Các DN kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk vừa thoát khỏi nguy cơ phá sản sau hơn 6 tháng khiếu nại. Trước đó, các DN này bị Cục Thuế Đăk Lăk yêu cầu nộp lại hàng chục tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Giữa năm 2013, Cục Thuế Đăk Lăk có quyết định về việc thu hồi hoàn thuế đối với một số DN kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Anh Minh, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 – 9 Đăk Lăk, Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An, Công ty TNHH Dakman Việt Nam, CTCP Tập đoàn Intimex… Tổng số tiền mà các DN này bị yêu cầu nộp lại lên đến gần 100 tỷ đồng, thậm chí có DN bị yêu cầu nộp lại số tiền gấp 3 – 4 lần vốn điều lệ.
Sở dĩ Cục Thuế Đăk Lăk yêu cầu nộp lại số tiền hoàn thuế là vì các DN này đã từng mua cà phê của Công ty TNHH Thương mại Phước Bảo và một số DN khác đang vướng vào điều tra hình sự.
Cục Thuế Đắk Lắk dựa vào Công văn 2149/TCT-KK ngày 3/7/2013 của Tổng cục Thuế về việc tạm dừng hoàn thuế GTGT: “… Trong khi chờ kết quả điều tra của cơ quan công an, đề nghị Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk tạm thời chưa giải quyết khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với các hoá đơn do Công ty TNHH Thương mại Phước Bảo và một số DN tương tự phát hành”.
Công văn 2149 có nội dung là “tạm dừng hoàn thuế GTGT”, nhưng Cục Thuế Đăk Lăk lại viện dẫn Công văn này để làm cơ sở pháp lý cho việc: truy hoàn các khoản thuế GTGT đã được khấu trừ theo quy định của pháp luật.
Trước nguy cơ phá sản vì bị truy hoàn thuế, các DN liên tiếp làm đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Bởi lẽ, các hóa đơn đều hợp pháp, không có trong danh sách hóa đơn không còn giá trị sử dụng mà cơ quan thuế đã thông báo. Đồng thời, không có thông báo, cảnh báo nào của các cơ quan chức năng về dấu hiệu bất hợp pháp của các DN tại thời điểm xuất hóa đơn.
Hơn nữa, trong các văn bản pháp quy của ngành thuế không có quy định về việc truy hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp đã được hoàn thuế theo đúng điều kiện và trình tự, thủ tục. Toàn bộ 441 thủ tục hành chính thuế còn hiệu lực thi hành cũng không có thủ tục nào về truy hoàn thuế.
Việc giải quyết khiếu nại kéo dài hơn 6 tháng với nhiều văn bản trả lời của cơ quan chức năng, nhưng không thỏa đáng. Do đó, tháng 1/2014, các DN cà phê tiếp tục đệ đơn lên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị xem xét giải quyết.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các cục thuế về việc tăng cường quản lý thuế đối với các DN có rủi ro cao về thuế.
Công văn của Bộ Tài chính nêu rõ: đối với trường hợp sử dụng hóa đơn đầu vào trực tiếp của các công ty và đơn vị trung gian có “vấn đề” (ngừng kinh doanh, bỏ trốn, có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp), nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng, thì tạm dừng hoàn thuế nếu DN chưa được giải quyết hoàn thuế. Chỉ thực hiện tạm dừng đối với số hàng hóa của hóa đơn có dấu hiệu vi phạm đang được cơ quan chức năng thanh tra, điều tra. Số hàng hóa không thuộc diện có dấu hiệu vi phạm được thực hiện khấu trừ, hoàn thuế đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Những DN đã được hoàn thuế thì cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho DN biết để kê khai điều chỉnh thuế GTGT. Trường hợp DN khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định pháp luật, thì DN phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ kê khai, hoàn thuế GTGT.
Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thuế thực hiện lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, với công văn này, sự việc đã ngã ngũ khi Bộ Tài chính nhấn mạnh, tạm dừng hoàn thuế GTGT với lô hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, các trường hợp đã hoàn thuế không bị nộp lại.
Trao đổi với ĐTCK về vụ việc nêu trên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nêu quan điểm: không nên cho rằng, tất cả hoá đơn của mọi DN tham gia vào chuỗi mua bán, kinh doanh cà phê trước đó đều phải hợp pháp thì các DN sau mới được hoàn thuế và không bị truy thu số thuế đã hoàn. Bởi lẽ, việc này vĩnh viễn nằm ngoài khả năng kiểm soát của các DN chân chính.
“Nếu truy hoàn thuế GTGT của DN vì lý do DN khác ở mãi đâu đó gian lận, thì không khác nào pháp luật đánh đố DN, đánh bẫy doanh nhân, thu nhầm còn hơn bỏ sót, bắt người ngay trả giá cho kẻ gian, biến nạn nhân thành tội phạm”, luật sư Trương Thanh Đức nói.