Xuất khẩu nông sản 2014: Vẫn chưa suôn sẻ!

Năm 2013, phần lớn các sản phẩm nông sản chủ lực của ta đều gặp khó khăn trong XK, nhất là về thị trường, giá cả… Năm 2014 này, được dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng cũng có tín hiệu để hy vọng.

Xuất khẩu nông sản 2014: Vẫn chưa suôn sẻ!
Xuất khẩu nông sản 2014: Vẫn chưa suôn sẻ!

Những ứng viên CLB tỷ USD

Trong những năm qua, XK nông lâm thủy sản đã có nhiều ngành hàng có mặt trong CLB tỷ USD, tức là đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên. Có thể kể ra đây như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, cao su, cà phê, hạt điều và sắn. Trong năm 2014 này, nếu không có những biến động bất ngờ theo hướng xấu, chắc chắn sẽ có thêm 2 ngành hàng nông sản tham gia vào CLB tỷ USD, đó là hạt tiêu và rau quả.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đến hết năm 2013, XK hạt tiêu có thể đạt mức kỷ lục mới là trên 900 triệu USD. Đây là con số thống kê được từ XK chính ngạch. Nếu cộng với giá trị XK tiểu ngạch qua Trung Quốc, tổng giá trị hạt tiêu XK trong năm 2013 đã có thể đạt tới 1 tỷ USD. Nếu so với năm 2012, giá trị XK tiêu năm 2013 đã tăng thêm khoảng 100 triệu USD.

Trong những ngày cuối năm 2013, giá hạt tiêu trong nước đang tăng lên từng ngày và đứng ở mức rất cao. Những mức giá mới tuy không giúp cho nông dân hưởng lợi thêm được nhiều vì phần lớn sản lượng hạt tiêu đã được bán ra từ trước đó, nhưng đây là một cái đà rất tốt cho XK giá hạt tiêu năm 2014.

Còn giá hạt tiêu XK trong tháng 12/2013 cũng đã ở mức trên 7.000 USD/tấn. Giá hạt tiêu đang tăng mạnh có nguyên nhân từ tình trạng cung không đủ so với nhu cầu của thế giới. Bên cạnh đó, còn có việc nông dân sản xuất tiêu ngày càng làm tốt hơn trong việc chủ động trữ sản phẩm, chờ khi giá tốt mới bán. Những yếu tố đó đã góp phần quan trọng trong việc phá vỡ cái quy luật cứ 10 năm giá lên lại có 1 năm giá xuống mạnh, bởi đã 7 năm nay, giá tiêu liên tục ở mức cao.

Ngay cả trong năm 2013, khi những nhận định hồi đầu năm của các chuyên gia đều thống nhất rằng giá tiêu sẽ giảm nhiều, và nhất là khi sản lượng tiêu Việt Nam tiếp tục gia tăng, nhưng giá tiêu vẫn giữ ở mức cao và tăng mạnh trong tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, ông Đỗ Hà Nam khẳng định, XK hạt tiêu chính ngạch trong năm 2014 hoàn toàn có thể lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD.

Một ngành hàng cũng đầy triển vọng tham gia vào CLB tỷ USD là rau quả. Đến hết tháng 10/2013, kim ngạch XK rau quả cả nước đã đạt 877,302 triệu USD, cao hơn cùng kỳ năm 2012 tới 27,8%. Từ tháng 8 đến tháng 10/2013, kim ngạch XK rau quả bị giảm dần qua từng tháng.

Nhưng trong tháng 10/2013, kim ngạch XK rau quả vẫn đạt mức trên 62 triệu USD. Bởi vậy, nếu trong tháng 11 và tháng 12, nếu kim ngạch XK rau quả tiếp tục giảm nhẹ, thì giá trị XK rau quả trong cả năm 2013 vẫn có thể ở mức xấp xỉ 1 tỷ USD. Do đó, nếu giữ được mức tăng trưởng như trong những năm qua, chắc chắn trong năm 2014, kim ngạch XK rau quả sẽ vượt qua mốc 1 tỷ USD.

