Bắc Tây Nguyên đối mặt mùa khô khốc liệt

Tây Nguyên đã là mùa khô. Và, cứ mỗi lần bước vào mùa khô dai dẳng và khốc liệt, nông dân Tây Nguyên lại canh cánh nỗi lo hạn hán, mất mùa.

Nỗi lo ấy đã hiển hiện rõ trên từng gương mặt của nông dân thị xã An Khê – cửa ngõ phía đông của tỉnh Gia Lai. Mọi năm, ở thời điểm này, thị xã An Khê đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành tiến độ gieo trồng vụ đông xuân. Vậy mà vụ đông xuân 2013-2014 này, thị xã mới chỉ gieo trồng được trên 2.700 ha cây trồng các loại (chỉ đạt khoảng 69% kế hoạch).

Nguyên nhân tiến độ gieo trồng không đạt kế hoạch, không phải là do thiếu giống, thiếu đất…, mà là do thiếu mưa: Năm nay mưa đến muộn, lượng mưa lại thấp hơn so với cùng kỳ mọi năm nên bà con nông dân không dám liều lĩnh “đánh cược” với trời.

11-39-04_anh_han

Tại xã Song An, lão nông Bùi Hải đứng giữa cánh đồng mới chỉ dám gieo trồng được năm mươi phần trăm diện tích. Ông nói: “Cứ đợi thêm một thời gian nữa mới quyết định có nên tiếp tục xuống giống hay không. Thà chậm một chút mà chắc, chứ liều lĩnh xuống giống bây giờ, nếu trời không có mưa thì sẽ mất giống, mất công, mất phân…”.

Đó không chỉ là suy nghĩ của riêng ông Hải, mà là kinh nghiệm chung của nông dân đã nhiều đời sinh sống, canh tác nơi vùng đất nắng nóng Tây Sơn Thượng này. Còn theo Phòng Kinh tế thị xã An Khê: Nếu trong thời gian tới, trời không có mưa hoặc lượng mưa không đảm bảo thì, diện tích và năng suất cây trồng sẽ bị giảm mạnh.

Cũng ở Gia Lai, các địa phương phía đông – nam của tỉnh này cũng đang phải đối phó với cơn nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên. Đây là những huyện trọng điểm của tỉnh về diện tích lúa nước, mía, thuốc lá, đậu đỗ…

Tại đây, một số cánh đồng nhỏ lẻ đã bị thiếu nước cục bộ như ở huyện Krông Pa. Tuy nhiên nước tưới chưa phải là nỗi lo lớn, bởi công trình thủy lợi Ayun Hạ – đến thời điểm này, vẫn đảm bảo cung cấp nước tưới. Nỗi lo của người dân là những cơn nắng rát đang đổ xuống những cánh đồng mía bạt ngàn ở Ayun Pa, Ia Pa…, có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Trên thực tế, đã có khoảng 200 ha mía ở đây bị cháy từ trước và sau Tết Nguyên đán.

Tại huyện Kbang – phía đông tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2014 đến nay cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy mía. Vụ cháy mới nhất vào ngày 18/2: Gần 20 ha mía của 8 hộ dân ở xã Tơ Tung đã bị ngọn lửa thiêu rụi, trong đó hộ bị cháy nhiều nhất là bà Vũ Thị Huệ với 4 ha mía đã bị thần lửa biến thành tro than. Và, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì nguy cơ mía bị cháy sẽ không dừng lại ở con số này.

Với những người trồng cà phê, thời điểm này, nước tưới là mối quan tâm lớn nhất của các chủ vườn. Tại xã Ia Sao và một số xã khác của huyện Ia Grai (Gia Lai), người trồng cà phê ít khi lo thiếu nước tưới bởi ở đây, hệ thống thủy lợi, hồ đập thường xuyên đảm bảo được lượng nước tưới.

Tuy nhiên trước những diễn biến bất thường mà người trồng cà phê có kinh nghiệm dự báo được, không ít chủ vườn đã tranh thủ thời gian, sắp lịch tưới cho vườn cây của mình: Với những gia đình có lao động thì tranh thủ thay nhau tưới cả đêm, còn với những chủ vườn neo người, phải thuê nhân công tưới với giá 40-50 ngàn đồng mỗi giờ.

Ông Hồ Văn Thới có gần 2 ha cà phê kinh doanh ở xã Ia H’rung (huyện Ia Grai), vợ ốm, các con đi học xa, một mình ông không đủ sức tưới cho vườn cây nên từ đầu vụ tưới đến nay, gia đình ông đã bỏ ra trên một triệu đồng để thuê nhân công tưới cà phê. Với ông Thới còn có tiền để thuê người tưới, nhưng với nhiều hộ khó khăn do cà phê vụ vừa qua xuống giá thì việc thuê người cầm vòi tưới nước, quả là không dễ chút nào.

Tại huyện Đăk Hà, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Kon Tum, người trồng cà phê đang phải trắng đêm tìm nước tưới cho vườn cây. Hàng trăm hộ trồng cà phê ở xã Hà Mòn – xã đầu tiên hoàn thành Nông thôn mới ở Tây Nguyên đang điêu đứng vì không có nước tưới đợt một cho vườn cây (trong khi đó ở thời điểm này, lẽ ra đã tưới xong đợt hai cho cây cà phê).

Gần 100 ha cà phê ở xã đang lay lắt trong cái nắng nóng, khô hanh của mùa khô Tây Nguyên. Nhiều hộ trồng cà phê ở Hà Mòn phải đặt bơm, kéo ống vượt hàng ngàn mét, lấy nước từ hồ thủy điện Plei Krông đến vườn cà phê, tuy nhiên do đường xa, bơm yếu nên xem ra biện pháp này cũng không mấy hiệu quả.

Nông dân vùng Bắc Tây Nguyên đang phải đối mặt với một mùa khô khốc liệt. Mong muốn lớn nhất của họ bây giờ là sự tiếp sức nhiều mặt của chính quyền địa phương, của các ngành liên quan để giảm bớt thiệt hại do khô hạn gây ra.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng