Tin đồn rét đậm rét hại phá hoại cây cà phê Brazil qua đi, giá cà phê giảm nhanh. May mà tồn kho thuần robusta hụt mạnh, kéo giá đóng cửa sàn kỳ hạn London tăng gỡ gạc vào hai ngày cuối tuần. Nhưng nhìn chung, giá vẫn trong tình trạng “xả đông”
Sương tan, giá tàn
Mùa rét Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, còn kéo dài cho đến giữa tháng Tám. Hàng năm, cứ vào giai đoạn này, giá cà phê thườnh nhấp nhổm theo từng đợt khí lạnh tràn về, dù chưa biết sương giá có thực sự xảy ra.
Nếu như trong tuần trước nữa, giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE tăng trên 90 đô la Mỹ/tấn nhờ tin sương giá, thì ngay đầu tuần này giá đã rớt mạnh.
Thị trường cà phê nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên cũng quay đầu giảm; có lúc cà phê nhân xô chỉ còn dưới mức 40.000 đồng, so với mức giao dịch 41.700 đồng/kg vào cuối tuần trước. Giá trong hai ngày cuối tuần vớt vát lại được đôi chút nhờ tin tồn kho thuần robusta của sàn kỳ hạn robusta rớt mạnh. Nhờ vậy, sáng nay thứ Bảy 27-7, giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu nhích lên mức 40.200 đồng, giảm 1.500 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Tại Brazil, cuối cùng, sương giá chỉ xảy ra rải rác tại bang có ít cà phê nhất, chỉ chiếm tối đa 5% diện tích và sản lượng, nên mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Tranh thủ giá cao, nông dân Brazil đã bán ra rất mạnh. Giá kỳ hạn arabica Ice New York sau 1 tuần giảm 0,90 cts/lb tức chừng 20 đô la Mỹ/tấn.
Tại sàn robusta Liffe NYSE London, may nhờ hai ngày cuối lấy lại 25 đô la, giá đóng cửa cơ sở tháng 9-2013 phiên giao dịch hôm qua thứ Sáu 26-7 chốt mức 1921 đô la/tấn, giảm 47 đô la/tấn so với tuần trước(xem biểu đồ 1).
Tồn kho thuần robusta giảm mạnh
Báo cáo thường kỳ ra hàng tháng của Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) nói rằng tồn kho cà phê tại các kho ở Mỹ tính đến hết tháng Sáu 2013 tăng 53.735 bao, đạt 5.201.651 bao. Tính từ 1989 đến 2012, mức tăng bình quân trong tháng 6 của giai đoạn này là 44.601 bao. Riêng tháng Sáu năm 2012 tăng 216.532 bao. Mỹ là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Số liệu tồn kho GCA có ảnh hưởng nhất định đến giá thị trường. Số lượng trên ước cả nước Mỹ sử dụng trong vòng 13 tuần nếu không nhập khẩu một hạt cà phê nào (xem biểu đồ 2).
Tin gây “sốc” và có lẽ giúp giá kỳ hạn robusta tăng lên lại từ ngày thứ Năm đến nay là: trong lúc tồn kho arabica tăng thì tồn kho robusta lại giảm mạnh.
Báo cáo tồn kho thuần robusta do sàn Liffe NYSE ra 2 tuần 1 lần cho biết tính đến hết ngày 22-7, tồn kho thuần robusta được sàn này xác nhận phù hợp với chất lượng yêu cầu của Liffe NYSE (certifieds)chỉ còn 98.250 tấn, giảm 17.500 tấn trong kỳ.
Cách đây một năm, tồn kho vẫn còn 149.980 tấn hay cao hơn 34,5% so với hiện nay. Đây là đợt giảm mạnh nhất tính từ hơn một năm nay (xem biểu đồ 3). Suy cho kỹ, đợt giảm này rất hợp lý vì giá xuất khẩu FOB từ các nước Việt Nam và Indonesia quá đắt, cộng trên 100 đô la/tấn cho cà phê tương đương với loại 2,5% đen vỡ so với giá trừ 30 đô la/tấn cho cà phê chất lượng tốt hơn, Liffe loại 2; cho nên người cần hàng ở châu Âu có thể mua tại chỗ với giá rẻ hơn.
Mặt khác, thời gian vừa qua, giá có cấu trúc đảo nghịch, tức mức tháng giao hàng gần cao hơn tháng xa. Người có hàng trong tay tại các cảng đến tranh thủ giao sớm để có giá cao hơn giao xa. Có lẽ đấy là chủ đích chính của đợt giá đảo nghịch đang xảy ra. Tính đến hết hôm qua thứ Sáu, giá giao dịch tháng 9-2013 vẫn còn ở thế đảo, cao hơn tháng 1-2014 là 24 đô la/tấn. Nếu theo chiều thuận, giá tháng giao hàng gần thường thấp hơn giá tháng giao xa cận kề chừng 20-25 đô la/tấn.
Xuất khẩu giảm vào cuối vụ
Trong tháng 7-2013, ước nước ta chỉ xuất khẩu chừng 93.000 tấn cà phê theo bộ phận thống kê nông nghiệp (TKNN) và 90.000 tấn theo Tổng cục Thống kê (TCTK). Lượng ước xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2013 của hai cơ quan này không xê xích nhau nhiều, TKNN là 890.000 tấn và TCTK là 887.000 tấn. Đây có lẽ là lần đầu tiên hai ước báo trùng khớp nhau, nâng độ tin cậy đối với con số thống kê, trước đây vốn chênh nhau vài hàng trăm ngàn tấn là chuyện rất thường. Lũy kế cả 10 tháng đầu niên vụ 2012/13, ước xuất khẩu cà phê của nước ta chừng 1.270.000 tấn, giảm 7,8% so với 1,378 triệu tấn cùng kỳ cách đây một năm. Như thế, mức xuất khẩu bình quân hàng tháng là 127.000 tấn. Theo một số chuyên gia, nhu cầu hàng tháng rang xay thế giới cần trong mức 125.000-135.000 tấn.
Trong những tháng còn lại, có thể lượng xuất khẩu tiếp tục giảm do vào mùa giáp hạt, lượng tồn kho không nhiều và nhất là người còn hàng trong tay đang kỳ vọng giá cao hơn, từ 43.000-45.000 đồng mới cho hàng đi. Phải chăng vì vậy mà người cần mua hàng phải cậy đến hàng tồn kho từ sàn kỳ hạn trong thời gian qua?
Một thăm dò sản lượng do Reuters thực hiện với nhiều hãng kinh doanh và chuyên gia thị trường được công bố vào ngày 25-7 cho rằng trong niên vụ 2013-14, Brazil ước đạt 53,05 triệu bao và Việt Nam đạt 25 triệu bao, cả hai đều ở mức cao kỷ lục. Nhìn chung, thế giới sẽ thặng dư chừng 3 triệu bao trong đó robusta chỉ chừng 500.000 bao. Mức giá bình quân đến cuối năm cho sàn arabica là 132,50 cts/lb và 1.950 đô la/tấn cho sàn robusta, kết quả thăm dò trên dự đoán như thế.
Theo bài viết của tác giả đã cho thấy mất mùa vụ 2012/2013 là thực tế từ nay đến cuối vụ sẽ thấy ngay thôi, hiện nay hàng trong dân đã cạn chỉ còn một số đại lý có gan thì còn hàng thôi. Theo tôi nghĩ mức giá này thì khó mua đươc số hàng còn lại.
Xin trao đổi thêm với tác giả.
Trước đây dự báo của TKNN và của TCTK xê xích nhau nhiều vì mạnh ai nấy làm, chẳng ai nghe ai nên càng ngày càng vênh nhau. Nay cả hai cùng lấy con số báo cáo của HQ tháng trước làm căn cứ nên độ vênh trong tháng này nhỏ lại (TKHQ xuất khẩu 6 tháng đầu năm là 797 ngàn tấn). Dù sao con số báo cáo chắc chắn được tin cậy hơn con số dự báo, ước báo…
Hi vọng từ nay trở đi khỏi phải …loạn báo vì quá vênh nhau.
KrôngAna mua 40.6 – 40.7 thôi bà con ah. Ở BMT bảo mua 41 nhưng mình phải áp tải hàng lên tận đại lý cho họ (các bác biết vì sao không?), trốn thuế đấy các bác ah. Mình nghĩ bản thân mình thì lợi được chút xiu thôi mà huyện mình thì thất thu thuế nhiều quá nên đành chờ mùa sau bán luôn vì năm nay cà nhà mình cũng thất thụ mạnh vì rệp ráp đang hoành hành.