Thị trường cà phê chê gói kích cầu?

Tin Mỹ vẫn duy trì gói kích cầu, tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế, đã làm thị trường tài chính thế giới dậy lên vài ngày nay. Nhưng, hai sàn cà phê phản ứng chậm chạp. Giá cà phê khắp nơi vẫn giảm.

bieu-do-gia-ca-phe-london
Giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE 3 tuần đầu tháng 9-2013 (tác giả tổng hợp)

Thị trường cà phê làm ngơ với gói kích cầu?

Ngược với mọi dự đoán trên thị trường tài chính, Chủ tịch Ben Bernanke của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần này tuyên bố chương trình kích cầu “nới lỏng định lượng 3” (QE3) vẫn tiếp tục được thực hiện. Theo đó, mỗi tháng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bơm vào thị trường 85 tỉ đô la mua trái phiếu cho đến khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục rõ ràng hơn. Trước đó, những lời đồn đoán Fed có thể ngưng chương trình này đã làm giá hàng hóa và cổ phiếu đua nhau xuống thấp, giá trị đồng đô la Mỹ tăng cao so với các đồng tiền khác, tạo nên một đợt bán tháo hàng hóa và cổ phiếu mạnh khắp nơi trên thế giới.

Ngay sau thông báo của Ben Bernanke, giá cổ phiếu và hàng hóa lập tức tăng mạnh. Phản ứng của thị trường cà phê chỉ bùng phát chóng vánh lúc mở cửa vào ngày thứ Năm 19-9. Sau đó, giá cả quay về hoạt động âm trầm như đã xảy ra từ đầu tháng Chín đến nay, chỉ tăng dăm bảy đô la “khuyến mãi” vào cuối phiên. Một cơ hội tăng giá bị bỏ lỡ đối với hai sàn cà phê trước sự ngạc nhiên của người trong cuộc.

Nhiều người giải thích rằng giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn không mặn mà với tin tài chính vì e ngại sản lượng cà phê thế giới lớn, đặc biệt tại hai nước xuất khẩu nhất nhì là Brazil và Việt Nam chăng?

Tuy nhiên, đấy chỉ là cách giải thích “cho có” vì phải trả lời thế nào đây khi trong các niên vụ trước, sản lượng lớn, xuất khẩu mạnh, giá hai sàn cà phê vẫn vững? Thị trường đã có quá nhiều kinh nghiệm khi sản lượng lớn, nhưng một khi nông dân biết bán ra một cách điều độ thì giá đâu đến nỗi!

Dù sao, vẫn còn quá sớm để “nghiệm” mức độ ảnh hưởng của quyết định của Fed. Giới phân tích vẫn cho rằng bao lâu chương trình kích cầu còn, giá nông sản vẫn có cơ hội tăng nhờ lượng tiền mặt dồi dào được bơm vào thị trường.

“Chỉ mới ngày một ngày hai, chưa thể nói được gì dù giá cà phê ngày cuối tuần giảm,” một nhà phân tích tại TPHCM nói. “Ít ra, với chương trình này, lượng đô la ra thị trường nhiều, các đồng tiền khác như đồng real Brazil (BRL) hay đồng rupee của Ấn Độ và đồng rupiah Indonesia có cơ hội tăng lại, giúp áp lực hàng hóa giảm bán ra, sẽ là một yếu tố tích cực cho giá hàng hóa nói chung, và hy vọng giá cà phê sẽ đi theo hướng này”, ông giải thích tiếp.

Giá kỳ hạn robusta tại London lại có thêm một tuần giảm và là tuần thứ ba liên tiếp trong tháng Chín này có giá giảm. Đóng cửa sàn cà phê robusta vào ngày thứ Sáu 20-9 giá đứng ở mức 1678 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 11-2013, mất 9 đô la/tấn nhưng giảm tới 69 đô la so với cuối tuần trước và mất 101 đô la so với mức đóng cửa ngày cuối cùng của tháng Tám. Giá sàn arabica cũng không khá hơn. Hôm qua, giá giảm 1,15 cts/lb chỉ còn 114,65 cts/lb, nên cả tuần rồi giảm 5,35 cts/lb hay 118 đô la/tấn, dù nông dân Brazil đã thực hiện một đợt khác chương trình quyền chọn bán đạt với lượng 862.000 bao/1.000.000 bao.

Trong khi đó, giá cà phê nội địa sau mấy ngày giằng co tại mức quan trọng 36.000 đồng/kg, sáng nay thứ Bảy 21-9, sụp theo giá London, chỉ còn 35.700 đồng/kg hay mất 500 đồng so với giá cuối tuần trước, đây là mức thấp nhất tính từ gần 3 năm nay.

Do giá nội địa thấp, giá xuất khẩu tính theo giá chênh lệch với giá niêm yết đang được chào mức cộng 50 đô la/tấn trên giá niêm yết sàn London cơ sở tháng 11-2013 đối với loại 2, 5% nên mức này không hấp dẫn người mua. Đó cũng là lý do làm cho tồn kho thuần robusta tại các kho thuộc sàn Liffe NYSE giảm mấy tháng nay.

Tồn kho của sàn robusta giảm

bieu-do-ton-kho-ca-phe-liffe
Biểu đồ 2: Tồn kho thuần robusta Liffe NYSE giảm (tác giả tổng hợp)

Tồn kho thuần robusta được sàn Liffe NYSE cấp giấy chứng nhận chất lượng tiếp tục giảm thêm 2.140 tấn, chỉ còn 74.890 tấn trong hai tuần mới đây tính đến hết ngày 16-9-2013, giảm 42% so với cách đấy 1 năm. Dự kiến lượng tồn kho này sẽ còn giảm tiếp vì lượng xuất khẩu từ nước ta càng về cuối vụ càng giảm do giá thấp. Giá bán cho Liffe NYSE được sàn này qui định ở mức trừ 30 đô la/tấn đối với loại 2 và bằng giá niêm yết với loại 1. Như vậy, giữa hai chọn lựa, nhà nhập khẩu sẽ chọn mua hàng có sẵn tại kho Liffe NYSE do giá mềm hơn so với giá mua đi trực tiếp từ nước xuất khẩu.

Trong báo cáo định kỳ mới nhất, Hiệp hội Cà phê hạt của Mỹ (Green Coffee Association) cho biết tính đến hết tháng 8-2013, tồn kho cà phê Mỹ tăng 129.195 bao hay 2,38%, đạt 5.561.576 bao. Nếu tính lượng cà phê bình quân hàng tháng các hãng rang xay Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) cần là 475.000 bao, số lượng trên có thể đảm bảo cho thị trường này trong vòng gần 3 tháng nếu như không nhập khẩu một hạt cà phê nào.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84