Xuất khẩu sắn tăng mạnh: Mừng và lo

Mừng vì từ mặt hàng ít được chú ý, sắn đang là một trong những mặt hàng được các doanh nghiệp nước ngoài tìm mua nhiều nhất… Lo vì, nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng phát triển ồ ạt diện tích trồng sắn trong cả nước.

Bị “quên” trong sản xuất và cả trên thị trường xuất khẩu, nhưng cây sắn đang âm thầm làm nên chuyện. Năm 2009 này, dự báo cây sắn sẽ đem lại một khoản ngoại tệ không nhỏ – khoảng trên dưới 800 triệu USD. Từ đầu năm đến nay, sắn là một trong ít các mặt hàng có khối lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, được Bộ Công Thương đưa vào nhóm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Giá xuất khẩu đang phục hồi

Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2009, nước ta đã xuất khẩu được 2,66 triệu tấn sắn và tinh bột sắn; tăng 4,4 lần về lượng và 2,8 lần về giá trị; đạt kim ngạch 408 triệu USD. Có được kết quả này là do thị trường Trung Quốc đang được phục hồi. Là nước đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Brazil) về sản xuất ethanol, Trung Quốc đang cần một lượng sắn lát rất lớn cung ứng cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, ngoài việc làm thức ăn chăn nuôi (đang giảm nhẹ).

Ước tính, mỗi năm nước này phải nhập khẩu từ 6 – 6,5 triệu tấn sắn. Ngoài ra, Trung Quốc còn liên kết với Lào, Nigieria, Philippines… để trồng sắn. Chính vì vậy, giá sắn lát của Việt Nam đang tăng dần trở lại. Năm 2008, bình quân giá sắn khô 3.000 đ/kg; những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 giảm mạnh xuống còn 1.500 – 1.700 đ/kg và đã tăng lên 1.900 – 2.100 đ/kg.

Sau khi đã giảm mạnh xuống mức rất thấp trong những tháng đầu năm 2009, có lúc xuống còn 135 USD/tấn, giờ giá sắn đang trong xu thế phục hồi. Hiện tại cảng Sài Gòn, giá sắn xuất vào khoảng 176-180 USD/tấn (tương đương khoảng 3.180 đ/kg). Còn ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), giá sắn lát 2.800 – 2.900 đ/kg. Tuy vậy, vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức giá xuất khẩu bình quân 275 USD/tấn trong 7 tháng đầu năm 2008.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, với tổng diện tích vào khoảng 510.000 ha, năng suất bình quân 15,7 tấn/ha, năm nay tổng sản lượng sắn cả nước đạt khoảng 8,1 – 8,6 triệu tấn. Nếu trừ đi 22,4% sản lượng vào chế biến thức ăn chăn nuôi; 16,8% cho chế biến thủ công và 12,2% dùng ăn tươi, thì còn khoảng 48,6% (tương đương trên 4 triệu tấn sắn) phục vụ xuất khẩu. Cộng thêm lượng sắn tồn kho khá lớn từ năm ngoái chuyển sang, năm nay nước ta có thể xuất khẩu tới 4,5-5 triệu tấn sắn.

Với lượng sắn có thể xuất khẩu được trong 5 tháng cuối năm từ 1,8 – 2,3 triệu tấn, nếu giữ được giá xuất khẩu như hiện nay (175 USD/tấn) thì năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu sắn có thể đạt tới 800 triệu USD. Quá bất ngờ, Bộ Công Thương đã không ngần ngại đưa cây sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn vào nhóm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Nỗi lo tăng trưởng

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu sắn vừa mừng, vừa lo. Mừng vì theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, từ mặt hàng ít được chú ý, sắn đang là một trong những mặt hàng được các doanh nghiệp nước ngoài tìm mua nhiều nhất trên các trang thương mại điện tử, nhiều hơn mặt hàng gạo. Trong suy thoái của nền kinh tế cây sắn vẫn duy trì được sự tăng trưởng đáng ghi nhận, đem lại một khoản ngoại tệ không nhỏ… Lo vì, nguy cơ sẽ tái diễn tình trạng phát triển ồ ạt diện tích trồng sắn trong cả nước.

Sắn là một loại cây trồng mà ngành nông nghiệp chưa một lần khuyến khích phát triển, nhưng diện tích sắn mấy năm nay tăng đến mức báo động. Năm 2005, diện tích trồng sắn của cả nước ở mức 270.000ha, đến năm 2008 đã tăng vọt lên gần gấp 2 lần – 510.000ha. Tính ra, vượt tới 135.000ha so với quy hoạch phát triển cây sắn đến năm 2010. Diện tích sắn tăng nhiều nhất thuộc khu vực Tây Nguyên.

Theo kế hoạch, năm 2008, các tỉnh Tây Nguyên trồng trên 95.700 ha, nhưng đến nay diện tích sắn tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã đạt tới 119.600 ha, tăng 23.000 ha so kế hoạch. Trong đó, tăng nhiều nhất là tỉnh Gia Lai với 16.000ha, Đăk Lăk gần 6.000ha, Kon Tum trên 5.000ha… Thực chất, đây là sự tăng trưởng đáng sợ (!?) Việc mở rộng diện tích sắn một cách ồ ạt có lợi trước mắt nhưng hại về lâu dài. Vì sắn là cây trồng cực kỳ phá đất, chỉ sau 2 – 3 vụ trồng sắn, đất sẽ trở nên vô dụng, nghèo kiệt, bạc màu. Điều đặc biệt nguy hại, sắn mọc tới đâu thì rừng bị tàn phá tới đó. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều người, thời gian tới diện tích sắn tại khu vực này (và có lẽ cả nước) còn phát triển nóng. Trong giai đoạn hiện nay, nói tới chuyện giảm diện tích sắn là điều rất khó khả thi.

Đi đôi với ồ ạt mở rộng diện tích, các nhà máy chế biến sắn mọc lên nhanh hơn thời kỳ phát triển nhà máy đường. Năm 2007, cả nước có khoảng 41 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp, đến nay con số này là 60 với tổng công suất sử dụng 2,5 triệu tấn củ sắn tươi/năm. Nhiều tỉnh ở Tây Nguyên như: Đăk Lăk, Kon Tum, Đăk Nông… có từ 3 – 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn. Ngoài ra, còn hàng ngàn cơ sở chế biến thủ công nằm rải rác ở nhiều tỉnh và thành phố.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng