Tại TP Bảo Lộc và huyện Di Linh (Lâm Đồng), chúng tôi chứng kiến những đồi cà-phê, bắp đang vào mùa thu hoạch bắt đầu héo ngọn, nhiều ngôi nhà bị nứt, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Một số gia đình tất bật dọn dẹp đồ đạc di dời đến nơi ở tạm do “sự cố” đất trồi sụt, nứt toác bất thường xảy ra trong nhiều ngày qua.
Anh Điểu Văn Khảo, ngụ thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa (Di Linh) kể: “Khoảng 2 giờ sáng 6-10, khi cả nhà đang ngủ thì nghe “đất chạy” lục ục dưới nền nhà, rồi nghe tường kêu rắc rắc. Mình bật dậy thì thấy tường nhà bị nứt, nền thì sụt xuống. Hoảng quá, mình vội vàng kéo vợ con chạy ra ngoài tìm chỗ tá túc trong đêm”.
Ghi nhận tại hiện trường, vết sạt lở đất kéo dài khoảng 2 km, từ đỉnh núi Cổng Trời tới chân hồ thủy điện Đồng Nai 2. Căn nhà bị đổ sập gần nhất nằm cách mép hồ thủy điện khoảng 300 m. Nhiều nơi, đất còn trồi lên cao hơn 1 m và sụt sâu khoảng 2 m. Đặc biệt, trên sườn núi Cổng Trời chạy dọc xuống khu dân cư có vết trượt đổ đất rất nặng. Qua khảo sát cho thấy, có nhiều cây lớn, phần ngọn bị gãy nằm cách xa phần gốc hơn 30 m. Đất sụt cũng làm ba hồ thủy lợi bị hư hại, không thể sử dụng.
Anh Thống A Cẩu, đã sinh sống ở đây gần 20 năm cho hay: Đây là lần đầu tôi chứng kiến tình trạng đất trồi sụt, nứt toác trên quy mô lớn như vậy. Cách đây vài năm, trên địa bàn xã cũng có hai vụ tương tự, nhưng quy mô nhỏ.
Từ những vết nứt nhỏ ban đầu, cắt ngang một số con đường bê-tông trong khu phố, đến nay vết nứt đã “loang” rộng. “Đêm 23-6, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng kêu rắc rắc, đến rạng sáng thì nghe tiếng nổ, chúng tôi choàng dậy thì thấy tường bếp, cầu thang nứt toác” – Chị Hoàng Thị Duyên, tổ dân phố 11, phường B’Lao kể.
Theo thống kê, hiện đã có 27 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng, trong đó, nhiều căn nhà bị đổ sập, xiêu vẹo, sụt lún… Sự cố nói trên cũng đã ảnh hưởng đến khoảng 42 ha cà-phê đang vào mùa thu hoạch và nhiều cây trồng khác của người dân. Địa phương đã tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và bố trí đất tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng nặng.
Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc Bùi Thắng cho biết, chúng tôi đã lập và trình UBND tỉnh Lâm Đồng phương án hỗ trợ bố trí đất tái định cư, đồng thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng trả tiền đất theo diện bị thiên tai. Trước mắt, thành phố tiến hành cắm bảng cảnh báo, khuyến cáo người dân không tiếp tục làm nhà ở, xây công trình tại khu vực này.
Trước đó, tại Lâm Đồng đã xuất hiện hàng loạt vụ sụt lún đất bất thường khác như, tại đỉnh núi Lang Biang (Lạc Dương) tháng 8-2013, tại hồ thủy lợi Đắk Long Thượng (Bảo Lâm) năm 2012, thị trấn Di Linh (2011). Vào năm 2002, 2005 tại khu vực xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cũng xảy ra nứt trượt đất tương tự và kéo dài trong nhiều năm…
Trước tình hình liên tiếp xảy ra hiện tượng đất sụt lún, nứt toác, người dân mong muốn chính quyền địa phương, cùng các nhà khoa học đến xác định rõ nguyên nhân, đồng thời có biện pháp hỗ trợ đất tái định cư để họ ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.
Khi làm các công trình thủy lợi tích nước với một lượng lớn, sẽ dấn đến tình trạng sụt lún, biển đổi địa mạo do nước tích tụ bão hòa vào lòng đất vùng xung quanh hồ nước gây ra.
Đây là mặt trái của công trình thủy lớn, đặc biệt là các công trình thủy điện. Thủy điện Sông Tranh là một ví dụ điển hình.
Con người tác động vào thiên nhiên thì thiên nhiên phải phản kháng lại, tác động càng mạnh thì phản kháng càng lớn và ngược lại. Đó là quy luật “có áp bức là có đấu tranh”. Các vị làm thủy điện không biết có học triết lý này chưa nhỉ…
Đây có thể là đứt gãy, theo như bài báo này viết thì gián cách đứng là 4m. Tôi nghĩ các nhà địa chất cần tìm hiểu và nghiên cứu thêm để có kết luận cuối cùng, Nếu là đứt gãy thì tôi nghĩ không dó không chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta phải có phương án di dời dân để tránh hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra !