Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu (XK) nông sản lớn trên thế giới với những mặt hàng chủ lực là gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu… Tuy nhiên, trên thực tế việc điều phối XK các mặt hàng nông sản gặp không ít khó khăn, giá trị kim ngạch thu về chưa tương xứng với tiềm năng, không ổn định, giá cả lên xuống thất thường, khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế rất yếu kém.
Lượng tăng, giá giảm
Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2009, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt trên 10,2 tỷ USD, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tăng về lượng nhưng giảm về giá trị đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người nông dân. Trong khi đó nhiều mặt hàng đang mất giá khiến cho các doanh nghiệp XK rơi vào tình trạng mua với giá cao nhưng giá bán lại thấp. Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, nếu như đầu năm 2008, giá cà phê ở mức 42.000 đồng/kg, đến thời điểm tháng 6-2009 đã hạ xuống còn 25.500 đồng/kg, sau đó lại giảm liên tục chỉ còn 21.500 – 22.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giá thấp, người trồng cà phê không bán bởi không có lãi, trong khi đó các đại lý cấp 1 cũng giữ hàng để chờ giá lên khiến doanh nghiệp (DN) XK như ngồi trên lửa vì không có hàng giao mà hợp đồng đã được ký từ lâu. Để tránh tình trạng bị kiện vì phá vỡ hợp đồng, nhiều DN đưa ra biện pháp lùi thời điểm giao hàng từ tháng 7 sang tháng 9, do đó mỗi tấn cà phê phải bù thêm 35 USD.
Mặc dù là nước XK gạo lớn thứ hai thế giới nhưng giá gạo XK của Việt Nam hiện đang ở mức gần thấp nhất thế giới. Tính đến hết ngày 27-8, Việt Nam đã ký XK 5,632 triệu tấn gạo, tăng 66,58% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng giá trị XK chỉ đạt 1,834 tỷ USD, giảm 3,64%. Giá gạo XK của Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Nhiều mặt hàng khác như hồ tiêu, điều… có tỷ trọng XK hàng đầu thế giới về số lượng nhưng giá trị mang lại vẫn thấp.
Nhược điểm lối canh tác tiểu nông
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, XK nông sản đã bộc lộ không ít nhược điểm của lối canh tác tiểu nông, chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm, giá thành cao dẫn tới sức cạnh tranh thấp, phụ thuộc rất nhiều vào thời vụ, nhiều khi có thị trường nhưng lại chưa chuẩn bị được đầy đủ hàng hóa và ngược lại có khi thu hoạch rồi lại chưa chuẩn bị được thị trường… Đồng thời, công việc điều hành nông sản ở nước ta hiện quá chồng chéo, nhiều bộ, ngành chủ quản, nhưng lại dường như không có cơ quan nào làm “nhạc trưởng”. Vì vậy, mối liên kết các khâu trong ngành hàng thường rời rạc, luôn bất cập.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, do nguồn vốn kinh doanh của phần lớn các DN dựa vào vốn vay nên thiếu chủ động, chưa tạo được tiếng nói có trọng lượng trên thương trường quốc tế. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu làm ăn theo kiểu “mạnh ai nấy lo”, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường thế giới bằng cách bán phá giá, làm cho nông sản của Việt Nam gặp khó khăn; thậm chí xuất hiện một số DN làm ăn gian dối, bán hàng kém chất lượng…
Theo ông Ngọ, để hàng nông sản phát triển bền vững và tránh tình trạng XK số lượng tăng nhưng giá giảm, hay được mùa mất giá như hiện nay thì các cơ quan có liên quan phải thống nhất quản lý, đồng thời có thể giao quyền điều hành cho các hiệp hội hoặc liên đoàn ngành hàng. Hiệp hội phải có chuyên gia về thị trường, sản xuất, khoa học công nghệ và cả tổ chức sản xuất. Ngoài ra, hiệp hội phải có quyền lực điều tiết trong tất cả các khâu: từ sản xuất, tiêu thụ, giám sát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, các DN phải cùng nhau liên kết lại. Nông sản XK của Việt Nam muốn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm số lượng, chất lượng tốt, giao hàng đúng thời gian thì phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 “nhà”. Đặc biệt, sản phẩm nông sản XK phải đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.