Lao động bị “bán” ở Lâm Đồng tháo chạy khỏi nhà vườn

Bị “bán sống” lên Lâm Đồng – những lao động nhà quê chỉ còn cách cầu cứu gia đình gửi tiền chuộc hoặc chấp nhận bán sức, chịu đày đọa để kiếm tiền chuộc thân.

>> Nhấn vào đây để xem video

Thế nhưng trong điều kiện lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ… không phải lao động nào cũng đủ sức bám trụ.

lao dong o lam dong ban than
Bà Thủy – chủ trang trại ấp Buôn Chuối – chửi bới và nhận tiền chuộc 1.970.000 đồng mới cho PV về

Bà Thu (quê Thanh Hóa), vợ ông Cao Ngọc Khoa – giám đốc Công ty TNHH Đức Hoàng (thôn Đoàn Kết, xã N’ThoI Hạ, Đức Trọng, Lâm Đồng) – chỉ dạy cho lao động mới một bài học vỡ lòng về tội không chịu làm, bỏ trốn: “Nhiều thằng làm không được bỏ trốn, chủ bắt được đánh cho bầm giập, đánh cho bằng chết. Dân tại Đức Trọng còn đỡ, chứ ở trong Tân Hà (Lâm Hà) nó đánh chết”.

Đám tay chân bà Thu phụ họa: “Quanh đây toàn anh em cả, chỉ cần thò mặt ra kia xem, người ta nhìn thấy báo về đây liền. Tụi này cho người ra tóm cổ về đây xích lại luôn”.

Chúng tôi hỏi ai đánh, bà Thu vênh mặt: “Tao đánh làm gì, đánh làm bẩn tay tao à? Lính lác đầy, cần gì phải đụng tay đụng chân!”.

Chuộc thân

Sáng 1-7, sau một đêm nằm vạ vật trong phòng kín, nhóm lao động gần 20 người được ông Thi lùa ra ngoài ghế ngồi để nhà vườn đến xem “giò cẳng”.

Thấy một lao động còn đi giày, ông Thi chửi té tát: “Đ.M, mày đi làm hay đi chơi? Mày đi giày như thế ông nội mày cũng không dám thuê, vào kiếm đôi dép thay nhanh lên!”.

Khoảng 9g, nhóm lao động được các chủ vườn “mua” gần hết. Chúng tôi được bà Thu làm hợp đồng “bán” cho ông Thành (thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà) với giá 1.850.000 đồng/người. Có hai công việc chính là chăm sóc đàn heo thịt trên 1.000 con và làm vườn.

Ông Thành nói lý do “mua” chúng tôi vì sắp tới có hai lao động người Sơn La và Trà Vinh xin nghỉ. Trong đó lao động người Trà Vinh ở lại làm một tháng cũng chỉ để trừ khoản tiền phí 1.850.000 đồng mà Công ty Đức Hoàng “bán” cho ông.

Với công việc dọn dẹp, cho heo ăn và hái chanh dây, chúng tôi chỉ trụ được trong nửa ngày do kiệt sức. Sau bữa cơm đạm bạc, chúng tôi xin nghỉ.

Ông Thành ngồi ở ghế cười khà khà: “Lao động vào làm vài ngày xin ra là chuyện thường, có thằng làm chưa đầy nửa ngày đã xin đóng tiền chuộc để về vì không chịu được”.

Ông Thành yêu cầu trả 100.000 đồng mới chở ra trả công ty để “mua” lao động khác. Tại công ty, trái ngược với sự niềm nở ban đầu, bà Thu và ông Thi tỏ ra bực tức quát tháo: “Nếu bọn mày muốn về thì nói người nhà chuyển 1.850.000 đồng tiền chuộc vào tài khoản, khi nào tiền đến mới được về”.

Khoản tiền ăn dù được tư vấn là bao ăn cho lao động nhưng thực tế Công ty Đức Hoàng ép lao động đi ăn ngoài, tự trả tiền. Nhiều lao động hết sạch tiền đành nhịn đói, uống nước cầm hơi và bị chửi bới thậm tệ.

Trước đó ngày 25-6, trong một lần thâm nhập, chúng tôi bị Công ty môi giới Triệu Phát (gần cổng chào Bình Dương) “bán” cho Công ty Đức Hoàng.

Hôm sau, nhóm lao động ba người được bà Thu lùa ra để khách hàng tên Minh xem “giò cẳng”. Thấy ông Minh than vãn chuyện lao động đào tẩu nhiều, bà Thu trấn an: “Chú yên tâm, chỗ em uy tín quá trời luôn. Tụi nó đã được huấn luyện cả rồi”.

Bà Thu hét giá ba lao động trên 3 triệu đồng (chưa tính tiền dịch vụ) rồi thủ thỉ với ông Minh: “Về nhà tha hồ mà sai việc”.

“Mua” xong, ông Minh chở chúng tôi vào khu rừng bạt ngàn cà phê ở ấp Buôn Chuối (Mê Linh, Lâm Hà) giao cho bà Thủy (chủ trang trại, người Lạng Sơn).

Bà Thủy phổ biến nội quy là tịch thu điện thoại, giấy tờ tùy thân… Bà còn thu “phí” 450.000 đồng/người để làm tin. “Do có mấy thằng mới vào làm tẩu thoát nhiều lần nên tao phải tịch thu điện thoại, giấy tờ… để ngăn chặn tụi bay liên lạc ra ngoài. Mua một người tụi bay về tốn gần cả vài triệu bạc, cẩn thận vẫn hơn” – bà Thủy giải thích.

Sáng 27-6, bà Thủy chỉ dẫn chúng tôi cùng nhiều lao động khác xuống vườn hái chanh. Để quản lý lao động mới, bà Thủy nhắc người quen dè chừng, đồng thời đích thân bà xuống tận vườn trông coi.

Gần trưa, lao động tên Lâm (27 tuổi, quê Trà Vinh) miệng ho sặc sụa do cảm lạnh lâu ngày nhưng vẫn phải oằn mình cõng từng bao tải chanh dây đưa lên xe. Vác được một đoạn, đầu gối Lâm khuỵu xuống rồi nói đứt quãng: “Kiểu này chắc chết mất, chịu không nổi nữa rồi”.

Sau một ngày làm việc tại trang trại, chúng tôi xin nghỉ thì bà Thủy mắng: “Sao tụi mày lắm chuyện thế. Về phải trả lại 1.850.000 đồng, trong đó có 700.000 đồng tiền mua tụi mày từ trung tâm môi giới đó”.

Chúng tôi giải thích nhà có việc, sẽ nói người anh thu xếp tiền bạc, bà Thủy chửi xối xả: “Ông anh đ.nào, mày dân miền Trung thì có ông nào ở trên đất này. Mày mà về phải trả thêm cho bà 120.000 đồng tiền xe ôm nữa”.

Nói đoạn, bà Thủy giật điện thoại của chúng tôi nói: “Bây giờ tao đ. trả người đấy, mày làm gì được tao? Tao sẽ trả mày lại trung tâm cho bọn kia bán mày một lần nữa cho mày chừa”.

Để thoát khỏi trang trại của bà Thủy, chúng tôi phải mượn điện thoại của một lao động, bí mật liên lạc để người quen đến chuộc với số tiền 1.970.000 đồng.

lao dong bi ban o lam dong
Lao động làm việc tại trang trại bà Thủy (ấp Buôn Chuối, Mê Linh, Lâm Hà). Nhiều người vào đây muốn về đều phải bán sức cả tháng trời mới đủ tiền trả “phí”

Bỏ trốn vào rừng

Theo điều tra, tại trang trại của bà Thủy hiện có trên 20 lao động làm việc, hầu hết được “bắt” từ các bến xe, một số lao động được tuyển thẳng từ Thanh Hóa, Quảng Nam… và phải chịu phí dịch vụ cao gấp nhiều lần so với lao động đưa lên từ TP.HCM. Nhiều người vào đây muốn về đều phải bán sức cả tháng trời mới đủ tiền trả phí.

Vài giờ trước khi chúng tôi tới trang trại bà Thủy, các lao động cho biết có hai thiếu niên quê Đồng Nai, Trà Vinh ôm đồ bỏ trốn vào rừng vì không chịu được công việc nặng nhọc.

Lao động tên Lâm cho biết: “Tụi nó mới mua về chưa được một ngày. Buổi tối tụi nó gạ bán chiếc điện thoại giá 500.000 đồng để bỏ trốn nhưng tui chưa có tiền. Sáng ra cả hai vẫn đi làm vườn và bỏ trốn lúc nào không ai hay”.

Biết tin hai lao động bỏ trốn, đám tay chân bà Thủy phong tỏa, đón lõng ở các cửa rừng, các con đường mòn để bắt. Đến nay, tung tích về hai lao động vẫn bặt vô âm tín.

Anh Lương Trọng Tấn (32 tuổi, quê Thanh Hóa) nói trong lo lắng: “Chỉ sợ tụi nó đi lạc, chết đói trong rẫy cà phê thôi. Tụi nó đi ra đường lớn, nếu bị bắt lại sẽ bị cùm chân tay, đánh chết cho mà coi”.

Theo lao động tên Lâm, hầu hết lao động vào làm không chịu nổi, không có tiền chuộc đều tìm cách bỏ trốn. “Từ bữa tui vô tới giờ đã có 7-8 đứa bỏ trốn rồi” – Lâm nói.

Hôm từ trang trại của ông Thành ra Công ty TNHH Đức Hoàng đợi người nhà chuộc về, chúng tôi gặp lại anh Lương Trọng Tấn nằm thở dài trên phản gỗ chờ người tới giải cứu. Anh Tấn cho biết đã bán sức ở trang trại của bà Thủy 35 ngày nhưng vẫn chưa trả hết nợ.

“Làm hơn một tháng, bà Thủy trừ tiền mua người, tiền dịch vụ, quần áo đi làm… mà vẫn còn nợ 350.000 đồng. Có người nợ chỉ 4.000 đồng mà bà Thủy vẫn giữ lại chứng minh nhân dân” – anh Tấn kể.

Anh Tấn buồn rầu kể cách đây vài ngày, một lao động quê Trà Vinh bị người nhà của bà Thủy đánh đập. Lúc này, mấy lao động phải đưa ra ngoài công ty để khỏi bị đánh tiếp.

“Thấy tội nghiệp nó nhưng đâu dám hó hé nửa lời. Đưa nó ra ngoài công ty để khỏi bị đánh, giờ cũng chẳng biết nó đi đâu về đâu nữa”. Trước lúc ra về, vì thương mấy người lạo động ở lại, anh Tấn đã viết thư động viên họ cố gắng làm việc để cuối năm có tiền về quê.

Đúng 18g, nhóm người cùng quê của anh Tấn mới thu xếp đủ tiền đến chuộc. Thấy bóng dáng người thân, anh Tấn xách đồ từ trong nhà chạy ra hét to: “Trời ơi, thoát rồi, được về nhà rồi!”.

>> Nhấn vào đây để xem video

Gà chết thâm tím cũng là thức ăn

Trang trại của bà Thủy nuôi hàng ngàn con gà. Trưa 27-6, chúng tôi chứng kiến có khoảng 10 con gà chết do bệnh, thịt thâm tím được bà Thủy chỉ đạo chuẩn bị thịt, nấu làm thức ăn. Lao động ở đây cho biết mỗi khi gà chết do bệnh dịch, bà Thủy đều mang vào làm thịt để người làm công ăn khỏi tốn tiền mua thức ăn.

Kiếp đọa đày của Thiết

Trong số những lao động làm việc tại trang trại bà Thủy, chúng tôi gặp em Lương Văn Thiết (quê Thanh Hóa) mới 16 tuổi. Thiết cho biết em bị mấy ông xe ôm ở bến xe An Sương kêu đi làm nhà hàng, nhưng sau đó lừa “bán” lên đây.

Cuộc đời của Thiết cơ cực từ nhỏ. Cha mẹ ly dị, Thiết phải sống với bà ngoại năm nay tuổi đã ngoài 90. Vài năm trước, lúc đó mới 14 tuổi Thiết từng bị cánh xe ôm lừa bán lên thị trấn Nam Ban (Lâm Hà, Lâm Đồng) làm vườn. Thiết kể: “Em làm suốt ngày vẫn bị chủ đánh đập, đánh vào mông, vào đầu, đánh khắp người. Làm hết buổi thì em bị chủ nhốt lại không cho đi ra ngoài”.

Tại trang trại của bà Thủy, Thiết vào làm được một tháng. Hằng ngày, Thiết được bà Thủy sai đi hái chanh, phun thuốc sâu, làm cỏ cà phê. “Làm quen nên em bớt cực rồi, những ngày mới làm thấy cực lắm. Em làm trả được nợ “dịch vụ” đủ rồi, giờ làm đến cuối năm lấy tiền dư để về quê” – Thiết ngậm ngùi.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thu thuy

    Đề nghị nhà báo cho biết rõ địa chỉ cty dịch vụ và gửi thông tin đến các cơ quan chức năng xem xét chứ đây chẳng phải phạm pháp sao? Phải xử lý những chủ vườn và bọn dịch vụ kia!

  2. Hienle

    Mình đã đọc tin này trên báo Tuổi trẻ hôm qua, thật không thể tin nổi là thế kỷ 21 vẩn có chuyện như thời chiếm hửu nô lệ vậy. Bọn chủ đó thật dã man vô đạo , cơ quan chức năng đang ở đâu trong chuyện này vậy?

  3. Quang Quý

    Bây giờ mà còn cảnh nô lệ vậy sao, chính quyền đâu hết cả rồi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc ngay, trừng trị những kẻ coi thường phạm luật?

  4. thu minh

    Thực ra tôi ko bênh ai nhưng dân nơi khác lên Lâm Đồng hái cà phê mà cứ như hái nho, căt lúa hay cắt cây cảnh ấy. Chủ mất tiền thuê, nuôi cơm nhìn thấy thế là bực mình. Đám thanh niên thì vừa làm vừa nghe nhạc nhắn tin, chơi game… Làm vài hôm đã xin ứng tiền rồi bỏ trốn. Đã đem sức lao động đi làm thuê lấy đâu mà nhàn hạ được. Ở đây ai mà chẳng phải hái cà, vác phân, vác cà…

  5. chuột

    Mình thấy bức xúc vì bài viết này. Nhà báo nói là “Lâm Đồng” như vậy là không được. MÌnh không phủ nhận là không có những việc như vậy xảy ra ở 1 số địa phương. Nhưng gộp cả tỉnh Lâm Đồng vào là không được. Nhà mình cũng làm cafe nên mình biết. Tuy nó rất mệt nhưng thanh niên lưng dài vai rộng, sức khỏe như vậy mà làm không nổi những việc như vậy. Mấy đứa thanh niên 14,15 tuổi chỗ mình đã phải làm rồi và vẫn làm tốt đó thôi. Tất cả chỉ là làm không quen rồi chán nản bỏ đi và nói xấu này nọ. Nhà mình bị lừa mấy lần rồi. Ứng tiền xong làm được mấy ngày là bỏ trốn. Mấy cô,chú làm công cho nhà mình năm nào cũng điện lên hỏi có việc không để lên làm sớm. Khi về lại còn cho thêm trà, cafe làm quà nữa. Đâu tệ như bài viết này. “Xin hãy đính chính lại”

    1. hoàng thẳng

      Ở địa bàn huyện Lâm Hà, Phi nôm (Đức Trọng) còn có những vụ người làm thuê kiểu này giết cả chủ nhà để cướp của nữa, sao tác giả không gộp vào bài báo của mình cho bà con tiện đường tranh luận? Còn chủ nhà phải ứng tiền (mua) lao động thì phải làm cho đủ tiền ứng chứ bỏ trốn quá sớm thì chủ nhà mất tiền à? Nói thật công kiểu này không có kỹ thuật nên làm cái gì cũng thấy nặng nề hết, vd 1 công hái được 3.5 tạ cp thì họ chỉ hái được 2-2.5 tạ là hết cỡ. Không có người thì phải thuê thôi, chứ làm ăn chán lắm.

    2. Dân Nghèo

      Bác Chuột nói đúng đấy. Ở chỗ tôi cũng vậy, có người làm rất tốt, năm nào cũng đến làm cho mình nhưng có một số người làm chả ra sao mà lại sinh tật cứ ứng tiền xong là bỏ trốn làm cho người khác rồi lại ứng tiền xong rồi bỏ trốn cứ như thế, một mùa ứng 5,6 nhà. Thà như không làm được thì về nhà chả ai nói gì cả.

  6. từ anh quốc

    tình trạng nầy có lâu rồi các bạn ơi, 7-8 năm trước mà tới giờ vẫn còn, giờ tụi nó còn tinh vi hơn, hiểm ác hơn, có thằng em bị bán lên tận đà lạt mới chuộc về, chắc nhiều người sẽ sốc khi đọc những tin nầy vào thời đại nầy, con người đi làm kiếm sống mà chúng xem như nô lệ, tội nầy sử nhẹ thì sao an lòng dân, mong bắt hết bọn nầy, bắt bồi thường tiền bạc, nhân phẩm, sức khỏe, ko biết có ai bị chúng giết chưa nữa

  7. Huy BMT

    Năm nào thuê người hái, chiều cứ như chiều “vong” ấy chứ. Hành hạ chỗ nào được, điện thoại đứa nào cũng có, nó không biết gọi 113 à? Cứ mong nó làm cho tốt, cho xong, nghỉ còn liên hoan (rửa bạt) cho quà về quê nữa ấy chứ.

