“Bàn tay” vô hình đang thao túng giá cà phê

Xuống thấp nhất trong vòng ba năm qua, chưa bao giờ giá cà phê lại tụt dốc không phanh như thời điểm này. Cà phê Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “vỡ ngành” bởi một “bàn tay” vô hình.

Đây là thực trạng của ngành cà phê Việt Nam mà chính những người làm trong ngành cũng khó lý giải khi chỉ đúng một năm về trước, giá cà phê vẫn được giữ ổn định ở mức cao và liên tục ba năm qua ngành cà phê trong nước vẫn giữ được giá tốt.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, mặc dù vừa kết thúc niên vụ 2012 – 2013 nhưng những người làm trong ngành cà phê buồn nhiều hơn vui. “Năm rồi cà phê đứng đầu về giá trị xuất khẩu so với các ngành nông sản khác. Ba năm qua vẫn giữ được giá tốt. Năm nay buông tay”, ông Nam chua chát.

Thực tế, hiện người sản xuất cà phê đang lỗ nặng. Cụ thể, chi phí sản xuất cho 1 ha cà phê lên tới 75 triệu đồng, năng suất chỉ đạt trung bình 2,4 tấn/ha, trong khi giá bán cà phê nhân xô hiện tại chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg (so với mức đỉnh điểm 44.200 đồng/kg vào tháng 3, 4/2013).

Theo đó, giá FOB tại cảng TP.HCM cũng giảm xuống, chỉ còn ở mức trên 1.500 USD/tấn – mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.

phoi ca phe
Giá cà phê Việt Nam đang xuống thấp bất thường, liệu có bàn tay thao túng?

Ai thao túng?

Câu hỏi này cần phải được đặt ra bởi có quá nhiều nghịch lý mà những tổ chức, cá nhân có liên quan không lý giải được hoặc cố tình làm ngơ và không loại trừ khả năng đang có sự đầu cơ, thao túng giá.

Tại Brazil, dự báo của Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, sản lượng cà phê niên vụ 2013 – 2014 chỉ đạt 47,5 triệu bao, giảm 6,5% so với niên vụ 2012 – 2013 do thời tiết xấu. Hiện nay, Brazil chỉ có khoảng 2 triệu ha cà phê đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 1,4 tấn/ha (thấp hơn nhiều so với năng suất 2,4 tấn/ha của Việt Nam).

Còn tại Indonesia, tiêu thụ cà phê nội địa của nước này tăng cao khiến khối lượng dành cho xuất khẩu giảm xuống.

Việt Nam với vai trò là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới và là một trong năm nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu khiến cho 40.000 ha cà phê bị sâu bệnh và khoảng 5.000 ha bị mất trắng. Bên cạnh đó, diện tích vườn cây cà phê già cỗi cho năng suất thấp đã lên tới 30% khiến sản lượng cà phê trong nước sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, tiêu thụ cà phê thế giới trung bình giai đoạn 2010 – 2012 tăng 2,4%. Riêng năm 2012, mức tiêu thụ tăng 2,1%. Tiêu thụ nội địa của thị trường truyền thống đạt 71,4 triệu bao, tăng 1% so với năm trước.

Tại thị trường Hoa Kỳ, tổng sản lượng tiêu thụ năm 2012 tăng 7%. Đây được xem là mức tăng trưởng khá cao so với mức 3,9% của các năm 2010, 2011. Đặc biệt, tại Australia, năm 2012 tiêu thụ nội địa tăng tới 15,9%, Tây Ban Nha tăng 9,1% so với năm 2011.

Từ các phân tích trên cho thấy, sản lượng cà phê của các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới và cả nội địa đều tăng thì tại sao giá cà phê lại sụt giảm thê thảm như thế? Nghịch lý đang sờ sờ trước mắt và cần phải được làm rõ.

Về nguyên tắc, giá cà phê nguyên liệu đang ở mức thấp, nếu mua vào sẽ có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cho biết, dù giá đang giảm rất sâu nhưng họ không dám đẩy mạnh thu mua vào thời điểm này vì sợ giá tiếp tục xuống đáy.

Với đà này, người sản xuất cà phê đang “chết không kịp ngáp”.

Theo các chuyên gia, rõ ràng có sự thao túng giá cà phê của các đối tượng đầu cơ. “Nếu không mổ xẻ để trị u nhọt này thì ngành cà phê Việt Nam có nguy cơ bị đè bẹp”, một chuyên gia cảnh báo.

VAT làm khổ doanh nghiệp

Từ tháng 6/2013 đến nay, do thay đổi quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Quyết định số 7527/BTC-TCT khiến hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không được hoàn thuế gây ách tắc, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng mua bán. Nguyên nhân là do chênh lệch giá cà phê cho nhà xuất khẩu chỉ 2 – 3% nếu không được hoàn thuế VAT 5% thì sẽ thua lỗ lớn.

Trong khi đó, EU hiện là khách hàng nhập khẩu cà phê nhân lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 70% lượng cà phê xuất khẩu. Nếu Việt Nam không giải quyết về thuế VAT trước khi vào niên vụ mới 2013 – 2014 thì EU sẽ chuyển thị trường sang Brazil, Ấn Độ, Indonesia và do đó Việt Nam có nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu.

Để tháo gỡ vấn đề này, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương xử lý nghiêm các doanh nghiệp trốn thuế gây rối thị trường”.

Theo ông Tự, cách làm vừa qua của các cơ quan chức năng “đánh” chưa trúng đích, nhiều doanh nghiệp trốn thuế chưa bị xử lý “trong khi những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, mua hàng của doanh nghiệp cung cấp có hóa đơn tài chính nhưng lại không được hoàn thuế”.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính hủy bỏ Quyết định 7527 của Tổng Cục thuế và về lâu dài nên hủy bỏ thuế VAT cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê”, ông Lương Văn Tự đề xuất.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, để không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước chưa nên bỏ thuế VAT. Trước mắt, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an phải xử lý triệt để các đối tượng làm ăn bất chính, trốn thuế gây bất ổn trong ngành. Bên cạnh đó, rà soát, chấn chỉnh việc doanh nghiệp nước ngoài thu gom cà phê trong nước nhưng không phải chịu thuế VAT./

Theo Vicofa, thị trường nhập khẩu cà phê của Việt Nam niên vụ này đã có sự “đổi ngôi”. Đức đã vượt qua Hoa Kỳ (chiếm 8% thị phần) trở thành thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam (chiếm 10% thị phần).

Trong niên vụ 2012 – 2013 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 19 triệu bao, giảm 10,5% so với niên vụ trước. Trong tháng đầu tiên của niên vụ 2013 – 2014 (tháng 10/2013), Việt Nam xuất khẩu ước đạt 58.000 tấn, giá trị kim ngạch đạt 119 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 12,4% về giá trị so với tháng trước.

Theo đó, lũy kế xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1,09 triệu tấn với trị giá 2,33 tỷ USD, giảm 24,6% về khối lượng và giảm 24,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.

Dự báo niên vụ 2013 – 2014, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng cà phê của Việt Nam có thể giảm khoảng 15% so với niên vụ trước. Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam.

Để giữ giá cà phê có lợi cho Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần tăng sản lượng tạm trữ lên từ 300.000 – 500.000 tấn thay vì chỉ 200.000 tấn như hiện nay và thời gian tạm trữ nâng lên 6 tháng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. quangteo

    Trong tình trạng hiện nay, nhà nước nên bỏ thuế VAT cho ngành cà phê. Vì sao ?
    Thứ nhất: thuế VAT chiếm 5% nhưng người nông dân mất hơn 25% giá trị.
    Thứ hai: tạo môi trường kinh doanh công bằng cho mọi doanh nghiệp.
    Thứ ba: khi thị trường đã ổn định thì nhà nước sử dụng chính sách nghiêm ngặt về thuế.
    Chúng ta nên hướng tới cái lợi của nông dân hơn cái lợi của nhà nước.

  2. Tamtuyetbh

    Từ tháng 6/2013 đến nay, do thay đổi quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Quyết định số 7527/BTC-TCT khiến hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không được hoàn thuế gây ách tắc, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng mua bán. Nguyên nhân là do chênh lệch giá cà phê cho nhà xuất khẩu chỉ 2 – 3% nếu không được hoàn thuế VAT 5% thì sẽ thua lỗ lớn. “Bàn tay” vô hình đang thao túng giá cà phê hiện nay, ngay trong nước.

  3. Vu Van Huy

    Tình hình hiện tài mùa vụ cà phê của nước ta đang bước vào mùa vụ thu hoạch mà sao chưa thấy có gì vậy. Trong khi người dân điêu đứng còn các nhà chức trách chỉ đưa ra kế hoạch mà chưa thấy kết quả.

  4. Bảo Ngọc

    Nếu theo dõi giá cà phê từ những năm 1985 đến nay, đặc biệt từ năm 1990 đến nay , giá cà phê biến động gần như theo một chu kỳ . Có lẽ không hẳn phụ thuộc vào “qui luật thị trường”, hay thuế VAT trong ngành cà phê . Mỗi lần giá cá phê được thao túng giảm đến điểm “bằng hay thấp hơn giá thành sản xuất” , lúc này, tôi đồng ý với tác giả bài viết : Người sản xuất cà phê “chết không kịp ngáp”. Họ được thiết kế chỉ chết theo chu kỳ.
    Còn các nhà xuất khẩu ,đầu cơ cà phê trong nước 4 , 5 năm qua bị hai gọng kìm lớn siết chặt đó là lãi suất ngân hàng quá cao và sự cạnh tranh mua và bán khốc liệt của những trùm Tư bản trên thế giới thao túng ngành cà phê , ngoài ra họ còn bị ảnh hưởng bởi thuế VAT, sự thiếu vốn , kiến thúc vv… Đó là lý do hàng loạt các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cà phê trong nước phá sản , kể cả những “Người hùng” họ đang muốn chết mà không được chết” vì những khoản nợ kếch xù .
    Chốt lại một câu của tác giả : “Rõ ràng có sự thao túng giá cà phê của các đối tượng đầu cơ”. “Nếu không mổ xẻ để trị u nhọt này thì ngành cà phê Việt Nam có nguy cơ bị đè bẹp.”
    Cảm ơn Tác giả .

