Cà phê trên thị trường nội địa và kỳ hạn tăng nhẹ. Vẫn chưa ai muốn mua bán mấy vì trời chưa nắng ráo, chính sách hoàn thuế chưa tính xong và giá…chưa vừa.
Có chi mà vội
Hết một tuần, giá Robusta trên thị trường cà phê nội địa chỉ tăng thêm 200 đồng/kg, lên 36.700 đồng/kg so với 36.500 đồng/kg cách đây 7 ngày.
Giá đóng cửa sàn kỳ hạn Liffe NYSE, London hôm qua thứ Sáu 11-10-2013 đứng ở mức 1.733 đô la Mỹ/tấn, cao hơn tuần trước 24 đô la/tấn và cao hơn giá đóng cửa ngày cuối vụ trước 30-9 đến 91 đô la/tấn (xem biểu đồ).
Như vậy, giá cà phê nhân xô nội địa hiện đang cao hơn giá kỳ hạn chừng 6 đô la/tấn tính trên cơ sở tỉ giá đồng đô la là 21.100 đồng ăn 1 đô la Mỹ. Giá xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ đang được chào bán cộng 50 đô la/tấn trên cơ sở giao dịch tháng 1/2014.
Lâu nay, giá cà phê nội địa và xuất khẩu của Việt Nam đã sử dụng giá niêm yết sàn Liffe NYSE chỉ để tham khảo. Giá mua bán hàng thực (physical) nay đã thoát khỏi ảnh hưởng của London khi sàn này vẫn mua trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết cho loại 2 theo qui định chất lượng của sàn.
“Giá kỳ hạn tăng hình như để phản ánh thị trường đang trong cơn căng thẳng thiếu hàng. Tuy nhiên, nhiều nhà chế biến và xuất khẩu cà phê nhân của ta đang án binh bất động do chính sánh hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) còn nhiều rối rắm, chưa ủng hộ hoạt động mua bán”, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM phát biểu.
Mặt khác, thời tiết vừa qua khá ẩm ướt do ảnh hưởng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Dự kiến một cơn bão khác, tên Nari, đang vượt quần đảo Philippines để vào miền Trung nước ta trong vài ngày tới. Như vậy, thời tiết có thể làm chậm thu hoạch cà phê niên vụ mới 2013/14 đến cả tháng. “Với mưa bão liên tục thế này thì chưa chắc cà phê ra được thị trường vào cuối tháng 11 này”, anh Trương Tám, một nông dân tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết.
“Vả lại, mức giá hiện nay, chỉ trên 36.000 đồng, chưa hấp dẫn lắm đâu. Chúng tôi đang đợi mức 40.000 đồng/kg”, anh Tám nói. Để đạt đến mức ấy, giá kỳ hạn phải phải đạt ít nhất mức 1.900 đô la/tấn, tức còn một đoạn đường khá dài, thêm chừng 170-180 đô la nữa…phải vượt.
Sản lượng tăng, thì đã sao!
Đầu tuần này, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) phát hành báo cáo định kỳ tháng 9-2013 gồm các điểm nổi bật như sau: nâng sản lượng niên vụ 2012/13 thế giới tăng lên 145,2 triệu bao (60 kg/bao), cao hơn ước báo trước 0,5%, do sản lượng Brazil và Colombia cao hơn. Như vậy, ước báo mới của ICO cho niên vụ 2012/13 chấm dứt ngày 30-9-2013 tăng 9,6% so với 2011/12 và là năm thế giới có sản lượng cao nhất tính từ 1990/91. Sản lượng robusta tăng 11,6% lên 56,4 triệu bao và arabica tăng 8,4% lên 88,8 triệu bao.
Tổ chức này dựa trên báo cáo chính thức của Brazil cho rằng sản lượng niên vụ 2012/13 Brazil tăng 16,9% đạt 50,83 triệu bao. Còn thị trường ước mức cao hơn, trong khoảng từ 52-55 triệu bao.
Trong khi đó, tiêu thụ toàn cầu niên lịch 2012 ước đạt 142 triệu bao, tăng 2,1% từ 139 triệu bao năm 2011. Từ 4 năm qua, ICO ước mức tiêu thụ cà phê thế giới tăng bình quân hàng năm chừng 2,4%.
Tiêu thụ tại các nước xuất khẩu đạt 43,5 triệu bao tăng 2,5%, tại các nước mới nổi 27,1 triệu bao, tăng 4,6% và các thị trường truyền thống đạt 71,4 triệu bao, tăng 1%.
Colombia là nước sản xuất arabica chế biến ướt lớn nhất thế giới, ước 2012/13 đạt 10 triệu bao, tăng 30,7% so với 2011/12.
Sản lượng robusta tại Việt Nam ước đạt 22 triệu bao, giảm 1,3% so với 2011/12. Còn sản lượng arabica và robusta của Indonesia tăng 74,7% đạt 12,7 triệu bao.
Đối với Việt Nam, Tổng cục Thống kê (TCTK) ước lượng xuất khẩu niên vụ 2012/13 đạt gần 23,4 triệu bao, giảm 8,7% so với 26,75 triệu bao trong vụ 2011/12. Nếu không tính cà phê cho tiêu thụ nội địa và tồn kho cuối kỳ, nhiều người cho rằng sản lượng phải trên 25 triệu bao mới hợp lý.
Sản lượng niên vụ này 2013/14, bắt đầu từ 1-10, nhiều ước đoán trên 25 triệu bao, cá biệt có người đoán đến 30 triệu bao. “Dự báo sản lượng lớn là một chuyện, quan trọng là hàng ra thị trường nhiều hay ít để ảnh hưởng đến giá tăng hay giảm, ấy mới thành vấn đề. Bấy lâu chúng ta vẫn nghe sản lượng lớn, nhưng thị trường thiếu hàng, giá vẫn tăng như trong hai tuần đầu niên vụ này, có sao đâu?”, một nhà phân tích thị trường trấn an.
Giá thấp: thách thức lớn cho các mùa tới
Tuy nhiên, sản lượng arabica tại hai nước lớn nhất là Brazil và Colombia chính là thách thức lớn nhất cho khuynh hướng giá trong hai mùa tới đây. Vì, mùa arabica của Brazil trong niên vụ 2014/15 đi vào “năm được” theo chu kỳ sinh lý của cây cà phê arabica 2 năm 1 lần theo “năm mất-năm được”.
Thật vậy, ngân hàng kinh doanh Macquarie tuần qua đã phải hạ dự báo mức giá cà phê arabica của họ xuống khi “choáng” vì sản lượng cà phê arabica của Brazil và Colombia quá lớn.
“Năm được” của Brazil thường có sản lượng cao hơn năm mất bình quân từ 5-10%. Còn Colombia hứa hẹn sẽ tăng thêm vài triệu bao nữa khi chương trình tái canh đã thực hiện từ mấy năm nay càng ngày càng hoàn chỉnh.
Thị trường arabica có ảnh hưởng nhất định đến giá robusta vì arabica là loại quyết định chất lượng và mùi vị ly cà phê. Robusta thường chỉ được dùng để phối trộn và chế biến cà phê hòa tan.
Theo đó, Macquarie dự báo rằng bình quân giá kỳ hạn arabica cơ sở các tháng giao dịch chính sẽ như sau:
- Quý 4 năm 2013: 115 cts/lb, (-20 cts/lb so với dự báo trước)
- Quý 1 năm 2014: 117 cts/lb, (-23 cts/lb so với dự báo trước)
- Quý 2 năm 2014: 120 cts/lb, (-32 cts/lb so với dự báo trước)
- Quý 3 năm 2014: 107 cts/lb, (-40 cts/lb so với dự báo trước)
- Quý 4 năm 2014: 105 cts/lb, (-50 cts/lb so với dự báo trước). Nếu dự báo này là đúng, thì mức này là mức thấp nhất tính từ tháng 9-2009.
Hôm qua, giá kỳ hạn arabica New York tháng 12-2013 dao động trong khung 114,25-116,95 cts/lb, đóng cửa ở mức 116,70 cts/lb, tức 2.573 đô la/tấn, đúng y trong khung dự báo của ngân hàng này.
Macquarie cũng ước sắp tới sản lượng robusta Việt Nam quanh mức 29 triệu bao, tương đương với 1,74 triệu tấn với giá dự báo cho sàn robusta London bình quân chừng 1.606 đô la/tấn, mức bình quân thấp nhất trong vòng 4 năm và thua cả trăm đô la so với giá đóng cửa ngày giao dịch hôm qua.