Sáu doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê lớn nhất nước tại tỉnh Đắk Lắk (chiếm 20%) kim ngạch XK cà phê cả nước) vừa gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan “kêu cứu” về quyết định buộc truy thu gần 80 tỉ đồng tiền thuế GTGT đã hoàn từ năm 2012 của Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk.
Ông Lê Hùng Anh – Phó GĐ Cty TNHH Anh Minh, doanh nghiệp tư nhân có kim ngạch xuất khẩu (XK) cà phê lớn nhất Đắk Lắk – cho biết: Năm 2012, Cty XK được khoảng 60.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 120 triệu USD, nhưng từ tháng 6.2013, đến nay sản lượng cà phê xuất khẩu sụt giảm (cả năm XK chỉ còn 43.000 tấn, với kim ngạch khoảng 80 triệu USD) do ảnh hưởng từ việc bị truy thu thuế GTGT đã được hoàn.
Hiện nhiều hợp đồng XK không thể triển khai được do DN bị khấu trừ thuế ngay khi được hoàn nên không có đủ vốn cho hoạt động SXKD. Từ chỗ DN có khoảng 140 lao động làm việc ổn định, nay đã phải sa thải khoảng 30% vì thiếu việc làm.
“Theo thông báo của Cục Thuế Đắk Lắk, thuế GTGT bị buộc truy thu của Cty lên tới 44 tỉ đồng, trong đó, năm 2012 là 23 tỉ và 2013 là khoảng 21 tỉ đồng – ông Lê Hùng Anh cho biết – Điều đáng nói là việc truy thu thuế hoàn toàn không thoả đáng. Chúng tôi không phải là DN trực tiếp mua gom cà phê và sử dụng hoá đơn GTGT không hợp lệ, bất hợp pháp và đưa vào bảng kê hoá đơn hàng hoá, dịch vụ để được khấu trừ thuế”.
Còn theo Cty XNK 2/9 Đắk Lắk, mức bị truy thu tiền hoàn thuế GTGT của Cty khoảng 7 tỉ đồng. Việc bị buộc truy thu chẳng khác nào “quýt làm, cam chịu” – lẽ ra phải đánh vào các DN trực tiếp thu mua, gom hàng là các Cty thương mại kinh doanh cà phê trong nước.
Song, các DN XK cà phê bán cho đối tác nước ngoài đều có hợp đồng kinh tế, biên bản giao hàng, bên bán đã xuất hoá đơn GTGT hợp pháp và việc thanh toán giữa hai bên đã thực hiện qua ngân hàng thì lại bị “đè” ra truy thu. Trong khi, hồ sơ hoàn thuế của các DN XK cà phê là đúng các quy định của pháp luật thuế.
Trên thực tế, sự việc bị truy thu hoàn thuế nêu trên xuất phát từ việc Bộ Tài chính ban hành công văn 7527/BCT-TCT siết lại việc quản lý các DN thành lập với mục đích mua bán hoá đơn GTGT để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của nhà nước.
Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các cục thuế tổ chức phân loại DN rủi ro cao về thuế và tăng cường quản lý thuế đối với các DN này. Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cục thuế tổ chức kiểm tra khi hoàn thuế đối với các trường hợp sử dụng hoá đơn của DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.
Tuy nhiên, đối với các DN XK cà phê, việc kê khai nộp thuế và hoàn thuế GTGT đã được Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, giám sát kỹ và công nhận đủ điều kiện trước khi hoàn thuế (với trường hợp kiểm tra trước, hoàn sau) theo đúng quy định tại Thông tư số 06 thì không có lý do gì lại buộc truy thu do lỗi của các khâu trung gian gây ra.
Việc gian lận thuế ở các khâu trung gian, nếu có thì các DN XK cũng không có trách nhiệm kiểm tra hoạt động của các DN đó và họ hoàn toàn không vi phạm quy định của pháp luật, nên không thể gánh chịu hậu quả thay cho những DN này.
Tưởng sự việc đã được bộ Tài chính giải quyết dứt điểm từ công văn thay thế công văn 7527 rồi chứ. Sao lại còn truy thu của doanh nghiệp xuất khẩu ?
Đây là hậu quả của năm 2013 đây mà.
Có 2 nguyên nhân khiến cho các cơ quan chức năng khó bỏ qua:
Một là biết mua rẻ hơn giá thị trường là đồ gian mà vẫn cứ mua (trong khi nhiều DN vẫn kiên quyết không mua vì cho đó là hình thức kinh doanh bất hợp pháp),
Hai là biết những DN bán cho mình là những DN ma mà vẫn cứ mua (trong khi tình trạng mua cao bán thấp mới chớm xảy ra thì bất kỳ DN nào cũng đều biết nhưng có nhiều DN vẫn cố tình mua rất nhiều lần và với số lượng lớn).
Sự tiếp tay này đã nuôi dưỡng các DN ma khiến họ phát triển rất mạnh và làm suy yếu hoặc làm phá sản không biết bao nhiêu DN làm ăn chân chính.
Cũng đã có lúc nhiều DN làm ăn chân chính bị một số DN làm ăn bất chính cười nhạo và bị chê là thật thà và khờ khạo.
Mặt khác cũng nên xem xét đến trách nhiệm của những người đứng đầu của các cơ quan chức năng liên quan. Trong khi ai cũng biết DN nào là ma và họ cũng biết rất rõ nhưng vẫn là ngơ. Vừa qua nhiều DN có liên quan “đặc biệt” với các DN ma đã bị triệu hồi thẩm vấn song ít tuần sau lại thấy họ nhởn nhơ ở nhà? Bây giờ 90% những DN này đã thay tên đổi họ và an toàn dưới 1 vỏ bọc khác.
Bây giờ mà đòi lại tiền của các DN xuất khẩu này thì cũng vô lý vì thực sự họ vẫn mua bán xuất khẩu cà phê thật, trước khi mua cà phê làm sao họ biết được các DN kia là ma, cứ có hàng thật, hóa đơn tài chính đầy đủ thì họ phải thanh toán thôi chứ đâu biết được đây là hành vi tiếp tay cho tội phạm.
Nhà nước không tóm được DN ma thì phải chịu mất tiền thôi, tiền mất này không phải thu từ ngân sách nhà nước mà thu từ các ông quan chức ấy, các ông này tính toán không kỹ nên, làm việc không chặt chẽ nên bọn tội phạm cao cơ hơn và ẵm tiền của nhà nước một cách ngon làm mà nhà nước chẳng làm gì được.
Nói đúng sự thật thì tất cả các doanh nghiệp đều muốn phát triển và làm ăn nghiêm túc để phát triển. Tuy nhiên một điều đáng nói là việc trốn thuế đã diễn ra với quy mô rộng khắp ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên là do các nguyên nhân sau:
1. Cơ chế chính sách thuế tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp “MA” rút tiền thuế một các hợp lý để vi tẩu.
2. Cơ quan quản lý doanh nghiệp chủ yếu là Sở Kế hoạch đầu tư, cơ quan Thuế các cấp đã làm ngơ để cho các doanh nghiệp “MA” ra đời… hoạt động phủ sóng làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước làm ăn chân chính rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan “kiểu gì cũng chết”. Trốn thuế không ra hóa đơn thì bị phạt nặng mà ra hóa đơn thì phải nhờ vào MA để người mới sống.
3. Các doanh nghiệp MA là nguồn lợi cho nhóm người ở các cơ quan quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế. Vì không lẽ sự tồn tại của các doanh nghiệp MA đã ngang nhiên tồn tại.
Tất cả các nguyên nhân trên đã tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh mà môi trường bóng đen này thì không phải do các doanh nghiệp làm ăn chân chính tạo ra. Vì thế việc truy thu thuế và đổ lỗi cho doanh nghiệp là việc làm tắc trách. Việc đáng trách là phải truy tới cùng ai đã tạo ra môi trường kinh doanh đen tối đó ? Đã lụt thì lút cả làng chứ ? Cơn bão đi qua thì có chừa ai đâu ?
Năm 2013 là cơn bão của ngành cà phê Việt, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài cũng liêu xiêu và bất bình. Một năm kinh hoàng của ngành cà phê và đến bây giờ quân ta lại đang tự giết quân mình. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam cứ phải sống hành xử kiểu này thì chúng ta nên có cái nhìn đáng thương hơn là đáng trách. Vì trong cái ao tù thì chỉ có những con đỉa, cá đòng đong, cân cấn và chúng ăn thịt lẫn nhau thôi… Chứ làm gì có con cá kình nào để vượt sóng ra khơi ?