Ban điều phối ngành hàng cà phê: Nguy cơ bị “người ngoài”… thao túng

Khi Bộ NN và PTNT công bố Ban điều phối ngành hàng Cà phê VN tới các DN sản xuất, kinh doanh cà phê thì nhiều DN… ngã ngửa. Thậm chí, nhiều DN còn cho rằng, nguy cơ thao túng của các DN ngoại đang thật sự hiển hiện.

>> Thành lập Ban điều phối ngành hàng cà phê

Được thành lập theo Quyết định số 1729/QĐ-BNN-TCCB ngày 30/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNN-PTNN), sau khoảng 4 tháng, Ban điều phối ngành hàng Cà phê VN với danh sách các thành viên mới chính thức được thông báo tới các DN sản xuất, kinh doanh cà phê.

Cà phê Việt Nam

… ém thông tin ?

Nhiệm vụ của Ban điều phối là tham mưu, tư vấn chiến lược cho Bộ NN-PTNN về ngành hàng cà phê trong tầm nhìn quy hoạch phát triển ngành ngắn lẫn dài hạn.

Để có thể đảm đương được nhiệm vụ như vậy, Ban điều phối trước hết phải là những có người có chuyên môn, có liên quan đến ngành hàng cà phê (ở góc độ nghiên cứu, hoạch định chính sách hoặc trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh).

12 thành viên trong Ban điều phối đang có vẻ là 12 nhân vật đáp ứng được tiêu chuẩn “chuyên môn” hay “có liên quan đến ngành hàng”. Nhưng vấn đề đáng nói, 12 thành viên theo Quyết định này, với những nhiệm vụ đã nêu, chỉ được công khai rộng rãi tới những người có chuyên môn và liên quan mật thiết với ngành hàng… – những DN làm cà phê “thứ thiệt” – theo cách: các DN chỉ có quyền duy nhất là chấp thuận.

Một DN kinh doanh cà phê lâu năm, từ Cty nhà nước nay chuyển sang cổ phần gần như ứa nước mắt: “Bộ (NN-PTNN) không hề hỏi hay “trưng cầu” – lấy ý kiến dự thảo để quyết định. Và Bộ hình như cũng… dấu nhẹm thông tin. Chúng tôi chỉ được đọc tóm tắt trên một vài phương tiện truyền thông rải rác thời gian qua. Nội dung, chi tiết cụ thể của QĐ theo đó chỉ mới được công bố trong họp các DN cà phê tháng 11/2013. Như một chuyện đã rồi”… mà không cần phải có

Ngành trọng yếu hở sườn

Nếu so sánh các loại hàng hóa cao cấp và “hot” trên thị trường quốc tế hiện nay, cà phê là loại hàng hóa “bậc cao”– chỉ đứng sau dầu mỏ. Cà phê hiện đang có mỗi ngày 2 phiên giao dịch quốc tế tại New York và London. Các loại sản phẩm phái sinh cà phê trên sàn hàng hóa cũng đã đạt đến mức “tinh vi” thượng thừa. Bản thân thị trường cà phê VN, với khối lượng cung ứng Robusta lớn nhất trên, cũng đang ở trong vòng quay giao dịch này, không phân tách.

Không chỉ là một loại hàng hóa đặc biệt, tại VN, theo nhiều DN, cà phê cũng nên được xem là ngành hàng quan trọng, thậm chí là trọng yếu. Vì tuy chỉ đóng góp cho tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu quốc gia khoảng 3 tỉ USD (ước niên vụ 2012-2013, nguồn: VICOFA), nhưng cà phê lại liên quan đến hơn 300.000 hộ nông dân trực tiếp trồng với trên 600.000 lao động, tương đương 2,93% lực lượng lao động trong nông nghiệp và bằng 1,83% lực lượng lao động của cả nước, chưa kể khối lao động ở các khâu thu mua, các cấp đại lí, nhà máy chế biến với các tiêu chuẩn quốc tế UTZ, 4C và chế biến thô, lẫn khối lao động logistic kho vận đến tiếp thị, marketing và các nhà đóng gói bao bì, phân phối xuất khẩu, rang xay… Điều đáng nói là phần lớn lực lượng lao động trực tiếp hiện đang tập trung ở Tây Nguyên, khu vực “nhạy cảm” về chính trị – xã hội – tôn giáo mà trong những năm qua, nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, các hộ gia đình nông dân, lao động trong ngành hàng cà phê trên địa bàn vẫn yên tâm sản xuất và được đảm bảo đời sống, an sinh xã hội.

Với mối tương quan đặc biệt của ngành hàng với các vấn đề địa lí, nhân lực lao động, kinh tế xã hội như vậy, câu hỏi mà các DN trong nước đặt ra là: Tại sao Bộ NN-PTNT lại đồng thuận cho DN nước ngoài tham gia Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt?

Hệ lụy tương lai…

Từ câu hỏi đó, nhiều DN đã đặt ra các vấn đề: Phải chăng, Ban điều phối ngành cà phê Việt cần có DN ngoại là do DN nội, người nông dân nội địa và các Hiệp hội hiện không đủ đảm bảo là những nhân tài, có năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn và tham mưu tốt nhất cho ngành hàng? – Nên nhớ trình độ thâm canh, xuất khẩu ngành cà phê của VN hiện tại, tuy chưa đạt mức cao về giá trị gia tăng nhưng đã đạt sản lượng vượt qua cả Brasil và một số nước phát triển về cà phê như Indonesia hay Châu Phi (đạt 1,5 tấn/ ha so với lần lượt 1,2 tấn/ ha, 800kg/ha và 600kg/ha và chiếm 60% Robusta trên toàn thế giới).

Hay phải chăng, sự hiện diện của các DN nước ngoài trong ban điều phối sẽ “đỡ hộ” Bộ một số nhiệm vụ như trong quyết định? Chẳng nhẽ VN không đủ tự tin ở khâu làm xúc tiến thương mại và đặc biệt có tiếng nói thương thảo khi tham gia Tổ chức cà phê thế giới? – Theo nguồn tin riêng của DĐDN 2 vị đại diện DN nước ngoài trong Ban hiện tại, đang là đối tác công – tư của Bộ, trực thuộc 2 văn phòng đại diện của 2 tập đoàn xuất khẩu cà phê đa quốc gia. Tất nhiên, nói đi cũng nói lại, ở góc độ hội nhập, tư duy chào đón nhà đầu tư ngoại như nhà đầu tư trong nước không phân biệt, là cần thiết. Nhưng điều đó có phải đồng nghĩa với việc công bố hết các… bí mật kinh doanh, các chính sách điều phối một ngành hàng? Trong khi thông tin, chính sách đó lại có ý nghĩa quan trọng và có thể quyết định giá cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, từ đó tác động ngược lại quyết định thu nhập của các hộ nông dân? Hay, quyết định này được đưa ra là còn vì điều gì khác?

Nhìn sang ngành tiêu cách đây khoảng 10 năm, có ít nhất 20 văn phòng đại diện DN nước ngoài lớn tại VN. Sau một thời gian Hiệp hội Hồ tiêu nỗ lực điều hành theo hướng liên kết chặt chẽ với người cung ứng tại gốc và liên kết giữa các DN trong ngành, hồ tiêu Việt đã được nâng tầm ở một vị thế mới: Điều khiển giá tiêu thế giới bằng sức mạnh nguồn cung, thay cho ngược lại. Chúng ta rõ ràng rất đang chưa làm được điều đó đối với ngành cà phê, nhất là khi sự liên kết để hoạch định ngành hàng đang bị nỗi lo nhà đầu tư ngoại “thao túng” và “lobby chính sách” bao trùm. Thực tế, nỗi lo này càng có cơ sở khi trong những năm qua, hàng loạt DN ngoại đã tiến hành “thâu tóm” thị trường thu mua cà phê Việt. Thế nhưng khi các cuộc khủng hoảng cà phê năm 2005, 2009 và cả năm 2013 mới đây xảy ra, các DN cà phê ngoại đã ở đâu khi Chính phủ phải chi ngân sách tiền tỉ để hỗ trợ thu mua tạm trữ nhằm cứu ngành cà phê, cứu hàng trăm ngàn hộ nông dân khỏi bờ vực phá sản ?

Thay lời kết

Tại sao Bộ NN -PTNT lại đồng thuận cho DN nước ngoài tham gia Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt?