  5. phong tran

    khi nhà nước kêu gọi nông dân đóng thuế vì lợi ích quốc gia nhân dân dù nhiệt tình hay không cũng phải chấp hành nếu không sẽ bị phạt .còn khi người nông dân thực sự cần ,người trồng cà phê thực sự bế tắc kêu cứu khan họng không hiểu nhà nước ơ đâu

  6. k duông

    Không đâu trên thế giới này lãi suất ngân hàng cao ngất như Việt nam ta. Hồi năm 2011 tôi đi vay mà lãi suất 21% năm, với lãi suất đó không làm gì ra lãi để bù vào lãi suất. Vay có 60 triệu bỏ phân cà phê đến cuối năm cộng lại vừa lãi và gốc là gần 80 triệu, khi trả gốc các nhân viên ngân hàng còn đề nghị tôi vay thêm một năm nữa nhưng tôi lắc đầu cúi đầu chào thua. Cảm ơn cầm sổ đỏ ra về không dám quay lại nhìn các cô nhân viên ngân hàng, cho dù các cô ấy rất là xinh đẹp.

    1. Nông dân cà phê

      Như bác còn hạnh phúc chán, với tôi đây: các cô gái nhân viên ngân hàng phải nói là xấu kinh khủng, nói năng thô lỗ cộc cằn nhưng tôi vẫn phải khen họ đẹp, lễ phép… phong bì này nọ… và hy vọng vẫn được tiếp tục nhìn mặt các cô này vì không gặp mặt họ thì lấy đâu ra tiền trang trải khi giá cà phê thấp như vầy.. hu.hu…

    2. anh

      Không những lãi suất mà còn có thêm tệ nạn cò NH nữa. Tôi vay vốn ở ngân hàng nông nghiệp 70 triệu, thời gian 19 tháng mà hết 39 triệu tiền lãi và cò. Thử hỏi người dân làm sao để giàu được?

  7. quang nhat

    Theo ý tôi nhận thấy khi tham gia “canh bạc” giá này, nhà cái được nhiều nguồn thông tin hổ trợ, nào là Braxin,Indo, Việt nam trúng mùa, thuế VAT không được hoàn, nông dân VN cần tiền, các nước có cà phê khác bán nhiều mà VN chưa bán, màu đỏ cứ xuất hiện giá xuống dốc,người bán khống chào giá càng rẻ,người mua thì chờ đáy.Vậy thì giá tháng 3-4 vừa rồi là ’34’ nên mới chờ ĐÁY, bán thì cũng phải tới ngày giao, màu đỏ là tâm lý đám đông, trăm người bán vạn người mua, cần tiền nhưng bán không đủ thì đợi giá ” thấp “, thuế chấp hành đúng thì cạnh tranh công bằng, trúng mùa hay không cô bác nhìn vườn tính vốn coi có chịu bán lỗ không?

  8. Vũ Anh

    Theo tôi, thu hoạch xong bán hết, giá xuống mạnh nữa lại mua vào. Không ngồi chờ giá, bị động như các năm trước. Ở chỗ tôi các “anh chị” lắm tiền bảo nếu có giá 27-28.000 đ/kg sẽ “hội đồng” mua vào. KKo biết các “nhà tư bản” nội địa của ta có làm gì được các ngài tư bản gốc tư bản ko đây?

  9. Tay Nguyên

    Chính sự thiếu trách nhiệm, thiếu sự cảm thông đối với nông dân của các quan chức nên đã trì trệ việc hoàn thuế VAT, trừng trị những kẻ trón thuế, và chưa đưa ra được phương pháp tốt nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong đó có sự giàu mạnh của bà con nong dân tây nguyên .

    1. nguyễn tam

      Năm nay sản lượng cà phê giảm nhưng nhu cầu cà phê cho xuất khẩu tăng, vậy giá cà phê giảm là sao chứ? Chỉ thiệt cho người dân…

  10. nguyen hoang nguyen

    nghe cac bac phan tich thay dung qua. sao khong thay cac nha chuc trach phan tich nhi. ho dang lam gi day
    Để phản hồi được hiển thị, vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu. Cảm ơn.

Tin đã đăng