Liên minh giữa doanh nghiệp và nông dân cà phê

Hiệp hội Cà phê, Ca cao vừa có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước về việc kiến nghị xây dựng cơ chế quản lý, hỗ trợ lãi suất ưu đãi, bỏ thuế GTGT với cà phê… nhằm hỗ trợ ngành cà phê phát triển bền vững. Tuy vậy, khi trao đổi với DĐDN, chuyên gia cà phê cao cấp Đoàn Triệu Nhạn cho rằng, ngoài những vấn đề nêu trên, ngành cà phê VN cần phải tổ chức lại bài bản, đẩy mạnh liên minh DN – nông dân, thì mới có thể cạnh tranh được với cà phê thế giới.

Ông Nhạn cho biết, đây không phải là lần đầu tiên ngành Cà phê đề nghị hỗ trợ lãi suất, mà trước đây khi ông còn làm tại TCty Cà phê VN, ông đã xin hỗ trợ lãi suất để giữ cà phê.

“Sau đó bị lỗ,  bởi vì đâu phải cứ có tiền là giữ cà phê được! Tôi nghĩ rằng đầu tư  công cụ sản xuất cho nông dân là tốt nhất, ví dụ với lúa, gạo, mua ngay cho nông dân máy sấy rất là tốt, hợp lý. Giữ cà phê phải là một số DN XK lớn có vốn làm ký gửi cho nông dân, còn nông dân, nếu có tiền để họ làm sân phơi hay sấy là tốt nhất. Tôi cho đầu tư vào cái đó là chúng ta đã  trao “cần câu” cho nông dân.” – Ông Nhạn chia sẻ.

– Theo ông, nếu các bộ đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội Cà phê Ca cao  thì có giải quyết được căn nguyên việc cà phê của VN luôn bị ép giá trên thị trường không ?

Tôi nghĩ là cũng có thể, nhưng rất khó, bởi theo kinh nghiệm làm việc lâu năm của tôi nếu kiến nghị này được duyệt thì cũng khó triển khai. Bởi lẽ, nếu DN vay để cho nông dân ký gửi cà phê thì DN rất “sướng” vì DN luôn cần vốn, nhưng không biết họ sẽ xử lý đồng vốn đó như thế nào.

Vì vậy, theo tôi, việc đầu tiên là phải tổ chức sản xuất cho nông dân, nếu cứ để nông dân làm ăn manh mún như hiện nay sẽ khó cho ngành cà phê. Thực ra, chúng ta không thể trách được người trồng cà phê, vì họ không có điều kiện tiếp cận thông tin và xử lý thông tin, thiếu vốn… thậm chí còn phụ thuộc vào tư thương. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần tổ chức lại ngành cà phê.

Tôi cho rằng, chúng ta nên tổ chức theo kiểu HTX, hay CLB là tốt nhất. Hiện nay như lĩnh vực thủy sản họ tổ chức rất tốt, tổ chức liên minh giữa DN và nông dân hay nhóm HTX là tốt nhất. Lúc này rót tiền vào thì sẽ rất hiệu quả. Thế giới, người ta thường tổ chức liên minh giữa người trồng và XK cà phê, chẳng hạn Colombia, Brazil…

– Còn việc bỏ thuế GTGT với ngành cà phê thì sao, thưa ông ?

Thuế GTGT khi thu hồi lại liên quan tới doanh số của tỉnh. Chính vì vậy mà theo tôi nghĩ, nhiều địa phương chưa chắc đã đồng tình với phương án này.

Còn phía DN, hiện nay 95% cà phê để XK, theo Luật thuế XK các DN được thoái thu GTGT đã nộp khi mua hàng. Tức là trên thực tế Nhà nước không thu, nếu đúng DN thu mua cà phê không phải tiêu thụ trong nước mà để XK thì  được nhận lại tiền GTGT. Tuy nhiên, trình tự lại phải nộp khi mua hàng của nông dân và được thoái thu khi XK, gây thủ tục phiền hà cho DN. “Chờ được vạ thì má đã sưng” nên cũng khó.

– Vậy theo ông, về lâu về dài ngành Cà phê VN cần phải làm gì để làm chủ thị trường khi cà phê VN vẫn được đánh giá nhất, nhì thế giới ?

Thực ra nói chúng ta thứ nhất, thứ nhì thế giới mới chỉ đúng một phần. Chúng ta đứng thứ nhất,  thứ nhì là cà phê vối (Coffea robusta) còn thế giới đa số là uống cà phê chè (Coffea arabica), trong khi mình XK cà phê vối, mà chất lượng cũng chưa phải là tốt.

Colombia mới được coi là nước XK cà phê chè nhiều nhất thế giới. Đơn cử, niên vụ 2008 họ mất mùa, ngành cà phê thế giới đã gặp chao đảo trên thị trường. Theo tôi, chúng ta XK và phát triển cà phê vối là đúng, vì chúng ta có khí hậu nóng, ẩm. Vả lại chất đất của ta cũng chỉ phù hợp với cà phê vối, nếu cà phê chè phải trồng trên độ cao 1.000 – 1.500 m, trong khi ở ta chỉ trồng được ở độ cao 500 – 700 m nên phát triển cà phê vối là đúng.

Cà phê vối VN thơm, ngon, nhưng nếu ta sản xuất, chế biến thật tốt, thì có thể bán giá cao hơn. Ý tôi muốn nói là điều kiện phát triển ngành cà phê ở ta là có, nhưng cần phải đi đúng hướng. Hiện nay chúng ta đứng thứ nhì nhưng mới về lượng, còn về chất ta chưa “xứng đáng ngôi nhì”. Ta hoàn toàn có thể đưa cà phê vối của ta lên mức hảo hạng với việc thay đổi cách trồng và chế biến mặt hàng XK chủ lực này.

– Thế còn về phía DN thì cần phải phát triển, định hướng ra sao, thưa ông ?

Tôi thấy, DN cà phê của ta đi sau nhưng chúng ta đi “nhanh quá”! Trong khi đó các nhà sản xuất kinh doanh cà phê thế giới họ có rất nhiều thủ thuật để chiếm lĩnh thị trường. Nên nhớ rằng, không phải đứng thứ nhì về lượng là có thể làm khuynh đảo thị trường được.

Giờ đây, theo tôi các DN cần phải tìm mọi cách để làm sao nâng cao hơn nữa chất lượng cà phê thì mới giải quyết được vấn đề.

Chúng ta phải quan tâm hơn nữa tới người trồng cà phê, đã tới lúc phải bàn tới việc trồng cà phê như thế nào để nâng cao chất lượng. Hiện chúng ta cũng chưa có tổ chức nào đại diện tiếng nói của những người trồng cà phê. Chúng ta cần tổ chức liên minh giữa DN với nông dân. Sở dĩ, Brazil có ngành cà phê phát triển ngoài việc có hơn 250 năm lịch sử phát triển cà phê, họ còn có tổ chức, liên minh rất tốt giữa DN và người nông dân, họ tổ chức các HTX rất tốt và hiệu quả. Đây là điều chúng ta nên tham khảo.

Một điều nữa tôi muốn nói, đó là hiện nay, tính đoàn kết của DN ta còn yếu nên cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành Cà phê.

– Xin cảm ơn ông !

Theo DĐDN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. baibang

    Đã có hướng đi vào gốc rễ của vấn đề . Đúng như Ông Nhạn nói các doanh nghiệp xuất khẩu của ta từ lớn đến bé chỉ nhăm nhăm hớt đằng ngọn của nông dân làm cà phê .Từ sản phẩm ,vốn liếng , giá cả , đến mọi nguồn hỗ trợ từ nhà nước cho nông dân thông qua các doanh nghiệp .Phải tạo ra giống tốt , năng suất cao và ổn định , phẩm chất tốt rồi mới nói đến cạnh tranh , giá cả ,doanh thu thị phần ,thương hiệu . . . Không gì tốt hơn là phải tạo ” có” đã rồi mới ” rao” bán .Nhớ lại khi cà phê năm 2002 ở mức giá trên 6.000 đồng / kg .Nhà nước tung tiền ra cho các doanh nghiệp mua trữ .Kế hoạch đúng nhưng thiếu hơi . . . nên nhà nước lỗ – còn doanh nghiệp thì ??? .Cạnh tranh ,với chúng ta chỉ bằng con đường năng suất ( sản lượng ), chất lượng . . .là thế mạnh đầu tiên .Còn các mặt khác chúng ta ý tưởng có thể hơn các nước khác song không đủ hơi và lực lại bị chèn ép thêm , Muốn vậy các nhà quản lí hãy đầu tư đồng bộ ,trực tiếp cho nông dân thông qua các đại diện của họ .( Chứ thông qua các doanh nghiệp lại bị chặt đầu chặt đuôi ,mất cả dày cả tất ) .

Tin đã đăng