Trong kinh doanh, mọi sự hợp tác và thu hút đầu tư thường được đặt trên mục tiêu 2 bên cùng thắng. Một bên là các nhà đầu tư thu mua cà phê và hạch toán lợi nhuận để chuyển về cho Cty mẹ quốc tế (nghi án Nestle điển hình), một bên là những DN đóng thuế cho quốc gia và những người nông dân Việt, chọn sự bắt tay nào để tránh xung đột lợi ích, đảm bảo được sự phát triển của cà phê Việt; quan trọng nhất, đảm bảo cho hình ảnh và chiến lược của một ngành hàng gắn liền thương hiệu quốc gia, hẳn Bộ NN-PTNN cần sự cân nhắc nhiều hơn cho những quyết định.

Hội nhập, suy cho cùng cũng chỉ là để giúp DN và nền kinh tế tìm kiếm, nắm bắt tốt hơn những cơ hội kinh doanh. Đã hội nhập thì không còn xu thế bảo hộ. Song “bảo hộ bí mật kinh doanh” trong thế giới phẳng lại cũng là điều cần thiết căn bản để vượt lên của bất kì nền kinh tế nào. Nông dân và DN Việt ít nhất có quyền đòi hỏi được tôn trọng những đặc quyền kinh doanh thiết yếu đó, trong ngành hàng cà phê đặc thù!

Ông Đỗ Hà Nam – P. Chủ tịch VICOFA, Chủ tịch HĐQT CTCP Intimex:

Sự hiện diện của các DN ngoại trong ngành hàng cà phê sẽ mang đến những tác động 2 mặt. Các DN ngoại có thể kiểm soát và hỗ trợ yêu cầu nâng cao chất lượng hàng hóa cà phê VN. Nhưng mặt khác một khi đã đầu tư sâu, tiếp cận trực tiếp với nông dân và thu mua với khối lượng lớn, quay trở lại, ở vai trò người nắm nguồn cung, họ có thể ép giá nông dân. Nhiều DN đã chết vì điều đó và điều đó cũng đã từng diễn ra với cả ngành tiêu, điều…

Ông Võ Văn Quang -Chuyên gia Thương hiệu:

Theo quan điểm hội nhập, chúng ta sẽ phải chấp nhận có sự hiện diện của các DN ngoại ở một số các Ủy ban điều phối. Nhưng với ngành cà phê và với nhiều lĩnh vực quan trọng khác, phải đảm bảo làm sao để sự hiện diện này không trở thành sức mạnh giúp các DN ngoại “lobby” chính sách. Câu chuyện các DN ngoại đi thâu tóm DN nội, và thâu tóm cả thị trường cà phê Việt đã rất nhạy cảm. Để các DN ngoại có cơ hội can thiệp thị trường bằng tham mưu chính sách, vì vậy càng là chuyện nên cân nhắc. Trước khi ra quyết định, các nhà hoạch định chính sách nên lấy ý kiến thị trường, và bổ sung các thành phần chuyên môn/ đại diện cho một chuỗi cung ứng hoàn thiện.

Nhiệm vụ Ban Điều phối:

Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ NN-PTNN về chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển ngành hàng cà phê VN theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường.

Thứ hai, giúp Bộ trưởng chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển ngành hàng cà phê, quy hoạch phát triển bền vững ngành cà phê cả nước theo Quyết định số 1987/QĐ/BNN-TT ngày 21/8/2012 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành cà phê VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ ba, tham mưu, đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động và nguồn lực của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu thụ và kinh doanh cà phê theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, cung cấp, chia sẻ thông tin, xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác công – tư và nâng cao năng lực cho các đối tác trong ngành cà phê theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, Tham gia Tổ chức Cà phê Thế giới theo phân công của Bộ trưởng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông Cà

    Rốt cuộc chỉ có nông dân trồng cà phê là thiệt thòi nhất!
    80% lợi nhuận từ hạt cà phê rơi vào túi hệ thống phân phối, còn nông dân làm ra sản phẩm trực tiếp chỉ hưởng được 20%. Cuộc chơi không cân sức!

  2. ho nam

    Mới có 2 nước ngoài người trong tổng số 12 người của ban mà sợ này nọ rồi! Trước đến nay chỉ có người của mình mà kế hoạch điều phối làm tốt thì mắc mớ chi Bộ phải để người ngoài vào?

