Xuất khẩu cà phê: Đối phó ép giá, phòng ngừa bao đay

Theo Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), chưa có năm nào giá cà phê trong nước lại giảm nhanh và mạnh như mấy tuần vừa qua.

Tháng 2/2008, giá cà phê đạt mức đỉnh 40.000 – 42.000đ/kg; tháng 9 giá còn ở mức 34.000 – 35.000đ/kg. Đến trung tuần tháng 10, giá cà phê ở Tây Nguyên chỉ còn 26.000- 27.000đ/kg.

bao day dung ca phe

“Bão” tài chính tác động giá cà phê

Hiện nay, sản lượng cà phê trong dân đã cạn, nhưng các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch niên vụ 2008-2009 và dự báo sẽ trúng mùa. Riêng ở Đắk Lắk, dự tính sản lượng cà phê vụ này có thể đạt tới 400.000 tấn, chiếm khoảng 1/3 sản lượng cà phê của cả nước.

Được mùa nhưng nông dân rất lo vì theo tính toán của các nhà vườn, năm nay, 1ha cà phê tốn hết 30 triệu đồng tiền phân bón, chiếm 60% chi phí sản xuất. Trong khi đầu ra, không loại trừ khả năng tiếp tục rớt giá, còn khoảng 20.000đ/kg vì thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn.

Tháng 2/2008, giá cà phê xuất khẩu (FOB) tại TP.HCM đạt tới 2.520USD/tấn. Hơn một tháng trước đây, giá vẫn còn ở mức trên 2.000USD/tấn, nay rớt xuống còn 1.600USD/tấn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, giá cà phê có thể còn giảm, bởi số lượng cà phê xuất khẩu đã và đang giảm mạnh tại nhiều thị trường trọng điểm. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2008, lượng cà phê xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 48%, Đức 23%, Ý 22%.

Vicofa nhận định, nguyên nhân giá cà phê giảm một phần là do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên các nước nhập khẩu cà phê giảm lượng tiêu thụ. Nhưng cũng có thể những nhà nhập khẩu nước ngoài tranh thủ lúc thị trường khó khăn để ép giá bán.

Không chỉ Vicofa lo lắng về giá cà phê giảm mạnh, ông Hassan Widjaja, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu và công nghiệp cà phê Indonesia cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra ở Mỹ, sự tê liệt của thị trường bất động sản sẽ dẫn đến sự suy yếu sức mua, bán trong xã hội đối với cả các sản phẩm nội địa và nhập khẩu khác, cũng như ảnh hưởng đến thái độ của những nhà kinh doanh cà phê ở thị trường cuối, họ sẽ tiếp tục cố gắng làm giảm mức giá trung bình.

Do đó, ông Hassan Widjaja đã khuyến cáo các đơn vị xuất khẩu cà phê ở Indonesia cẩn thận hơn và nếu cần, mức giá bán nên được định theo kiểu outright (giao ngay) hay không nên chuyển cà phê lên tàu trước khi giá được ấn định/thỏa thuận và điều kiện thanh toán được thỏa thuận là dựa trên L/C.

Nguy cơ từ bao đay

Vương quốc Anh là một trong 10 thị trường quan trọng hàng đầu nhập khẩu cà phê Việt Nam. Bình quân mỗi năm nước Anh nhập khẩu 29.000 tấn cà phê từ Việt Nam, năm cao nhất lên tới 40.000 tấn.

Ngày nay, khi xu hướng sử dụng sản phẩm chất lượng cao ngày càng rõ rệt thì các tập đoàn phân phối, các nhà cung cấp sản phẩm, đặc biệt là hàng thực phẩm cũng ngày càng khắt khe hơn trong vấn đề chất lượng sản phẩm.

Làm việc với Tập đoàn Nestle UK, cơ quan thương vụ Việt Nam thấy vấn đề cần lưu ý là cà phê xuất khẩu đã qua kiểm nghiệm vẫn có thể bị khiếu nại về chất lượng.

Mặc dù đã được Trung tâm kiểm tra chất lượng của Nestle (NQCC) kiểm tra (tại VN là NQCC Đồng Nai) độ ẩm và cấp chứng nhận nhưng lô hàng xuất đi vẫn có thể bị khiếu nại.

Trong trường hợp này thì phần thiệt hại thường thuộc về người bán vì có thể bị ép giá. Nestle có quy trình kiểm tra chất lượng rất chặt chẽ gồm các công đoạn: Nhà máy sản xuất kiểm tra chất lượng cà phê và phản ảnh đến Trung tâm mua hàng; Trung tâm mua hàng kiểm tra và phản ảnh đến người mua trung gian; sau đó người mua trung gian liên hệ NQCC để kiểm tra và phản hồi lại cho nhà máy và Trung tâm mua hàng; nhà máy phối hợp với Hệ thống phân loại cà phê xanh (GCCS) và Trung tâm kiểm tra chất lượng cà phê xanh (GCQC) để phân loại sản phẩm, chế biến, tiêu thụ.

Với quy trình này thì nhà máy là nơi đưa ra quyết định cuối cùng về chất lượng cà phê có đủ tiêu chuẩn để đưa vào chế biến, sản xuất hay không. Như vậy, mặc dù lô hàng đã được NQCC tại VN kiểm tra nhưng khi hàng đến nhà máy, nếu thấy độ ẩm vượt quá chỉ số quy định, họ vẫn có thể khiếu nại.

NQCC còn đề cập vấn đề “không hóa xà phòng” đối với sản phẩm cà phê. Đây là một vấn đề mới mà các nhà quản lý chất lượng của Nestle rất quan tâm. NQCC cho biết, gần đây, sản phẩm cà phê nhân Nestle nhập khẩu từ một số nước có mùi xà phòng. Qua kiểm tra, NQCC phát hiện “mùi xà phòng” là từ bao đay (jute bags) dùng để đựng cà phê xuất khẩu.

Nguyên nhân có thể là do bao bị dính dầu máy hoặc một loại dầu nào đó trong quá trình sản xuất. Theo NQCC, mức độ “xà phòng hóa” chấp nhận được là 1,250mg/kg. Vấn đề “không hóa xà phòng” đang được Nestle quan tâm và xem là một trong những tiêu chuẩn chất lượng mà các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê cần đáp ứng.

Đối với các chỉ số tiêu chuẩn về độ ẩm, tỷ lệ vỡ, tạp chất và sàng hạt do Nestle đưa ra thì tiêu chuẩn của Việt Nam luôn thấp hơn tiêu chuẩn của Nestle và Sàn giao dịch LIFFE. Vì vậy, theo NQCC, nếu bán trực tiếp trên sàn giao dịch thì giá cà phê VN sẽ bị giảm từ 30 đến 60USD/tấn.

Về độ ẩm, NQCC khuyên rằng, để tránh nguy cơ bị loại khi hàng đến kho, các nhà sản xuất cà phê VN nên áp dụng kỹ thuật, công nghệ để giảm độ ẩm xuống dưới 12%, vì trong quá trình vận chuyển độ ẩm có thể tăng lên do ảnh hưởng của thời tiết.

Từ những vấn đề nêu trên, cơ quan thương vụ VN tại Anh nhắc nhở các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê VN cần chú ý phối hợp với các cơ sở sản xuất bao đay xem xét, chủ động phòng ngừa vì rất có thể trong thời gian tới, các nhà nhập khẩu sẽ ấn định vấn đề này là một tiêu chí đánh giá chất lượng không chỉ đối với cà phê mà với cả hàng nông sản thực phẩm đựng trong bao đay.

>> Niên vụ cà phê 2008-2009: Vì sao thất bát?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng