Theo ông Phạm Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Đoa (Gia Lai), trên địa bàn huyện đã xuất hiện sâu bệnh (rệp sáp) gây hại trên diện tích hơn 300ha cà phê, trong đó có hơn 220ha bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ, 80ha ở mức độ trung bình.
Hầu hết các xã trong huyện đều có diện tích cà phê bị nhiễm bệnh, nơi ít từ 10-15ha như xã ADơk, Glar còn những nơi nhiều có đến 50-80ha như xã Hnol, Ia Pêch.
- Chăm sóc rẫy càphê mới trồng ở làng Plei Wêt xã, huyện Đăk Đoa. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)
Ông Cường cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp cùng với ngành Bảo vệ thực vật, Khuyến nông hướng dẫn nông dân cách phòng trừ rệp sáp, không để lây lan ra diện rộng và tăng mức độ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cà phê trong niên vụ 2013-2014.
Nhiều lớp tập huấn đã được tổ chức ngay tại vườn cà phê bị nhiễm bệnh theo từng cụm vùng, phân tích và xác định mức độ nhiễm bệnh để hướng dẫn bà con cách phòng trừ phù hợp theo từng loại hóa chất, số lần phun và cách thức phun, nhất là đối với bà con là người dân tộc thiểu số.
Đồng thời, khuyến cáo bà con không “nôn nóng” và lạm dụng phun thuốc diệt sâu bệnh bừa bãi, quá liều lượng ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây.
Cán bộ kỹ thuật của các đơn vị chức năng cũng đã phân công phụ trách từng địa bàn cụ thể, bám thực tế vườn cây của từng hộ dân để kịp thời xử lý, ngăn chặn kịp thời khi phát hiện có phát sinh sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng nói chung và nhất là cây cà phê đang sinh trưởng trong thời tiết bất lợi.
Huyện Đăk Đoa có tổng diện tích cà phê khoảng 13.000ha hầu hết nằm phân tán trong các hộ dân, đây là một trong những loại cây trồng chủ lực trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện.
Từ nhiều năm nay, cây cà phê đã mang lại nguồn lợi lớn cho người dân và cuộc sống đã được cải thiện, nâng cao, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Nên trồng thêm cây muồng đen vào để che bóng cho vườn cây theo mật độ 24m x 6m (6m/hàng cho hướng Đông – Tây; và 24m/hàng cho hướng Bắc – Nam). Ngoài ra đối với cây cà phê còn trẻ nên trồng muông hoa vàng để chắn gió tầng thấp và để cung cấp chất hữu cơ cho đất. Nếu trồng cây che bóng hợp lý sẽ tạo cho vườn cây 1 hệ sinh thái bền vững và đa dạng sinh học (thiên địch), và phân tán khả năng tập trung phá hại của sâu bệnh.
Ngoài ra cây che bóng và chắn gió hợp lý sẽ giúp cho vườn cây tăng cường khả năng chống chịu đối với tình trạng hạn hán ngày càng gia tăng.