Cùng với Campuchia, Việt Nam và Bangladesh là những quốc gia bị tổn thương nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, theo đánh giá mới nhất của hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s.
Theo International Business Times, Standard & Poor đã sử dụng ba bộ dữ liệu để đưa ra bảng đánh giá, gồm tỷ lệ phần trăm dân số sống ở khu vực trên và dưới 5m so với mực nước biển; sản lượng nông nghiệp quốc gia so với nền kinh tế tổng thể (do nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của thời tiết) và khả năng thích ứng của mỗi quốc gia.
Kết quả, trong số 116 quốc gia, có 20 nước nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, phần lớn là những nước ở châu Á hoặc châu Phi và là những thị trường mới nổi. Trong đó, Campuchia, Việt Nam và Bangladesh là những nước dễ bị tổn thương nhất – trong khi Luxembourg, Thụy Sĩ và Áo là những nước ít bị ảnh hưởng nhất.
Theo bảng đánh giá, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là lũ lụt, sẽ gia tăng thiệt hại lên cơ sở hạ tầng của quốc gia bị ảnh hưởng. Hạn hán, nắng nóng kéo dài và lặp đi lặp lại cũng làm giảm sản lượng nông nghiệp, gây cháy rừng…
Năng suất của lực lượng lao động cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu các sự kiện thời tiết ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện vệ sinh, làm lây lan dịch bệnh hoặc loài gây hại, tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Trước đó, tại “Hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và sự kiện khí hậu cực đoan tại Việt Nam” diễn ra tháng 8-2012 ở Hà Nội (do Bộ Tài nguyên – môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức), ông Rajendra K. Pachauri – chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nhận định Việt Nam là đất nước rất dễ bị tổn thương từ thiên tai, điều này đồng nghĩa với việc sẽ chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu.
Theo ông, có tới 95% các ca tử vong do thiên tai nằm ở các nước đang phát triển, vì vậy Việt Nam cần phải có những chính sách, giải pháp để giảm nhẹ tác động từ thiên tai.
Một trong những hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu là làm gia tăng lũ lụt và nước biển dâng.
Việt Nam có 2 con sông lớn chảy ngang qua và đổ ra Biển Đông tạo nên 2 vùng châu thổ rộng lớn và trù phú là châu thổ Sông Hồng và châu thổ sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam.
Khi biến đổi khí hậu thì 2 vùng châu thổ này bị tác động tiêu cực nặng nề nhất: Lũ lớn hằng năm nhiều hơn và nước biến dâng làm xâm nhập mặn và mất đất ven biển…làm hàng chục triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trong những nỗ lực chống biến đổi khí hậu của VN Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Danh mục các đề án, dự án, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 với 63 dự án.
Hành động trước mắt của chúng ta là giảm thải khí carbon gây ra hiệu ứng nhà kính góp phần giảm nhiệt cho trái đất.