    Hãy xem chiến lược phát triển ngành cà phê mấy năm gần đây:
    -Diện tích tăng không kiểm soát được, vấn đề tái canh hay chuyển đổi số diện tích cà phê già cỗi cho là nan giải tốn kém thì đưa lên đặt xuống rồi lãng quên !
    -Sản lượng cao nhưng giá trị gia tăng thì ít hơn nhiều so với các nước có cùng mặt hàng nên người trồng cà phê vẫn thua lỗ nhiều !
    -Nạn mua bán trốn thuế gây thất thoát ngân sách đâu phải là ít !
    -Vấn đề giao khoán sản phẩm tại các công ty một thành viên và các nông trường thuộc vốn nhà nước làm người lao động bức xúc dẫn tới kiện cáo đông người kéo dài ở một số nơi v.v…
    Với việc Bộ thành lập ban điều phối lần này có sự đổi mới mang tính hội nhập, người trồng cà phê hy vọng hạt cà phê mình làm ra sẽ mang lại cho mình gần hơn với giá trị thực của nó !

  3. Hienle

    Tôi thấy lâu nay nông dân chúng ta vẩn phải tự tìm đường đi cho mình. Doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước vẩn đang bận tranh mua tranh bán, mấy chục năm nay vẩn mua hàng theo kiểu cách nay hàng thế kỷ. Việc có sự tham gia của doanh nghiệp ngoại vào cái ban điều phối ngành cà phê chắc cũng chẳng ảnh hưởng gì vì lâu nay chúng ta vẩn bị đầu cơ ép giá đó thôi.

  4. thaihy

    Chấp nhận sự thay đổi mới tiến bộ được các bạn ạ, hãy nhìn vào mặt tích cực (mà thật ra doanh nghiệp kinh doanh cape trong nước có làm gì đâu ngoài ép dân). Theo tôi là tớ thằng khôn còn hơn thầy thằng dại… sợ hãi không làm được gì hãy chập nhận cuộc chơi.

  5. nguyễn tấn lộc

    Theo tôi cần có ông ngoại trong ban điều phối là đúng. Vì nội, ngoại hợp lại đưa ra những chủ trương sẽ hoàn thiện hơn. Các bạn thấy có ngành 1 mình ông nội dẫn dắt có ra hồn đâu.

  6. lambaoloc

    Cứ nói người nước ngoài thao túng, nhưng thực tế nông dân chúng tôi thấy DN trong nước ép dân dấy chứ. Cơ chế mua bán thì rườm rà, Dn trong nước thì yếu kém về quản lý cứ ngồi đó mà đổi lỗi cho họ. Chẳng lẽ mình là số 1 mà không thao túng được họ à, chứng tỏ chúng ta yếu kém.

  7. hoang thang

    Tôi chưa thấy doanh nghiệp ngoại nào chi phối rõ rệt nhưng có một thực tế là giá caphe bị chi phối do áp lực của sự bán khống trên sàn kỳ hạn là rõ nhất. Mỗi khi có thông tin bất lợi là các DN tại Việt Nam bán khống vì không biết có bao nhiêu là ông DN nội và bao nhiêu DN ngoại làm chuyện này và hậu quả là nông dân chúng tôi lãnh đủ. Chừng nào ban điều phối kiểm soát được chuyện này ít ra ban cũng có thống kê và công bố công khai hàng ngày tên tuổi các doanh nghiệp bán khống, như vậy chúng tôi may ra còn chút niểm tin. Tôi không cho sự bán khống là vô nghĩa nhưng bán khống theo lợi ích riêng mình, không có kế hoạch chung thì hậu quả ai cũng biết Vì Ban điều phối hôm nay hình thành thì cũng có lẽ như hơn 10 năm trước hình thành tập đoàn Cafe Việt Nam mà thôi không có gì đáng tin cậy. Còn hỗ trợ cho nông dân thì quá dễ quan trọng là sự hỗ trợ của nhà nước có đến tận nông dân không? Cứ để chúng tôi đóng một loại thuế nào đó, VD thuế VAT 5% hiện nay thay cho doanh nghiệp hoặc căn cứ vào các hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp có sự công chứng của các cơ quan thẩm quyền để căn cứ vào đó để có cơ sở hỗ trợ đến từng nông dân. Ai không phát sinh thuế thì người đó không có cafe để bán, nhưng phải có luật rõ ràng chứ không thì chẳng vào đâu cả. Nếu nông dân đươc hỗ trợ thì các DN sẽ chùn tay bán khống.

  8. Trongnho

    Bất cứ món hàng nào mà lên sàn giao dich rồi, thì phải chấp nhận không riêng gì cà phê, giá cao thì ta lời, gía thấp thì ta lổ, không kể DN ngoại hay nội, ông nào cũng đi buôn cả, chỉ khác là ông ngoại xài đôla có giá hơn ông nội xài Vnđ.
    Tại sao vàng bán ở Việt Nam lại cao hơn giá quốc tế, (nếu VN ta tính cứ có tiền triệu thì được gọi là triệụ phú thì dân VN CÓ đến 80 triệu dân là triệu phú) vì 1710 đôla/1tấn cà nhân qui ra tiên Vnd =36.000.900 Vnđ.
    Nên mấy ông ngoại so sánh nên mua để bán. Tây bây giờ khôg phải như tây hồi xưa đâu (thời bây giờ khôg lừa ai được đâu bà con, khôg khéo họ lại lưa mìh). Đừg tưởng Dn nước ngoài mua giá cao mà đổ lỗi cho Dn nội này nọ…

  9. Mưa tây nguyên

    Nông dân có cà phê nói sao cũng được, cứ đổ tội lung tung. Chúng ta không nhớ năm 2011, DNNN vào mua cà giá cao vào thời điểm tháng 6 tháng 7, giá có lúc lên đến 51 đến 52 ngàn đồg/1kg nhân DN nội cũng phải mua, dân ta thì mừng bán cho họ, đến khi chính phủ không cho DNNN vào mua cà phê, thì dân ta đổ thừa DN nội mua giá thấp … Đúng vậy không các bạn…

  10. buon

    Không đúng rồi. Em thấy doanh nghiệp mà thua lỗ thì mua làm gì? chả có doanh nghiệp nào dại vậy cả đâu, có lời mới mua chứ. Đợt cà phê tăng cao nhất năm nay đó có doanh nghiệp nào mua được giá cao nhất đâu. Lúc mua còn chặt chém nông dân về độ ẩm cà phê, cà phê không sạch… cứ cân 1 bao là trừ 200gram (trừ bì trong lúc bì chưa tới 20gr quá). Chưa biết được nhiều DN về còn trộn vỏ cafe vào nữa kia, lúc xuất kho đấy. Em thấy nông dân làm cả đời mới xây được cái nhà nho nhỏ, mua con xe máy, còn doanh nghiệp 2,3 mùa cà là thấy lên ô tô rồi…

  11. nguyễn tấn lộc

    Nông dân trồng cà phê như chúng ta đã đến lúc phải bầu “Hội những người trồng cà fê” rồi các bạn.

  12. hoang thang

    Nông dân chúng ta rất kém so với những nông dân ớ các nước phát triển là không đoàn kết nên chưa có những hiệp hội hay HTX để chuyên lo dịch vụ chẳng hạn như bán ở đâu, bán cho ai, bán khi nào… nếu mình làm được như thế thì chăng DN nào ép được chúng ta cả! Nhưng do những hậu quả của LS để lại nên nói đến làm ăn kiểu này thì khi nói đến ai cũng sởn da gà

  13. huu son

    Trình độ năng lực của cán bộ trong nước còn quá kém so với nước ngoài, người được đào tạo thì không được nhà nước sử dụng, đụng đến đâu thì đào tạo đến đó, cán bộ thú y thì làm bảo vệ thực vật, cán bộ nông nghiệp thì làm công tác đoàn thanh niên, vì vậy cán bộ ta quá đa hệ. Việc hỗ trợ cho nông dân trồng cà phê thay thế nhưng vườn cây già cỗi, nhà nước hỗ trợ như thế nào bằng hành động cụ thể. Chúng tôi là những người trồng cà phê nhưng chẳng thấy nhà nước hỗ trợ gì cà.

Tin đã đăng