Trong khi hạt tiêu và rau quả sẵn sàng vào CLB tỷ USD, thì XK điều 2014 hoàn toàn có thể chạm mốc 2 tỷ USD. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết, trong năm 2013, dự báo XK điều và các sản phẩm chế biến sâu từ điều (dầu vỏ hạt điều, nhân điều rang muối, bánh kẹo điều…) đạt khoảng 1,8 tỷ USD.

Trong năm 2014, nếu đẩy mạnh được chế biến sâu và giá điều XK tốt hơn 2013, giá trị XK điều có thể lên hơn 2 tỷ USD. Điều đáng mừng là các DN điều đang ngày càng đầu tư nhiều hơn vào chế biến sâu. Còn về giá điều XK, đáng mừng là giá XK sang Trung Quốc liên tục tăng. Khách hàng Trung Quốc đẩy mạnh mua nhân điều phục vụ cho lễ Tết. Giá nhân điều W320 trắng, đẹp, loại 1 được họ mua với mức 7,3 – 7,5 USD/kg, loại thường 7,2 – 7,35 USD/kg.

Với ngành gỗ, dự tính kim ngạch XK năm 2013 vượt qua mốc 5 tỷ USD và có thể đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Với đà tăng trưởng liên tục giữ ở mức 2 con số trong mấy năm qua, khả năng ngành gỗ chạm mốc 6 tỷ USD trong năm 2014 là hoàn toàn có thể.

Điều tiết cà phê để giữ giá

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết, trên các kênh thông tin, tuyên truyền, lượng cà phê hàng hóa đang dư thừa rất lớn. Đặc biệt sản lượng cà phê Arabica lớn từ Brazil và các nước Nam Mỹ đang và sẽ ảnh hưởng tới cà phê Robusta của Việt Nam.

Cũng theo các kênh thông tin, tuyên truyền, sản lượng Robusta của Việt Nam tăng cao so với niên vụ trước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả ngành hàng. Chính vì cho rằng sản lượng lớn, nên các công ty nước ngoài chỉ mua đến đâu dùng đến đó, cho nên thị trường cà phê cuối 2013 vẫn đang ở tình trạng cung nhiều hơn cầu. Điều này dễ dần tới tình trạng ép giá cà phê mà nông dân bán ra.

Tuy nhiên, từ 3 năm nay, nông dân trồng cà phê đã tham gia vào việc điều tiết thị trường. Khi giá thị trường xuống, nông dân hạn chế bán ra. Lúc giá tăng mới đẩy mạnh việc bán sản phẩm. Nhờ đó, giá cà phê tương đối ổn định.

Năm 2013, giá cà phê đi xuống rất nhanh, nhưng những tháng cuối năm, có một thời gian dài bà con nông dân gần như không bán ra, nên giá đã lên trở lại. Nhiều DN XK dù đã ký được đơn hàng XK cà phê nhưng đang rất khó mua được cà phê, nên phải nâng giá thu mua lên. Các công ty nước ngoài vì thế cũng đã cảm thấy lo lắng. Nếu họ đẩy mạnh mua vào, thị trường sẽ ổn định hơn.

Ông Nam dự báo từ cuối 2013 đến trước Tết Giáp Ngọ, thị trường cà phê sẽ tương đối vững và ổn định đối với nông dân. Tuy nhiên, việc nông dân Việt Nam tạm trữ cà phê khi giá xuống cũng từng bị một số khách hàng quốc tế cảnh báo rằng sẽ tạo ra lượng hàng tồn kho lớn. Nếu giá bị sụt mạnh, nông dân sẽ bị thiệt hại lớn nhất.

Nhưng ông Nam cho rằng hoàn toàn không phải như vậy, vì khi giá lên, nông dân phải tranh thủ bán ra. Còn khi giá xuống, nông dân giữ cà phê lại, trong khi nhà NK vẫn bắt buộc phải mua một lượng hàng nhất định để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cả hai bên cùng điều tiết thì thị trường cà phê sẽ ổn định hơn…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng