD/tấn, tương đương tăng 3,61 % và giá cà phê nhân xô tăng 1.200 đồng/kg, tương đương tăng 3,02 %, trong khi giá cà phê Arabica tăng tới 13,2 cent/lb, tức tăng 7,37 %, mức tăng rất mạnh.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T9 tuần 30 (28/7 – 2/8/2014)
Biểu đồ giá cà phê Robusta London T9 tuần 30 (28/7 – 2/8/2014)

 Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê thế giới trở lại xu hướng trái chiều.

Trên sàn NYSE Liffe – London, giá cà phê Robusta điều chỉnh nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 9 giảm 7 USD, tương đương giảm 0,33 %, xuống 2.097 USD/tấn, trong khi các kỳ hạn xa đều gia tăng. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 11 tăng 4 USD, tương đương tăng 0,19 %, lên 2.093 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2015 tăng 9 USD, tương đương tăng 0,43 %, lên 2.092 USD/tấn các mức tăng nhẹ. Cấu trúc giá đảo thu hẹp khoảng cách.

Trái lại, trên sàn ICE – New York, giá cà phê  Arabica đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2,7 cent, tức giảm 1,4 %, xuống 192,35 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 12 giảm 2,65 cent, tức giảm 1,35 %, còn 196,1 cent/lb, các mức giảm đáng kể.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 đồng, xuống ở mức 40.400 – 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê  Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, được chào 2.057 USD/tấn, FOB – HCM, với mức trừ lùi không đổi ở 40 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng 73 USD/tấn, tương đương tăng 3,61 % và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 1.200 đồng/kg, tương đương tăng 3,02 %, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tăng tới 13,2 cent/lb, tức tăng 7,37 %, mức tăng rất mạnh.

Thị trường cà phê thế giới nóng trở lại với vấn đề sản lượng vụ mùa năm nay ở Brazil khi thu hoạch cà phê Arabica càng đến gần giai đoạn cuối. Theo các thương nhân quốc tế, tình trạng khô hạn đầu năm đã làm hạt cà phê nhỏ và có nhiều lỗi. Nông dân trồng cà phê giàu kinh nghiệm tại Tây nguyên cũng cho biết “có cân mà không có ký” làm năng suất giảm tới 30 – 35 % như họ đã trải qua hồi năm 1997/1998.

Cơ quan dự báo thời tiết Úc vừa cho rằng, biến động gần đây có thể làm hiện tượng thời tiết El Nino trên vành Thái Bình Dương giảm xuống còn 50 %. Và do đó, có thể các nước trong vùng bị ảnh hưởng sẽ nhận lượng nước mưa nhiều hơn.

Báo cáo khảo sát các vùng trồng cà phê chính ở Brazil của tập đoàn INTL FCStone Inc còn cho thấy khô hạn đã làm bùng phát bệnh nấm gỉ sắt gây hại lên cây cà phê không chỉ cho vụ đang thu hoạch mà còn kéo qua vụ sau. Nhiều báo cáo của ngành công nghiệp và dự báo thị trường cũng đã thể hiện sự quan ngại này.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), cho rằng trong niên vụ cà phê tới toàn cầu sẽ đối diện với sự thiếu hụt nguồn cung lớn nhất trong gần thập kỷ qua do sản lượng Brazil sụt giảm. ICO cũng cho bết sản lượng cao hơn ở Colombia và các nước khác không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt này.

Các nhà quan sát cho rằng thị trường cà phê thế giới lúc này đang nằm trong tay nhà đầu cơ giá lên.

Gần cuối tháng trước, một khảo sát của Reuters dự kiến giá cà phê Arabica sẽ kết thúc năm nay ở mức 180 cent/lb. Hôm cuối tuần, chuyên gia Jack Scoville, phó chủ tịch tập đoàn Price Futures Group tại Chicago cho biết, tình trạng này có thể đẩy giá cà phê Arabica kỳ hạn lên 220 cent/lb trong năm nay.

Thị trường cà phê Robusta ở các nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục trầm lắng mặc dù người Indonesia đã kết thúc tháng lễ Ramadan và Việt Nam đã ở cuối vụ. Các thương nhân cho rằng họ còn tiếp tục thăm dò, nghe ngóng thêm tình hình giá cà phê Arabica nên cũng không vội vàng gì.

Ban Cà phê Ân Độ cho biết sản lượng vụ mùa tới đang phát triển khả quan do mưa thuận lợi sau đợt khô hạn nhẹ hồi đầu năm.

Bộ Nông nghiệp Việt Nam dự kiến phát triển ngành công nghiệp cà phê giá trị gia tăng trong nước, với ý định đến năm 2020 sẽ xuất khẩu khoảng 25 % sản lượng cà phê hàng năm dưới các hình thức cà phê hòa tan, cà phê bột và cà phê chế biến sâu. Tuy đây mới chỉ là mục tiêu dự kiến nhưng nhiều chuyên gia thị trường cho rằng sẽ là không dễ để thực hiện vì Việt Nam không có lợi thế ở thị trường tiêu thụ cà phê lớn mới phát triển của một nước láng giềng.

Anh Văn (giacaphe.com)  

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tiến hùng - chư sê

    Sao zùi hôm nay – 1800₫ ko có ai vô diễn đàn mà khoe mình còn bao nhiêu cà phê chưa bán sao ? Mong rằng cho giá lên lại để bà con chúng ta còn yên tâm đầu tư và chăm bón cho vụ mùa kế tiếp nếu ko thì nản thật zồi bà con ơi…!

  2. Meobeo

    Chưa thấy bao giờ buồn như thế bà con làm cà ơi, tăng được ít mà giảm thì nhiều quá , sao lại âm đến mức như vậy,

      1. Kỳ

        Trường kỳ kháng chiến đến mức này mà đi bán giá 41, 42k thì có mà dở hơi !

      2. Miên

        Chắn chắn có người dở hơi ! nếu người bán không dở hơi thì người mua ắt là dở hơi.

  3. FOREST

    Chào cả nhà,

    Bà con hãy an tâm, đây chỉ là một cơn động đất cố làm cho những hạt càphe đang còn trong dân phải văng ra thôi. Chắc chắn trong thời gian tới giá sẽ xanh trở lại, đặc biệt trong tháng 9 này. Bà con hãy chờ tin vui, đừng bị giao động.

  4. thongnguyen

    Cuối cùng người nông dân là người lảnh đủ, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời hạt cà làm ra không khác gì cà pháo buồn không muốn làm cà phê nữa, xong vụ này chuyển đổi cây trồng thôi…

    1. Trường Tùng

      Nông dân làm gì mà lãnh đủ! Cà lúc giá 40 – 42 chúng tôi đã bán hết rồi, giờ chỉ lo chăm sóc bón phân đợt cuối là có hàng mới rồi. Chỉ tội nghiệp cho các anh buôn bán, đầu cơ tích trữ nhỏ lẽ mà thôi.

  5. trần ngọc hà

    Tôi thấy mình bán 40.6 trưa thứ 6 cũng còn may. Tôi kinh nghiệm rồi cứ lên 1 xuống 2. Bà con ta cứ thấy 39 lại nghĩ 40 sẽ bán. 40 lại thầm nghĩ đợi 41-42 sẽ bán. Rồi đùng cái giá xuống thấp lại tự nhủ lần này 40 sê bán và cứ thế lại chờ đợi lại ước ao. Ta nên nhớ rằng cuộc sống ko theo ý ta đôi lúc ta phải biết điểm dừng và biết chấp nhận.

Tin đã đăng