Dự báo nhu cầu lốp xe thay thế sẽ gia tăng trong 4 năm tới, đặc biệt ở những thị trường mới nổi, giúp tiêu thụ cao su tăng ổn định.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo – giá tham chiếu toàn cầu – phiên giao dịch 9/12 đã tăng lên mức cao chưa từng thấy trong vòng hơn 2 tháng, 281,1 Yen/kg (2.728 USD/tấn) sau khi Trung Quốc công bố nhập khẩu tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng vừa qua, cho thấy nhu cầu gia tăng từ nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới. Giá tại thị trường giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng vọt lên mức 19.830 Nhân dân tệ (3.265 USD)/tấn.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu cao su thiên nhiên vào thị trường này tháng 11/2013 tăng lên 279 tấn, tăng 42 % so với tháng 10/2013 và tăng 25 % so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng nhập khẩu tính chung trong 11 tháng đầu năm tăng 8,2 % đạt 2,13 triệu tấn.
Số liệu từ Trung Quốc cũng cho thấy sản xuất ở nước này tháng 11 tăng trưởng cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích, cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế này khá bền vững trong bối cảnh Chính phủ nỗ lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng.
Theo công bố của Hiệp hội Thống kê và Hậu cần – Thu mua Trung Quốc, chỉ số Quản lý Sức mua (PMI) nước này tháng 11 là 51,4, vượt xa dự báo của giới phân tích. Đặc biệt, tiêu thụ ô tô của Trung Quốc tháng 11 tăng lên mức 1,61 triệu chiếc, theo số liệu của Hiệp hội Sản xuất Ô tô, vượt xa mức dự báo 1,5 triệu chiếc mà các nhà phân tích đưa ra.
Thị trường cao su thiên nhiên toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức giá cao, ít nhất là trong ngắn hạn, không chỉ bởi nhân tố Trung Quốc, mà còn do lo ngại về sản lượng cao su toàn cầu năm 2014 cộng với tình hình chính trị căng thẳng ở Thái Lan – nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới.
Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) nhận định thời tiết bất lợi có thể khiến mức tăng cung cao su năm 2013 ít hơn dự kiến.
Trái với những lo ngại trước đây, giá cao su sẽ vững trong tháng này và kéo dài tới quý I/2014, bởi nhu cầu cao su toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục vào năm 2014 và 2015, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Cơ quan Thông tin Kinh tế có trụ sở ở London (EIU) dự báo nhu cầu sẽ tăng 4 % mỗi năm trong các năm 2014 và 2015. Dự báo nhu cầu lốp xe thay thế sẽ gia tăng trong 4 năm tới, đặc biệt ở những thị trường mới nổi, giúp tiêu thụ cao su tăng ổn định.
Hãng kinh doanh cao su thiên nhiên Cedar Falls Limited dự báo tiêu thụ cao su thiên nhiên sẽ tăng trung bình 3,5 % mỗi năm cho tới 2018, trên cơ sở bán ô tô ở Trung Quốc trong quý III năm nay tăng mạnh. Hãng này cho rằng hiện tại là thời điểm “vàng” để đầu tư vào mặt hàng cao su.
Indonesia, nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, có kế hoạch cắt giảm sản xuất khoảng 10 % trong năm tới, đồng thời yêu nghị các nước sản xuất cao su khác ở châu Á cùng hành động như vậy để giảm bớt lượng tồn trữ trên toàn cầu và giúp giá tăng bền vững. Hiệp hội Cao su Indonesia mới đây đã gửi thư tới các thành viên của mình yêu cầu giảm 10 % sản lượng năm 2013.
Sản lượng cao su Indoensia năm 2013 dự kiến gần như không thay đổi ở mức 3,1 triệu tấn, trong bối cảnh thời tiết mưa quá nhiều và chính sách hạn chế sản xuất theo thỏa thuận trước đây với các nước sản xuất lớn khác là Thái Lan và Malaysia để cắt giảm xuất khẩu.
Indonesia, Thái Lan và Malaysia chiếm khoảng 70 % sản lượng cao su toàn cầu, chủ yếu xuất khẩu cho những hãng sản xuất lốp xe lớn như Bridgestone Corp, Michelin và Goodyear Tire & Rubber Co. Indonesia đã đề nghị Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Lào và Campuchia – những nước sản xuất hàng đầu thế giới – cùng tham gia hạn chế sản lượng vào năm tới. Và dự kiến sản lượng của Việt Nam năm 2014 sẽ ít thay đổi, ở mức khoảng 1 triệu tấn.
Xem thêm: Bảng giá cao su thế giới mới nhất
Theo Bloomberg