Chỉ hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Tin kinh doanh nông sản khỏi khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa tạo đột biến. Thị trường cà phê vẫn lừng khừng. Người mua chưa thể mua giá rẻ vì bên bán muốn giá cao hơn.
Gỡ rào cản thuế GTGT
Ghi nhận tích cực đầu năm 2014 của cộng đồng xuất khẩu cà phê là kể từ ngày 1-1 trở đi, mua bán cà phê nhân trên thị trường nội địa sẽ khỏi phải kê khai, nộp thuế GTGT. Tuy một vài địa phương đang còn chờ văn bản hướng dẫn thi hành từ Bộ Tài chính, nhiều nơi khác đã hoàn toàn gỡ bỏ thuế GTGT trong kinh doanh xuất khẩu cà phê nhằm kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn cho ngành cà phê vốn bị một số người lợi dụng luật thuế này để chiếm đoạt tiền hoàn thuế, gây nghi ngờ và ách tắc dòng chảy hàng hóa trong một thời gian dài.
Theo Nghị định 209 của Thủ tướng Chính phủ, hàng nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ đều trong diện khỏi kê khai và nộp thuế GTGT.
Mới đây, nhiều kẻ gian lợi dụng quy định này để mua hàng cà phê của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn có thuế 5% để hợp thức hóa đầu vào lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp, sau cùng bán cho các công ty xuất khẩu để các công ty này được hoàn thuế.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, bỏ thuế GTGT không ảnh hưởng đến số thu của ngân sách nhà nước nhưng sẽ góp phần giảm gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy sản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu do không phải ứng vốn trả thuế đầu vào sau đó kê khai để được khấu trừ, hoàn thuế.
Giá lừng khừng trước Tết
Tết Giáp Ngọ chỉ còn cách phía trước hai tuần. Nhiều người cứ tưởng thuế GTGT được gỡ bỏ sẽ tạo ngay nguồn hàng cà phê dồi dào, vì thường thường nông dân bán mạnh để lấy tiền tiêu mấy ngày lễ.
Song đến nay sức ép bán ra hầu như chưa xảy ra. Trong tuần, có lúc giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên xuống cận mức 33.500 đồng, nhưng ngay lập tức vượt lên lại trên 34.000 đồng vào ngày thứ Sáu 17-1. Sáng nay thứ Bảy 18-1, giá lại quay về mức 33.500 đồng/kg, so với giá cuối tuần trước giảm 1.500 đồng/kg, bấy giờ là 35.000 đồng/kg.
Trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE London, giá nhấp nha nhấp nhổm không xuống sâu và cũng chẳng tăng cao. Nếu như trong nhiều năm trước đây, giai đoạn trước tết, thị trường thường dễ gặp áp lực bán ra làm giá giảm mạnh do hàng thực nước ta chào bán nhiều thì năm nay tình hình có khác.
Thật vậy, hình như thị trường cà phê đang được điều tiết một cách có trật tự. Giá xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ dựa trên mức chênh lệch giữa cảng giao hàng với giá niêm yết của sàn kỳ hạn (differentials) khá vững, trừ 20-25 đô la/tấn trong tuần trước nay chỉ còn quanh mức 10-15 đô la/tấn FOB (giao hàng tại cảng đi).
Sức ép bán ra thường gây nên hiện tượng giá xuất khẩu “trừ lùi hay cộng tới” giảm. Trong trường hợp tuần qua, tuy giá nội địa lúc lên lúc xuống lẫn lộn, giá bán dựa trên mức chênh lệch tăng, nên chưa thể nói có “áp lực bán ra”.
Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London đêm hôm qua 17-1 tức rạng sáng thứ Bảy 18-1 cơ sở tháng 3-2014 chốt mức 1.710 đô la, giảm 25 đô la so với hôm trước và giảm 29 đô la/tấn so với cách đây một tuần (xin xem biểu đồ 1: màu xanh biểu thị giá tháng 3-2014 và màu đỏ tháng 5).
Tuần qua, có tin các hãng rang xay bắt đầu mua hàng thực từ nước ta khi chất lượng cà phê vụ mùa phụ của Indonesia không được tốt do ẩm ướt và sau đợt điều chỉnh vốn các danh mục đầu tư trên các sàn hàng hóa của các quỹ đầu tư.
Chi phí vận tải tăng
Trước đây, mỗi khi cước tàu tăng, chi phí được “cấy” ngay vào giá mua và các nước cung cấp nguyên liệu thường phải gánh chịu. Nay, cước tàu biển tăng, giá xuất khẩu cà phê tính trên chênh lệch vẫn khá yên vì đang quanh mức cao -10/15 đô la/tấn.
Thật vậy, suốt 5 năm liền, giá cước vận tải đường biển ì à ì ạch, đặc biệt có giai đoạn trong năm 2012, cước vận tải đường biển bị dìm xuống sâu. Do cước vận tải rẻ, giá thành nhiều mặt hàng kinh doanh, trong đó có cà phê được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong năm 2013, giá cước đã tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng 11 và 12-2013, ngành công nghiệp thép Trung quốc đã tăng cường mua tồn trữ một lượng nguyên liệu lớn đã thực sự đưa giá cước tàu biển ngoi lên mặt nước. Đợt tăng cước vận tải này có thể kéo dài sang đến quí 1 năm 2014 hay dài hơn. Trong tháng 1-2014, chi phí vận tải biển cho 1 container chứa chừng 20 tấn cà phê nhân từ Tp. HCM đến các cảng chính châu Âu lên mức chừng 1.500 đô la Mỹ, hay chừng 75 đô la/tấn, so với gần đây chỉ chừng 50 đô la/tấn, một nhà môi giới vận tải tàu biển tại TPHCM cho biết.
Song, “đợt này, cước tàu tăng chưa làm giá “trừ lùi” giảm, đó là điều hết sức lý thú đối với mặt hàng cà phê năm nay, dù nhiều người tin nước ta năm nay được mùa…”, một nhà phân tích thị trường nhận định.
Tin cung-cầu
Đứng trước tin nhiều quỹ đầu cơ giảm hứng thú với các sàn hàng hóa và rút tiền đi đầu tư nơi khác, thị trường cà phê và một số nông sản khác đang quay dần về với thực tế cung-cầu. Tuần qua, khi rang xay ra tay mua hàng, giá ngày thứ Năm 17-1 đã tăng lại. Sau đây là một số thông tin cung-cầu quan trọng đối với kinh doanh cà phê hiện nay:
Hiệp hội Cà phê Nhật Bản cho biết đến hết tháng 11-2013, lượng tồn kho nước này đạt 169.764 tấn, giảm 6.499 tấn so với cuối tháng 10-2013 song vẫn cao hơn 45% so với cùng kỳ năm 2012, bấy giờ là 117.275 tấn.
Hiệp hội Cà phê Nhân của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) báo rằng tính đến hết tháng 12-2013 tồn kho cà phê tại Mỹ còn 5.086.718 bao (60 kg x bao), giảm 927 bao so với tháng trước, nhưng cả năm 2013 tăng 350.893 bao (xin xem biểu đồ 2: màu hồng biểu thị số lượng năm 2013, màu đỏ số bình quân của tồn kho 10 năm và màu xanh bình quân của 5 năm). Nếu tính luôn chừng 1 triệu bao đang nằm tại các kho rang xay và đang được trung chuyển, lượng tồn kho ấy có thể đủ để sử dụng trong vòng 13 tuần.
Mỹ và Nhật là hai nước tiêu thụ cà phê lớn của thế giới.
Trong khi đó, Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil, Cecafe báo rằng xuất khẩu tháng 12 Brazil giảm 4,5%, đạt 2,804 triệu bao so với cùng kỳ là 2,935 triệu. Trong đó, arabica giảm 4% đạt 2,423 triệu, robusta tăng 25% đạt 86.583 bao, rang xay tăng 82% đạt 3.825 bao và hòa tan giảm 14% đạt 290.406 bao. Như vậy, toàn năm 2013 Brazil xuất khẩu đạt 31.225 triệu bao, tăng 10% so với cùng kỳ 2012 là 28,333 triệu bao.
Lượng xuất khẩu cà phê Brazil cả năm tăng 10% đạt trên 31 triệu tấn phù hợp với kỳ vọng của nhiều người. Kết quả thực tế này đang gây nghi ngờ cho thị trường khi mới đây một hãng kinh doanh và Bộ Nông nghiệp Brazil nói sản lượng niên vụ tới của nước này sẽ giảm ít hơn dự kiến, chừng 49-51 triệu bao thay vì 57-60 triệu bao như thị trường ước báo.
Giá xuất khẩu giảm chỉ còn 1700$ mà vẫn gọi là quanh mức cao hả tác giả? Vậy thì theo tác giả xuống tới mức nào mới hợp lý?