Cà phê: vì sao giá rớt?

Giá nội địa và kỳ hạn cà phê robusta giảm mạnh. Các nước sản xuất cố tìm nhiều biện pháp ngăn giá rớt nhưng vẫn chưa có cách cứu vãn. Trên thị trường cà phê thế giới, người mua đang áp dụng chính sách “thay thế” đến độ thuần thục? 

Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE  tháng 9-2013
Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE tháng 9-2013

Giá rớt chóng mặt 

Tuy còn duy nhất một ngày giao dịch nữa, thứ Hai 30-9 đầu tuần sau, là hết năm kinh doanh cà phê 2012-13, giá khắp nơi trong những ngày cuối của niên vụ này rớt đến “hoảng”. Tổng kết tháng Tám, giá kỳ hạn mất 88 đô la/tấn, tháng Chín còn tệ hơn. Hết phiên hôm qua, thứ Sáu 27-9, giá kỳ hạn robusta London mất 52 đô la Mỹ so với ngày hôm trước, nhưng lại giảm tới 147 đô la/tấn so với ngày giao dịch đầu tháng (xin xem biểu đồ trên). Giá kỳ hạn arabica cũng đứt “phanh”, mất 6,30 cts/lb trong tuần qua, tức tương đương với 139 đô la/tấn, chỉ còn 113,70 cts/lb hay 2.506 đô la/tấn.

Thị trường nội địa kiên cường cầm cự nhưng giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên sáng nay thứ Bảy 28-9 quay về mức 35.000 đồng/kg, chỉ giảm 500 đồng so với cuối tuần trước, nhưng lại mất 11.000 đồng/kg so với mức đỉnh của niên vụ này.

Như vậy, giá kỳ hạn và giá nội địa đã quay lại mức thấp nhất tính từ ba năm trở lại đây. Tình hình giao dịch khá trầm lắng. Hầu như cà phê ít di chuyển. Tuy có tin rằng một vài nơi đã hái cà phê bói, chỉ cần mươi ngày nửa tháng nữa là có thể có hàng ra thị trường nếu như thời tiết không mưa dài ngày, người bán và người mua không vì thế mà vội.

Hàng năm, cỡ chừng đến thời điểm này, các nhà xuất khẩu và đại lý ít nhiều đã bán mở hàng. Nhưng năm nay khá im ắng. “Lẽ ra giờ này, công ty chúng tôi đã bán một số hợp đồng để cân đối số lượng và giá hàng hóa cho cả vụ, nhưng đến nay thì chịu”, ông Cao Văn Tứ, lãnh đạo Công ty Cà phê Eapok, huyện C’ưmga, tỉnh Daklak cho biết trong chuyến đi thăm dò thị trường tại TPHCM và chào hàng niên vụ mới hồi đầu tuần này. “Giá xuống một đường thẳng đứng trong mấy tháng nay làm công ty Eapok chẳng dám bán, bán giá chốt trước (fixed/outright) cũng chết do giá London quá thấp, bán giá chốt sau (price-to-be-fixed) cũng không thể vì cộng trên London cao quá không ai mua”, ông Tứ giải thích.

Giá giảm do dễ có hàng thay thế

Cứ tưởng Brazil thực hiện chương trình quyền chọn giúp nông dân giữ lại hàng, giữ giá song giá kỳ hạn arabica vẫn rớt. Nhiều người vẫn tin giá arabica sẽ vững do đồng real Brazil (BRL) lấy lại “phong độ” sau khi mất giá tới đáy cách nay vài tuần (2,45 BRL ăn 1 đô la Mỹ), trong vài ngày qua, BRL lên lại, chỉ quanh mức 2,22-2,25 BRL ăn 1 đô la Mỹ nhưng giá arabica vẫn cứ rớt liên hồi. Chính vì thế, thường arabica mạnh sẽ giúp kéo sàn robusta lên. Nhưng, vừa qua, arabica cứ thấy robusta giảm, là chạy theo.

Trong tuần, Tổng cục Thống kê (TCTK) ước báo rằng lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 9-2013 chỉ đạt 70.000 tấn. Như vậy, đây là tháng thứ ba liên tiếp lượng xuất khẩu cà phê hàng tháng của nước ta chỉ dưới mức 100.000 tấn. Cũng theo tính toán của TCTK, ước lượng xuất khẩu niên vụ 2012/13 chỉ bằng 2/3 của năm cũ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lượng xuất khẩu giảm mà giá vẫn cứ rớt mạnh? Theo một chuyên gia phân tích thị trường tại TPHCM, cà phê là một mặt hàng nông sản rất dễ bị thay thế. “Khi thị trường tìm ra được ‘chỗ’ để thay thế, thì xuất khẩu có giảm vẫn không ảnh hưởng đến nguồn mua hàng của họ”, ông nói. Thực vậy, “trên thị trường cà phê mấy năm nay, khi mua bán, người giao hàng thường bán theo từng rổ hàng hóa. Như vậy, người ta không chỉ bán cà phê có xuất xứ Việt Nam vì sợ rủi ro thiên tai, giữ lại hàng, thiếu hàng…mà thành một rổ gồm các xuất xứ như Việt Nam/Indonesia/Ấn độ hay Uganda”, ông giải thích.

Bán theo cách này,  người giao hàng sẽ có được nhiều chọn lựa. Nếu vì một lý do gì đó mà một nơi nào đó thiếu hàng giao, họ có quyền mua một nơi khác trong rổ đã chào để giao. Ngoài ra, họ còn có thể mua hàng thuần robusta còn trong kho thuộc sàn kỳ hạn Liffe NYSE. Vì vậy, trong thời gian qua, lượng hàng thuần robusta tại các kho London giảm nhanh, nay chỉ còn chừng 75.000 tấn so với mức đỉnh 417.120 tấn vào giữa năm 2011.

“Chưa hết, người mua hiện nay đang quay về với arabica do giá loại này rẻ, giá kỳ hạn đến nay chỉ chừng 2.500 đô la/tấn và giá hàng thực tại các nước xuất khẩu còn thấp hơn; mức cách biệt giữa 2 loại arabica/robusta trên sàn chỉ chừng 800/900 đô la/tấn so với trước đây là 4100 đô la/tấn, song thực tế tại Brazil chỉ quanh mức 400-500 đô la/tấn, nên thiên hướng đang quay về sử dụng arabica”, nhà phân tích này nói. Arabica hay trong tiếng Việt còn gọi là cà phê chè, là loại cà phê quyết định chất lượng và mùi vị của tách cà phê. Cà phê vối robusta thường dùng để phối trộn với ly cà phê arabica.

Thực vậy, giá kỳ hạn giảm mạnh nhưng giá nội địa chỉ rớt chậm và ít hơn, đã làm giá xuất khẩu tính theo chênh lệch so với giá niêm yết của sàn London rất cao. Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty Intimex HCM, giá chào bán loại 2,5% của công ty này vào đầu tuần đã có mức cộng 100 đô la/tấn trên giá kỳ hạn.

“Đúng là không bán được ở mức ấy, nhà xuất khẩu chúng tôi sẽ không đủ ‘sở hụi’. Nhưng, vẫn biết mức ấy quá cao, khó người nào với tới”, một nhà xuất khẩu khác nói thêm.

Một số yếu tố khác cũng đang làm chậm xuất khẩu và giá giảm như mua bán lòng vòng trong nước đã đẩy giá thành lên cao, hướng giải quyết hoàn thuế VAT trong kinh doanh cà phê để giúp khơi thông dòng vốn kinh doanh chưa đến đâu, đầu cơ tài chính đang còn e dè trước những thất thường của chính sách tiền tệ của các nước để đối phó với khủng hoảng kinh tế…cũng đã làm sức mua cà phê trên thị trường giảm mạnh…

Bao lâu chưa khơi thông được dòng chảy cho cà phê đi tự nhiên, bấy lâu, thị trường cà phê vẫn phải chịu nhiều sức ép về tâm lý và giá cả. Nếu như sản lượng niên vụ mới càng lớn, thì thị trường càng nặng nề và nó trở nên một quả bom nổ chậm, bất lợi nhiều hơn có lợi.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trung Anh

    Nhà xuất khẩu nào cũng lăm le bán trừ lùi, bán chốt trước như ngựa quen đường cũ. Có chết cái nết cũng khó chừa.

  2. Lâm hà

    -“Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lượng xuất khẩu giảm mà giá vẫn cứ rớt mạnh?”
    Theo tôi, vì giá giảm mạnh nên xuất khẩu mới giảm. Nếu giá không giảm thì chắc chắn lượng xuất khẩu sẽ không giảm.
    Đây chỉ là hình thức đánh tráo tư duy để tạo sự hiểu nhầm có chủ đích !

  3. hoang son

    Chắc là do việc ngồi im chờ sung rụng của các bác lái buôn lắm tiền nhiều của! Đầu cơ tích trữ hàng để chờ giá. Vừa ăn chặn những đồng tiền trợ giá của nông dân. Cuối cùng chỉ hậu quả là những người nông dân nghèo khổ phải chịu…

Tin đã đăng