“WTO mang lại cho Việt Nam một “sân chơi” khổng lồ, với hơn 5 tỷ người tiêu thụ, 95% giá trị thương mại thế giới và kim ngạch nhập khẩu trị giá 635 tỷ USD/năm.
Cơ hội vàng cho cà phê Việt Nam |
Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới sắp tới mỗi năm tăng khoảng 2 triệu bao (60 kg/bao), đến năm 2018, dự kiến thế giới cần tới 140 triệu bao”.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) Lương Văn Tự đã nhận định như vây tại Hội thảo “Đánh giá tác động hai năm gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam: Ngành cà phê, ca cao, hồ tiêu, hạt điều” do Bộ Công Thương tổ chức, ngày 9/7 và cho rằng đây là cơ hội “vàng” cho xuất khẩu cà phê Việt Nam.
Theo đánh giá chung của các đại biểu dự hội thảo, ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để phát triển mạnh mẽ cả về giá và thị trường.
Đặc biệt, nếu ngành cà phê giải quyết tốt về đầu tư cơ bản để phát triển giá trị thặng dư thì việc mang về cho đất nước khoản ngoại tệ trên 2 tỷ USD/năm nhờ xuất khẩu mặt hàng này nằm trong tầm tay.
Việt Nam hiện có khoảng 500.000 ha cà phê, xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ước khoảng 850.000 tấn/năm (riêng năm 2007, lượng cà phê xuất khẩu đạt hơn 1 triệu tấn).Riêng 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt trên 1 tỷ USD, vượt xa con số cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh giá cà phê thế giới tăng theo chiều hướng tích cực.
Đã đến lúc cần phải thống nhất quy chuẩn giữa người trồng cà phê với nhà sản xuất chế biến kinh doanh cà phê, đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng cà phê từ vườn đến sản phẩm chế biến sau thu hoạch, bỏ lối thu hoạch truyền thống “tuốt cành”, thay vào đó là thu hoạch tuyển chọn, để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường cà phê thế giới.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Vicofa