Xuất khẩu được Bộ Công thương dự báo sẽ đạt kim ngạch 131 tỷ USD trong năm nay. Nếu theo diễn biến của thị trường xuất khẩu cũng như dựa vào những đơn hàng mà các DN xuất khẩu đang có, con số trên hoàn toàn trong tầm tay.
Tuy nhiên, để đạt được kim ngạch như kỳ vọng, nhóm hàng nông sản – lĩnh vực được coi là chủ chốt lại đang về đích một cách chật vật.
Sụt giảm hàng loạt lĩnh vực chủ chốt
Với tốc độ gia tăng đều đặn như hiện nay, Bộ Công thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 có thể đạt 131 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, cao hơn so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (126,1 tỷ USD). Nhìn vào con số dự báo, có thể thấy, xuất khẩu vẫn là lực đẩy chính trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đang ở giai đoạn vượt khó.
Tuy là điểm sáng nhất của nền kinh tế, song người ta lại đang nhìn thấy những “điểm mù” của bức tranh xuất khẩu. Xuất khẩu nông sản – một trong những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế lại đang có dấu hiệu tụt dốc. Hàng loạt các mặt hàng nông sản giảm cả về lượng và giá đang là mối quan ngại lớn của cả DN xuất khẩu cũng như các nhà quản lý, trong đó có cà phê – mặt hàng đứng trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang có sự lao dốc thê thảm cả lượng và chất. 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu mặt hàng này giảm 24% về lượng và 23,9% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Một mặt hàng chủ lực khác là gạo cũng đang rơi vào bối cảnh ảm đạm không kém. Theo thống kê của Bộ Công thương, 10 tháng, xuất khẩu gạo cũng đã giảm 14,1% về lượng và 16,9% về giá trị.
Đặc biệt, thông tin về việc hạ mục tiêu xuất khẩu gạo vừa được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra mới đây càng cho thấy những tín hiệu không vui của nhóm hàng nông sản. Cụ thể, theo VFA, mục tiêu đặt ra cho xuất khẩu gạo năm nay sẽ chỉ còn ở mức 6,7 triệu tấn thay vì mức 7,5 triệu tấn như ban đầu, giảm 11%. Đây là lần thứ hai VFA hạ mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay. Trước đó, đã được điều chỉnh xuống mức 7-7,2 triệu tấn. Nguyên nhân VFA đưa ra là do tình hình nguồn cung thế giới tăng mạnh, thị trường xuất khẩu bị cạnh tranh ngày càng lớn, điển hình như Pakistan, Ấn Độ. Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh từ Thái Lan với tham vọng hạ giá để đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Ngoài ra, xuất khẩu tiểu ngạch cũng tăng mạnh làm cạn nguồn gạo xuất khẩu chính ngạch.
Sợi dây trói vô hình
Cho dù là lý do gì đi chăng nữa, vẫn không thể phủ nhận một thực tế, bức tranh xuất khẩu nông sản đang bộc lộ nhiều bất cập. Và có lẽ, điều đầu tiên phải thừa nhận đó là sự yếu kém trong điều hành, lỏng lẻo trong chính sách đang trở thành tác nhân chính kéo sụt thị trường xuất khẩu nông sản.
Đơn cử như ngành cà phê, hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN xuất khẩu cà phê đang khiến cho ngành này lao đao. Theo phản ánh của một số DN trong ngành, hiện đang tồn tại thực trạng, nhiều DN lợi dụng sự dễ dàng trong thủ tục cấp phép hoạt động đã thu mua số lượng cà phê lớn với giá cao hơn thị trường, sau đó bán ra với giá thấp, lấy tiền thuế bù lỗ để hưởng chênh lệch rồi bỏ trốn. Thực trạng này đã khiến nhiều DN làm ăn chân chính không thể cạnh tranh nổi, có nguy cơ phá sản. Ngoài ra, những vướng mắc từ cơ chế hoàn thuế VAT cũng đang là trở ngại lớn cho các DN.
Đối với ngành lúa gạo, những bất cập trong điều hành chính sách cũng đang trở thành sợi dây vô hình “trói chặt” ngành này. Thời gian qua, những chính sách mà nhà quản lý đưa ra với kỳ vọng nâng cao đời sống thu nhập cho nông dân, nâng cao giá trị hạt gạo… hầu như đều không thấy phát huy tác dụng.
Ngay như Nghị định 109, được kỳ vọng rất nhiều cho việc có thể thay đổi được diện mạo của lĩnh vực này, song rốt cục, theo chuyên gia ngành lúa gạo Nguyễn Đình Bích, Nghị định này chỉ xoay quanh hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, còn hoạt động sản xuất lúa như thế nào thì vẫn do nông dân tùy nghi định đoạt.
Người nông dân, do vậy, vẫn luôn ở tình thế bị ép giá. Và kết cục là, chỉ DN và thương lái – khâu trung gian – được hưởng lợi. Ngay cả một trong những lý do mà VFA đưa ra, rằng, gạo xuất qua đường tiểu ngạch quá nhiều khiến DN thiếu gạo cho việc xuất khẩu đường chính ngạch, cũng phần nào nói lên những bất cập hiện nay trong cách điều hành của nhà quản lý.
Có thể thấy, hàng loạt những vấn đề còn tồn tại trong chính sách điều hành lúa gạo đã bộc lộ. Giới chuyên gia cho rằng, thị trường lúa gạo rất cần có một chính sách pháp lý điều hành phù hợp để giúp các sản phẩm tăng chất, tăng giá trị và có thương hiệu. Các DN kinh doanh lúa gạo phải liên kết chặt chẽ với nông dân xây dựng các vùng lúa nguyên liệu đáp ứng những nhu cầu cụ thể. Và yêu cầu nói trên không chỉ được đặt ra đối với riêng ngành lúa gạo mà phải thực hiện đối với toàn bộ ngành nông sản nói chung. Có như vậy, mới mong một thị trường nông sản hoạt động ổn định, đời sống người nông dân mới hết bấp bênh.