Tuần cuối tháng 10 cũng là tuần nối khớp giữa giao dịch tháng 11-2013 và tháng 1-2014 trên sàn kỳ hạn. Ở những thời điểm như thế này, các quỹ đầu cơ thường cơ cấu lại vốn, điều tiết vị thế kinh doanh trên các sàn hàng hóa. Sàn cà phê bị ruồng rẫy, giá lao đao.
Giá cà phê nội địa chạm mức giá thành
Giá cà phê robusta tuần qua tiếp tục rớt mạnh và hình như chưa có lực nào đủ mạnh để hãm đường xuống.
Có thể do vẫn còn lúng túng trong cách giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng trong mua bán cà phê trên thị trường nội địa, đang còn lo xử lý những người vi phạm gian lận thuế nên giao dịch vẫn chưa sôi động, dù niên vụ mới 2013/14 đã qua vừa tròn một tháng.
Hôm qua, thứ Sáu 1-11, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm xuống dưới mức tâm lý 30.000 đồng/kg vì trong ngày, giá cà phê kỳ hạn có lúc rớt đậm, giao dịch tháng 1-2014 có lúc xuống mức 1.453 đô la/tấn làm giá cà phê nhân xô trong nước chỉ được trả mức quanh 29.000-29.200 đồng/kg – mức thấp nhất tính từ tháng 9-2010 đến nay. Sáng nay thứ Bảy 2-11, giá nội địa đang quay quanh mức 29.500 đồng/g nhờ giá kỳ hạn cuối tuần tăng nhẹ.
Mức giao dịch trên là những mức quan trọng vì nhiều người cho rằng đang chạm mức giá thành.
Có sức ép bán ra?
“May mà vấn đề thuế giải quyết chậm cộng với các trận bão số 10 và 11 vừa qua làm chậm ngày thu hoạch và hàng ra thị trường, nên chưa thấy sức bán ồ ạt, tạo nên sức ép bán ra làm giá giảm càng giảm như các năm trước”, một nhà phân tích tại TP Hồ Chí Minh phát biểu.
Tuy nhiên, “mức chênh lệch” (differential) cà phê xô tính với giá tháng 1-2014 đang ở mức trừ 50-60 đô la/tấn dưới giá niêm yết kỳ hạn Liffe NYSE trong khi mấy tuần trước đây luôn ở mức cộng. Xét ở góc độ này, đó chính là dấu hiệu có sức ép bán ra và nói lên rằng nhu cầu bán lớn hơn mua nên giá ‘trừ lùi’ mới giảm”, ông này giải thích tiếp.
Vì thế, trong cuộc họp tổng kết niên vụ 2012/13 của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) hôm qua, một quan chức khuyên nông dân chớ vội bán cùng một lượt, gây sức ép trên thị trường, có thể làm giá giảm thê thảm hơn.
Cũng có vị kêu gọi nên điều tiết lượng bán ra để giữ giá. Điều ấy không sai. Song, nhiều chuyên gia lo ngại rằng đã 5 tháng nay, kể từ tháng 6-2013, lượng xuất khẩu cà phê từ nước ta giảm mạnh mà giá rớt vẫn chưa có gì “phanh” lại được.
Ta giảm xuất, bạn cứ bán
Thật vậy, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 10-2013 ước đạt 65.000 tấn, giảm 36,5% so với cách đây một năm và lũy kế lượng xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm nay giảm gần 350.000 tấn so với cùng kỳ 2012.
Trong khi đó, hãng tin Reuters hôm qua cho biết xuất khẩu cà phê Indonesia trong tháng 9-2013 tăng 30% đạt 44.262 tấn so với cùng kỳ cách đây một năm. Lũy kế xuất khẩu cà phê nước này trong 9 tháng đầu năm 2013 tăng 136% đạt 320.473 tấn so với cùng kỳ năm trước chỉ 136.008 tấn.
Tuy chưa có thông tin chính thức, xuất khẩu tháng 10-2013 của Brazil ước đạt 3 triệu bao (60 kg x bao). Nói vậy để thấy rằng đề nghị tạm trữ 300.000 tấn cà phê đang được Vicofa trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lâu về dài xem ra khó có tác dụng, nhà phân tích nói thêm.
Tồn kho robusta giảm
Báo cáo định kỳ ra hai tuần một lần của sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE nói rằng tính đến ngày 28-10, lượng tồn kho robusta được sàn này xác nhận chất lượng (certs) giảm thêm 3.130 tấn so với đợt trước, chỉ còn 53.020 tấn (xin xem biểu đồ 2). Như vậy, lượng này giảm 54,24% so với cách đấy một năm là 115.860 tấn và là mức tồn kho thấp nhất tính từ 13 năm nay.
Mức giảm này không nhiều như dự kiến nên không đủ sức hỗ trợ giá kỳ hạn robusta tăng. Vả lại, rang xay đang tiếp cận hàng arabica, hiện rất sẵn sàng tại châu Âu, để cải thiện chất lượng tách uống. Tính đến hôm qua, 1-11, lượng tồn kho arabica được sàn Ice xác nhận chất lượng (certs) đạt 2.715.535 bao tức chừng 163.000 tấn, trong đó ước chừng 110.000 tấn đang nằm tại các kho châu Âu.
Liệu giá cà phê kỳ hạn còn lao đao?
Tuy đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tăng, hai sàn kỳ hạn cà phê lại có thêm một tuần bết bát. Giá đóng cửa cà phê kỳ hạn robusta Liffe NYSE hôm qua 1-11 chốt mức 1.475 đô la/tấn cơ sở tháng 11-2013 và 1.489 đô la cho tháng 1-2014, đã trở thành tháng giao dịch chính (xin xem biểu đồ 1- đường màu xanh biểu thị tháng 11-2013 và đường màu đỏ cho tháng 1-2014). Trong phiên, đã có lúc giá tháng 1-2014 xuống chạm mức 1.453 đô la, là mức thấp nhất tính từ tháng 6-2010. Đồng thời, giá kỳ hạn arabica tháng 12 có khi giao dịch chỉ còn 104.25 cts/lb, là mức thấp nhất tính từ tháng 3-2009.
Theo đánh giá trên thị trường tài chính, từ đầu năm 2013 đến nay, chỉ số rổ hàng hóa CRB giảm chừng 6%, trong đó, giá trên các sàn kỳ hạn cà phê có tỉ lệ giảm nhiều và đều nhất. Sàn kỳ hạn cà phê Brazil giảm trên 30%, sàn arabica Ice giảm trên 26% và sàn robusta Liffe NYSE giảm trên 25%.
Đồng real Brazil BRL mất giá so với đồng đô la Mỹ kích thích Brazil bán ra. Trên thị trường có tin đồn rằng sản lượng cà phê các nước lớn như Brazil, Việt Nam, Colombia và Indonesia đều tăng cộng với các quỹ đầu cơ thời gian qua rút vốn tìm chỗ “an trú” mới, chủ yếu tại các thị trường chứng khoán. Đây là yếu tố quan trọng đẩy giá xuống.
Tuần qua, đồng BRL quay về giảm xuống mức thấp nhất trong tháng 10. Tại Brazil, đâu đâu cũng nghe từ “suprasafra” hay trong tiếng Việt được gọi là bội thu. Colombia, sau một đợt tái canh dài, sản lượng từ 7,5 triệu bao nay sẵn sàng vượt qua mức 12 triệu bao và các năm sau dễ dàng lên đến 15-20 triệu bao arabica. Indonesia cũng thế, con số 12 triệu bao cho những ngày trước mắt là khá hiện thực.
Thế giới đang chờ cà phê robusta nước ta bán ra. Thị trường sẽ thực sự rúng động nếu hàng ra ào ạt…mất kiểm soát.