Trong khi các doanh nghiệp cà phê nội gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cà phê lại đang phát triển mạnh, chiếm ưu thế trong cuộc đua giành thị phần.
12 áp đảo 200
Hiện nay cả nước có khoảng 200 doanh nghiệp nội và 12 doanh nghiệp FDI chế biến và xuất khẩu cà phê. Từ nhiều năm qua, thị trường cà phê Việt Nam đã chứng kiến “cuộc chiến sinh tử” giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Và dù doanh nghiệp nội có số lượng áp đảo nhưng phần thắng luôn nghiêng về doanh nghiệp FDI. Thực tế, do chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài đã phần nào tạo sự chênh lệch về thế và lực giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Ngoài tiềm lực tài chính mạnh, vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc các tổ chức tín dụng quốc tế với lãi suất thấp, doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam được ưu đãi về thuế…
Còn doanh nghiệp nội, mấy năm trước vay vốn với lãi suất cao trên 20%/năm, nay đang “ngấm đòn”, thua lỗ, nợ xấu đầm đìa, đứng trước nguy cơ phá sản. Doanh nghiệp FDI còn có thị trường ổn định từ các công ty mẹ.
Hơn nữa, các quy định về hoạt động mua bán cà phê ở nước ta khá thoáng so với nước ngoài. Như ở Indonesia quy định doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư chế biến cà phê xuất khẩu phải chứng minh đã đầu tư vùng nguyên liệu, thực hành sản xuất cà phê tốt, mới được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận mua nguyên liệu. Nếu trong 3 năm doanh nghiệp không đầu tư được vùng nguyên liệu và không có sản phẩm xuất khẩu, giấy phép thu mua sẽ bị thu hồi.
Vì vậy, trong khi doanh nghiệp nội thua lỗ, phá sản hàng loạt, các doanh nghiệp cà phê FDI lại ngày càng lớn mạnh. Theo Vicofa, hiện nay riêng 12 doanh nghiệp FDI đã thu mua và xuất khẩu khoảng 50% sản lượng cà phê của Việt Nam. Như vậy, hàng tỷ USD đã chảy ra nước ngoài.
Và trong tương lai gần, một khi doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê, họ sẽ kiểm soát giá cả theo ý muốn. Chưa hết, gần đây các hãng Nestlé, Mondelez International… đang hăm hở rót vốn vào Việt Nam xây dựng nhà máy chế biến và xuất khẩu cà phê, đầu tư vùng nguyên liệu, áp lực cạnh tranh càng lớn.
Tăng cường đầu tư
Mới đây, Công ty Mondelz International, đơn vị sở hữu các thương hiệu Jacobs, CarteNoire và Kenco đã công bố mở trung tâm tập huấn cà phê đầu tiên dành cho nông dân để thúc đẩy hoạt động canh tác và kinh doanh cà phê tại Việt Nam. Đây là hoạt động trong chương trình phát triển bền vững của Mondelz International với tên gọi “Coffee Made Happy” (Cà phê khởi nguồn hạnh phúc) với cam kết đầu tư tối thiểu 200 triệu USD hỗ trợ nông dân trồng và kinh doanh cà phê tới năm 2020.
Cụ thể, chương trình này sẽ đào tạo 1.500 nông dân về thực hành nông nghiệp giúp gia tăng sản lượng cà phê và nâng cao chất lượng hạt. Các khoản đầu tư này sẽ giúp người nông dân có khả năng cung ứng khoảng 7.000 tấn cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn 4C. Được biết, Mondelz International là một trong những khách hàng thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam. Dự án đầu tư ở Việt Nam giúp Mondelz International thực hiện mục tiêu phát triển nguồn cung cấp bền vững cho 100% lượng cà phê của công ty ở Tây Âu.
Trong khi đó, theo ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Truyền thông – Đối ngoại Nestlé Việt Nam, tháng 9-2012 Nestlé công bố khoản đầu tư 230 triệu Franc Thụy Sĩ xây dựng nhà máy cà phê mới. Nhà máy này sản xuất Nescafé cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tạo ra hơn 200 việc làm trực tiếp và nhiều việc làm gián tiếp.
Khoản đầu tư này khẳng định cam kết của công ty với Việt Nam và với thương hiệu Nescafé, một trong những thương hiệu chính của tập đoàn trên toàn thế giới. Nhà máy mới được trang bị công nghệ sản xuất cà phê hiện đại, đáp ứng khẩu vị và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong khu vực đối với sản phẩm Nescafé của tập đoàn.
Nhà máy cà phê này là một phần trong dự án Nescafé Plan toàn cầu được triển khai tại Việt Nam vào năm 2011, bao gồm tập hợp các cam kết của Nestlé đối với các hoạt động canh tác, sản xuất và tiêu thụ cà phê. Dự án Nescafé Plan nằm trong khoản đầu tư 500 triệu franc Thụy Sĩ vào các dự án cà phê của tập đoàn tới năm 2020.
Dự án bao gồm những mục tiêu toàn cầu giúp công ty tối ưu hóa chuỗi ung ứng cà phê bao gồm việc gia tăng thu mua cà phê trực tiếp cũng như các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân trồng cà phê.
Ông Wayne England, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nestlé khu vực Đông Dương, cho biết các khoản đầu tư trên đánh dấu một mốc mới trong sự hiện diện lâu dài của Nestlé tại Việt Nam, với mong muốn tạo ra giá trị lâu dài.
“Việc đưa vào hoạt động nhà máy cà phê hiện đại tại Việt Nam sẽ giúp chúng tôi tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trong khu vực và sản xuất các sản phẩm Nescafé theo nhu cầu và khẩu vị của người tiêu dùng. Việt Nam là một phần rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Nestlé tại khu vực Đông Dương. Cam kết tiếp tục đầu tư thể hiện niềm tin tưởng vững chắc của chúng tôi với Việt Nam” – ông England chia sẻ.
Bộ NN-PTNT đang dự kiến thực hiện hợp tác công – tư trong sản xuất cà phê. Theo đó sẽ phối hợp giữa các bộ, ngành với doanh nghiệp cà phê, kể cả doanh nghiệp FDI. Có như vậy, doanh nghiệp nội mới tránh được thế đối đầu, khắc phục những hạn chế và từng bước san lấp khoảng cách với doanh nghiệp FDI.
Không có chiến lược gì
Cà phê là một trong những sản phẩm chiến lược, đem lại thu nhập cơ bản ổn định cho hàng triệu nông dân. Cà phê quý và hiếm nhưng giá cả, đầu ra của sản phẩm gần như bỏ ngõ, có chăng cũng chỉ là canh chừng mà thôi. Trồng cà phê gì? trồng ở đâu? trồng bao nhiêu? bán ở đâu? bán cho ai? bán như thế nào? Không. Không có câu trả lời xác đáng. Các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn theo kiểu “chờ nước nổi ” nhiều khi còn “ăn chặn” của nông dân. Nhà nước; mà đại diện là các bộ ngành trước hết là các bộ Nông nghiệp, ngoại thương, kế hoạch và đầu tư không có sự phối hợp cần thiết. Không và chưa có chiến lược gì cho rõ nét về ngành cà phê. Làm ăn như vậy sẽ thua và thua là cái chắc. Nông dân trồng cà phê sẽ khổ, ngân sách sách Nhà nước sẽ thất thu. Chức trách của công bộc ở đâu. Vì dân vì nước ở đâu.
Nếu ý kiến này được gửi đến Chính phủ thì rất quý.
Bạn Trúc Lam thân mến! Vấn đề bạn nêu ra trên đây Chính phủ biết cả, nhưng cũng vậy thôi.