Dạy nghề tại chỗ cho nông dân: Hiệu quả cao, chi phí thấp

Học nghề giúp nông dân có kiến thức, có nghề mới và không lo thất nghiệp. Dạy nghề tại chỗ cho bà con nông dân là một hình thức dạy nghề hiệu quả, chi phí thấp và thậm chí còn làm giàu nhanh.

Nghề nuôi chồn rất phù hợp với khu vực trồng cà phê.
Nghề nuôi chồn rất phù hợp với khu vực trồng cà phê.

Diện tích đất nông nghiệp tại các vùng quê ngày càng bị thu hẹp để lấy đất cho các nhà máy, các KCN. Điều này đang đẩy một lượng không nhỏ những người quanh năm chỉ trông chờ vào đồng ruộng trở thành những người thất nghiệp.

Giải pháp đưa ra là nông dân cần có nghề thay thế. Nhưng học nghề gì trong thời gian ngắn thì nhiều nơi chưa biết, chưa làm được. Dạy nghề ngắn hạn, ngay tại địa bàn sinh sống của người dân với những nghề đơn giản là giải pháp cần được đặt ra. Với những nông dân vẫn còn đất nông nghiệp, họ sẽ có thêm nghề phụ, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Lĩnh vực nông nghiệp gồm: Nông, lâm, thuỷ hải sản. Trong những lĩnh vực đó, người dân cần chọn cho mình một nghề phù hợp. Trách nhiệm này thuộc về cán bộ khuyến nông ở khu vực đó. Khi đã chọn được nghề, với hình thức dạy nghề tại chỗ và với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, chỉ trong một thời gian ngắn, người nông dân sẽ biết nghề và tự mình làm. Đội ngũ giảng dạy sẽ là những cán bộ khuyến nông, hội viên hội nông dân hay thậm chí là những nông dân giỏi.

Ông Nguyễn Lân Hùng – Tổng Thư ký Hội các Ngành sinh học VN – cho biết: “Hình thức dạy nghề tại chỗ sẽ giúp người nông dân nhanh chóng có nghề mà chi phí đào tạo thấp. Theo tôi, mỗi tỉnh chỉ cần có 20-30 nghề, mỗi nhà chỉ cần từ 1-2 nghề là đã có thể xây dựng một bộ mặt nông thôn mới làm giàu nhanh chóng”.

Những nghề học ngắn hạn và có thể dạy ngay tại trụ sở UBND xã, trường học, hay tại nhà dân như: Nuôi ếch, nuôi chồn, nuôi dế, nuôi lươn, nuôi cá, kỹ thuật trồng rau sạch, kỹ thuật trồng cây cảnh…

Thực tế cho thấy, đã có nhiều nông dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu từ những nghề học trong thời gian ngắn. Đây là những nông dân tiêu biểu trong việc tìm tòi và truyền đạt kinh nghiệm làm kinh tế cho bà con. Anh Nguyễn Thanh Bình (Đắc Lắc) có nghề nuôi chồn, đến nay đã có tài sản hàng trăm triệu đồng. Lợi nhuận thu về không phải từ thịt của nó, mà từ cái… dạ dày.

Anh nuôi chồn kết hợp trồng càphê. Hàng trăm con chồn sau khi ăn những quả quả càphê đã cho ra một thứ càphê hảo hạng: Càphê chồn, có giá 1 triệu đồng/kg. Anh cho biết, kỹ thuật nuôi chồn không khó, chỉ cần vài buổi học là nắm bắt được nên bà con có thể học ngay.

Anh Lê Thanh Tùng (TPHCM) cũng là một nông dân làm giàu từ nghề học ngắn hạn và được tư vấn tại chỗ từ nghề nuôi dế. Những con dế tuy nhỏ bé, nhưng đã mang lại nguồn thu lớn cho gia đình từ những đơn đặt hàng của các nơi.

Học nghề tại chỗ, với các nghề không khó và không mất nhiều thời gian là hướng đi mà các cán bộ khuyến nông tại các địa phương cần tập trung trong việc truyền đạt kiến thức cho bà con nông dân.

Theo LĐ

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng