Tuần đầu niên vụ mới 2013/14, giá robusta tăng cực mạnh. Đấy chính là cơ hội, nhưng nhiều doanh nghiệp nước ta đành phải để “nước trôi”.
Giá cà phê đùng đùng tăng
Sau khi mất gần 150 đô la/tấn ngay trong tháng cuối vụ 2012/13 tức tháng 9 vừa qua, trong những ngày đầu tháng 10-2013 của năm kinh doanh cà phê mới 2013/14, giá cà phê trên sàn kỳ hạn robusta London bất ngờ đảo chiều bùng lên mạnh mẽ.
Thật vậy, giá kỳ hạn robusta đã tăng cực mạnh ngay từ ngày 1-10, là ngày mở đầu cho niên vụ mới 2013/14. Giá sàn kỳ hạn phiên hôm qua, khuya thứ Sáu 4-10 tức rạng sáng hôm nay thứ Bảy giờ Việt Nam, có lúc tăng đến 50 đô la, đạt 1756 đô la/tấn, nhưng đáng tiếc đã chùng bước, đóng cửa chỉ còn 1709 đô la/tấn. Nhưng tính cả tuần, giá đã tăng 98 đô la so với 1611 đô la/tấn cuối tuần trước (xin xem biểu đồ 1). Nhờ vậy, giá cà phê nhân xô nội địa cũng nhích dần lên, từ 35.000 đồng/kg cách nay một tuần đã lên đến 36.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng chỉ sau 7 ngày.
“Dù giá tăng nhanh, vẫn không nhiều người mua vì cà phê đang ở mức quá thấp so với kỳ vọng chừng 40.000 đồng/kg của người bán”, anh Trần Trung Đức, một đại lý ở huyện Dakmil, tỉnh Đắc Nông vừa báo vừa tươi cười.
Giá xuất khẩu nay có thấp hơn, ở mức cộng 50 đô la/tấn cho loại 2,5% đen vỡ cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn, giảm chừng 30-50 đô la/tấn so với tuần trước, ít người dám ký hợp đồng xuất khẩu.
“Đáng ra phải bán một ít như một phép thử đối với thị trường trong đợt giá tăng này, nhưng điều kiện chưa cho phép vì vay vốn kinh doanh cà phê đang khá ngặt nghèo và nhất là chưa biết hướng giải quyết hoàn thuế GTGT theo công văn 7527/BTC-TCT như thế nào,” một nhà xuất khẩu tại Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết.
Cái cớ của đợt tăng giá cà phê
Cơn bão số 10 tàn phá các tỉnh bắc miền Trung và gây mưa lớn và dài ngày tại các vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên. Theo nhận định của một số nông dân tại tỉnh Daklak, thu hái bói không ra sớm như nhiều người tưởng mà phải trễ đi cả tuần. “Nếu còn mưa bão kéo dài, vụ thu hoạch sẽ quay về nông lịch bình thường, tức chí ít cũng tháng 11-2013 mới có hàng chứ không phải giữa tháng 10 này như người ta mong,” một anh ở huyện Krông Nô, tỉnh Daklak cho biết.
Các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, châu Âu, Nhật bản…đang vào mùa rét. Thường ở giai đoạn này, các nhà máy rang xay đang cần nguyên liệu để sản xuất cho mùa đông và các dịp lễ tết của họ cuối năm nay và đầu năm sau.
Tồn kho thuần robusta của sàn Liffe NYSE giảm mạnh do nước xuất khẩu chính là Việt Nam đã vào vụ mới 2013/14 nhưng chưa sẵn sàng.
Mặt khác, tình trạng các cơ quan hành pháp của chính quyền Mỹ ngưng hoạt động, chính sách kích cầu “nửa úp nửa mở” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa biết kéo dài đến đâu, nhưng cũng tạo được hy vọng cho các quỹ đầu cơ tài chính trên sàn robusta mua vào…chờ cơ hội.
Thử đoán giải thị trường cà phê qua tồn kho
Báo cáo định kỳ ra 2 tuần 1 lần cho biết lượng tồn kho thuần robusta được sàn kỳ hạn Liffe NYSE xác nhận chất lượng chỉ còn 60.380 tấn, giảm 14.510 tấn trong kỳ tính đến hết ngày 30-9 (xin xem biểu đồ 2). Như vậy, lượng này chi bằng 46% so với cách đây một năm và ở mức thấp nhất tính từ giữa năm 2000 trở lại đây. Tuy không quá bất ngờ, đây là lần giảm mạnh nhất từ mấy năm nay trở lại đây, dù có tin sản lượng robusta thế giới tăng trong niên vụ mới.
Dự kiến tồn kho thuần robusta này sẽ còn rớt tiếp do hàng cà phê từ Việt Nam và Indonesia đi đến các kho thuộc sàn giao dịch này giảm mạnh vì giá chào xuất khẩu cao hơn giá bán tại sàn. Giá mua qui định của sàn là trừ 30 đô la/tấn giao tại kho Liffe NYSE dưới giá niêm yết, thấp hơn giá xuất khẩu từ cảng đi chừng 80 đô la/tấn tính tại thời điểm hiện nay. Khó khăn tài chính từ phía doanh nghiệp Việt Nam đã hạn chế đáng kể sức bán ra, kéo dài từ 4 tháng nay, làm giảm hẳn lượng bán ra.
Tồn kho thuần robusta giảm, giá xuất khẩu dựa trên giá chênh lệch (differential) cao, đã giúp cho cấu trúc giá các tháng giao dịch gần (tháng 11-2013 và 1-2014) có giá đảo, cao hơn tháng xa (tháng 3-2014). Cụ thể với các mức tháng 11 cao hơn 26 đô la và tháng 1 với 22 đô la/tấn. Đây là cách thông dụng để kéo hàng thực từ các nơi về nhanh chỗ “ăn hàng” tranh thủ giá cao để kho trả chi phí lưu kho.
Trong khi đó, báo cáo định kỳ hàng tháng của Hiệp hội Cà phê Nhật bản cho rằng tồn kho cà phê nước này tăng thêm 6.637 tấn trong tháng 8-2013, đạt 178.293 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, arabica Brazil chiếm chừng 66.000 tấn, arabica từ Trung Mỹ chừng 38.000 tấn, arabica Colombia chiếm gần 20.000 tấn. Số còn lại chủ yếu có xuất xứ từ nhiều nguồn khác từ các nước xuất khẩu robusta, trong đó của Indonesia chừng 7.000 tấn. Nhật là nước tiêu thụ lớn sau Mỹ và nhóm nước Liên minh châu Âu. Đấy cũng là nước mua chất lượng tốt với giá cao.
Đối với Việt Nam, Nhật thường mua cà phê loại cực sạch và cực ngon như robusta chế biến ướt. Niên vụ trước, một số công ty Việt Nam chủ yếu bán vào thị trường này toàn hàng tốt với giá cộng từ 450-500 đô la/tấn trở lên. Hiện nay, do sản lượng arabica của Brazil và Colombia tăng mạnh, các hãng rang xay Nhật đang có khuynh hướng mua mạnh arabica.
Đây chính là thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp sản xuất robusta loại tốt như chế biến ướt, đánh bóng nước…trong thời gian tới. Vì, khi arabica giá quá cao, người ta sử dụng robusta loại tốt để thay thế. Nay, arabica đã rẻ, cách biệt tại sàn chỉ chừng 800 đô la và tại Brazil chừng 400-500 đô la, người tiêu dùng quay sang uống arabica. Robusta thường chỉ dùng để phối trộn trong khi arabica quyết định chất lượng của một tách cà phê.
Tháng chín cú sốc cà phê
Không ngờ giá lại đi về quá sâu
Tháng mười chín bói bắt đầu’
Cà phê không thể rớt lâu trượt dài.
Từ nay đến tháng mười hai
Bắt đầu vụ mới triển khai thu về
Mấy tuần mưa gió lê thê
Bù vào đợt nắng cà phê hình thành
Mắt cua rồi tới đậu xanh
Nắng ơi là nắng quả đành bé đi
Xay nhân đặt cối thay vì
Làm sao không lọt cà “bi” vụ này.
Mọi năm chùm quả phồng tay
Ấy mà nay lại bé đầy hạt tiêu
Sản thu về thấp là điều
Nên mình dự đoán không liều đâu nha
Bỏ phân gặp nắng quá hà
Đến thu mưa trút liệu mà phơi phong.
Trăm rưởi trên một ngày công
Chi cho lượm gốc chẳng mong dư về
Nhưng mà chưa đáng nặng nề
Chỉ lo chính vụ dầm dề trời mưa.
Kho nay đang hụt xin thưa
Lại thêm vụ cũ chẳng lưa gì nhiều
Bạn ơi sắp tới ta “liều”
Thu vào cân nhắc chi tiêu hợp tình.
Nắm tay đoàn kết liên minh
Như hai năm trước tình hình khác đi
Hàng thật ta nắm khả thi
Giá leo lên dốc bay đi vèo vèo
Vay ngân hàng đáo hạn theo
Tháng nào có lãi xuất “heo” trả liền.
Bạn ơi chữ tín đầu tiên
Trả vay-vay trả mượn tiền từ đây
Cũng đừng già néo đứt dây
Khư khư ôm trọn tháng ngày lãi tăng
Ngân hàng, nhà nước nên chăng
Tạo điều kiện tốt mình rằng cảm ơn
Dân giàu, nước mạnh lên hơn
Sàn Luân sắc lại xanh rờn mạ non.
Mình tin vụ tới vẫn còn
Hai nghìn một tấn chẵn tròn đô la
Thắng nhiều hay ít do ta
Nếu như hợp lực ba nhà… bắt tay
Được vậy dở ít nhiều hay
Lá lành bọc rách có ngày vui chung.
Ngẩng cao đầu bước ung dung
Niềm tin chiến thắng bạn cùng tôi vui ./.
Bác chuột đồng làm thơ hay quá ta! mà lại ý nghĩa nữa. Bà con ta hãy vững tâm bền chí nhé.
Theo tôi đây là khả năng tiên đoán của Chị Chuột Đồng:
Nắm tay đoàn kết liên minh
Như hai năm trước tình hình khác đi
Hàng thật ta nắm khả thi
Giá leo lên dốc bay đi vèo vèo
Theo tôi cũng dự đoán như thế nhưng chưa dám nói, nay nghe Chị Chuột nói thế nên cũng nói theo
Giá chỉ nhí́ch thôi chưa thể nói tăng đùng đùng được. Catimo lại hạ, giá chưa tăng dần đều bền vững được.
Chị Chuột hôm nay đã xuất hiện thì ắt sẽ mang theo một tia hy vọng tương đối đây. Nhưng, muốn hy vọng lớn thì bà con ta phải bắt tay đoàn kết hợp lực cùng ba nhà như điều mà chị Chuột đã”ứng thơ”. Chúc bà con mạnh khỏe toàn diện để lo toan một vụ mùa như ý .
Chú chuột đồng này làm thơ hay mà biết thêm môn thị trường, kế toán – tài chính nữa thì phải… Bác có uống rượu được không thì bữa nào tớ đãi bác món Gạo quê + Gà quê + Gquê nữa nhé hii..
Cô Chuột vừa xuất tiên tri
Đọc thì biết thế, chắc gì đúng đây?
Được mất ta nói với nhau
“Bói voi tranh luận” người naò đúng đây
Sản lượng toàn nước năm nay
Cao hơn năm trước điều nầy hiển nhiên
Rủ nhau cá độ một phen
Một chầu thịt chó nấu riềng…lai rai.
Tháng mười hẹn đến năm sau
Con số xuất khẩu đúng sai rõ ràng
Giá cả chuyện cũng đáng bàn
Cầu mong một tấn hai ngàn đô la
Đạt được thì cũng còn xa
Cà Rô đang bị cà A nó đè
Thế giới thừa thải cà chè
Cà vối vì thế khó bề vươn lên
Mùa màng đã đến một bên
Cầu cho nắng ráo khỏi lên “giá” cà
Trộm cắp tất thảy biến xa
Không ai quấy nhiễu mọi nhà yên tâm
Chờ cho quả chín như tằm
Thu hoạch đúng độ tăng phần sản lên
Xin bà con cũng đừng quên
Bán cà đúng lúc làm nên cửa nhà.
Cuối cùng xin chúc gần xa
Được mùa tất thảy cùng hòa niềm vui.
bác Chuột Đồng thơ quá hay
Lại còn đúng nữa , trúng ngay tình hình
Lâu nay dân ta bất bình
Cày bừa trật mặt, ko thấy bình yên
Mấy ông ở trển huyên thuyên
nói hay mà chẳng làm nên chuyện gì
Chỉ có dân ta bị đì
LonDon, new york rù rì ép ta
Thôi ta tự cứu lấy ta
Cùng nhau đoàn kết, giúp nhau là giàu
Giá cà từ rày mai sau
Sẽ có biến đổi nông sâu khó lường
Bà con hãy cứ bình thường
Hàng thật mình giữ , trời thương sợ gì
Riêng fire thì mặt lầm lì
Liều mạng dự trữ thoát ly vụ này
Dù sao thì cũng tới ngày
cà kê đã chín rộn ràng mùa phê
bà con cô bác ô kê
Đồng lòng bĩnh tĩnh ta phê vụ mùa.