  8. nông dân cà phê

    Cứ đến mùa hái cà phê là nông dân chạy đôn chạy đáo đi tìm lao động, đến các trung tâm ty giới thiệu việc làm tôi thấy toàn là bọn lừa đảo, bọn nghiện hút, cù bất cù bơ… Nông dân muốn nhận 1 lao động phải chi tiền cò khoảng 1,5-2 triệu đồng, về làm được mấy hôm thì lại ứng tiền, bỏ trốn, chạy sang trung tâm khác để tiếp tục lừa đảo. tôi nói thật: các lao động này nếu là người đàng hoàng thì họ tội gì phải đi làm ở các rẫy cà phê vừa lương thấp, công việc chỉ khoảng 1-2 tháng, đội nắng dầm mưa vất vả vô cùng, thiếu gì các công ty ở TP tuyển công nhân sao không đến đó mà xin việc.
    Làm nông nghiệp lợi nhuận rất thấp nên tiền công trong nông nghiệp cũng thấp, và chỉ mang tính thời vụ do vậy rất khó để tìm được lao động ngon lành vào những đợt hái cà phê. Đây là một bài toán vô cùng khó giải cho nông dân cà phê như chúng tôi.
    Tôi nghĩ thời này chẳng có chuyện đánh đập lao động như bài báo này viết đâu, rồi chuyện lừa bán lao động… đúng là bài báo nói náo kinh khủng. Kiểu này mùa vụ hái cà phê sắp tới nông dân rất khó tìm lao động đây. Cà phê rụng hết cho mà xem.

  9. nguyễn tấn lộc

    Nhà báo viết có đúng sự thật ko vậy? Nếu đúng sự thật công ty môi giới và những chủ vườn cà phê phải chịu tội trước pháp luật. Bằng không tác giả bài báo phải đính chính gấp, vì nó ảnh hưởng tất cả các chủ vườn cà phê ở Tây nguyên chứ ko riêng gì ở Lâm đồng. Thú thật tôi củng làm cà phê và thuê nhân công hái nhưng chưa bao giờ dám nặng lời và đuổi người làm …

  10. Nguyễn Duy Hồng

    Bài viết rất hay. Nhưng tôi nghĩ tại sao ở việt nam mà vẫn có những trường hợp mua bán, bóc lột sức lao động mà có cả trẻ em, như mua bán nô lệ thời trung cổ.
    Tại nơi tôi đang sống TT Đăk Mil, huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Nông hàng năm đến mùa cà phê người dân ở các nơi kéo về làm thuê cũng vẫn bị một số đối tượng xe ôm chở đi cho các chủ vườn và họ lấy tiền xe ôm cũng có trường hợp xin thêm 50.000đ đến 100.000đ, nhưng không dã man như công ty mà bài viết đã nêu trên.
    Mong rằng các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để giải phóng cho họ.

  11. Tuấn

    Nhà mình ở Lâm Đồng cũng hay thuê công ngoài quê vào, có nhiều vấn đề lắm chứ không phải như báo đưa tin 1 chiều thế này đâu. Có lần nhà mình kiếm không ra công mới trả cho đơn vị giới thiệu việc làm 1tr cho 2 người. Về lương bổng khoảng 4tr/tháng, bao ăn ở, ngày làm 8h, công việc chủ yếu hái cafe, dĩ nhiên vác cafe là chuyện thường. Tuy nhiên, bọn họ nghèo, nhưng hèn lắm, vừa làm biếng, vừa lươn lẹo, chủ nhà đi văng còn bắt gà ăn, đi làm toàn trốn việc. Nhà mình cho họ làm để họ đủ tiền xe về quê thì không kêu nữa. Nếu chuyện này mà lên báo chắc cũng y vậy.

  12. Nguyễn Thị Phi

    tớ cũng Bị lừa Vào dịch vụ này rồi mất tất cả 3 triệu ? Bọn cty môi giới nhốt mình như tù ? ăn uống chỉ được gói mỳ tôm

  13. Lephuong

    Không thể tưởng tượng nổi tình trạng này vẫn kéo dài kể từ khi bài viết này thực hiện đến nay là tháng 11 năm 2020 vẫn còn tồn tại đúng như nội dung trên. Chính quyền không biết làm gì, trong khi vẫn Cty vẫn cứ vô tư hoạt động mà còn tinh vi hơn nữa.
    Chỉ tội cho những người lao động thiếu hiểu biết sẽ bị bọn chúng nó lừa dối và gọi chính xác là ” bán sống “, một cách tinh vi.

Tin đã đăng