Lập ban tái canh cà phê để tìm giống tốt

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) sẽ lập ban tái canh cà phê với mục đích giúp các tỉnh Tây Nguyên có nguồn giống tốt, chất lượng cao cũng như nâng cao tỷ lệ sống của cây cà phê sau khi được trồng lại trên nền diện tích cà phê già cỗi trước đó.

Xem thêm: >> Tái canh cây cà phê: những vấn đề cần quan tâm

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, việc bộ đứng ra lập ban tái canh cà phê xuất phát từ kết quả tái canh của Việt Nam trong những năm qua không tốt, tỷ lệ cây cà phê sống trên diện tích trồng cà phê già cỗi không cao.

Vì thế, ban tái canh có nhiệm vụ tìm được những giống cà phê có chất lượng, năng suất cao cũng như phương pháp trồng lại sao cho cây cà phê không bị ảnh hưởng của tuyến trùng.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, khoảng 88% diện tích cà phê bị chết sau khi được nông dân trồng lại trên nền diện tích cà phê già cỗi sau một đến hai năm vì tuyến trùng gây chết cây cà phê.

Vì vậy, làm sao giải quyết được bài toán tuyến trùng thì mới khuyến khích người dân chặt bỏ vườn cà phê già cỗi trên 20 năm để trồng mới, còn không người dân sẽ tiếp tục sử dụng phân bón hóa học để tiếp tục vườn cây hoặc tìm cách bán lại cho những cá nhân từ các tỉnh như TPHCM (vốn không có nhiều hiểu biết về cây cà phê) vì không muốn trồng tái canh lại.

Số liệu mới nhất của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, hiện có khoảng hơn 200.000 héc ta cà phê (tương đương 30% tổng diện tích) có độ tuổi từ 20-25 năm với sản lượng trung bình 1,5 tấn/héc ta, thấp hơn gần 1 tấn/héc ta so với mức trung bình của cả nước, đang cần được tái canh trong những năm tới.

“Cây cà phê là cây lâu năm nên nhiệm vụ của ban tái canh ngoài việc giúp tỷ lệ tái canh cao phải chọn được những giống tốt, chất lượng cao; còn nếu chỉ đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ sống mà bỏ qua vấn đề sản lượng, chất thì như vậy sẽ có lỗi với hàng chục ngàn người nông dân trồng cà phê”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cho biết, không phải lo lắng vấn đề tài chính cho việc nghiên cứu giống, khắc phục khống chế tuyến trùng gây chết cây cà phê khi trồng lại. Ông Doanh nói, Bộ Nn-PTNT có đủ nguồn tài chính trong việc tái canh cà phê dù đó là con số nào.

Theo tính toán của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, kinh phí để tái canh một héc ta cà phê dao động ở mức từ 100 triệu đến 120 triệu đồng. Đối với vấn đề này, Vicofa cho biết, hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đồng ý có một gói tín dụng cho người dân, doanh nghiệp vay để tái canh cà phê.

Số tiền mà phía Agribank cam kết là 12.900 tỉ đồng để giúp doanh nghiệp, nông dân gồm đầu tư chương trình trồng, chăm sóc, tái canh, thu mua chế biến xuất khẩu cà phê. Thời gian vay là 7-10 năm, lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất cơ bản, trong đó, có 3 năm ưu đãi không lãi suất.

Trong năm qua, Vicofa cũng đã có chương trình hỗ trợ cây cà phê giống thông qua các Sở NN-PTNT để cung cấp miễn phí cho các hộ dân.

Ngày 1-11, Vicofa tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2012/2013 và phương hướng niên vụ 2013/2014. Tại đây, ngoài việc Vicofa dành thời gian để đề cập đến kế hoạch tái canh cà phê, các doanh nghiệp hội viên cũng đã nhắc đến vấn đề Chính phủ cần xem xét đến chuyện cho mua tạm trữ cà phê để chặn đà rớt giá hiện nay. Hiện giá cà phê tại Tây Nguyên trong ngày 1-11 là 29.700-30.100 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg so với ngày trước đó.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng