Thị trường cà phê: Lực bán yếu dù giá tăng mạnh

Chỉ sau hai tuần, giá cà phê nội địa tăng được 4000 đồng/kg, lên 41.700 đồng vào ngày thứ Sáu 19-7. Tin đồn rét đậm rét hại phá hoại cây cà phê tại Brazil đẩy giá kỳ hạn tăng “nóng”. Song, giá niêm yết của sàn arabica giảm mạnh vào ngày cuối tuần, làm lộ phần nào chuyện thực hư của tin đồn sương giá.

Giá nội địa tăng mạnh, lực bán yếu

Thị trường cà phê nội địa tiếp tục rong ruổi: trong tuần, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên có khi lên mức cao 41.700 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với tuần trước. Nếu cộng gộp hai tuần nay, đến sáng thứ Bảy 20-7-2013, giá đã tăng thêm chừng 4.000 đồng/kg.

gia ca phe robusta theo tuan
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta trong tuần (tác giả tổng hợp)

Giá niêm yết sàn kỳ hạn tăng nhanh, kéo giá xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ dựa trên giá chênh lệch giữa sàn robusta Liffe NYSE và cảng đi TP Hồ Chí Minh giảm từ mức cộng 100 đô la/tấn về mức 60 đô la/tấn cơ sở giao dịch kỳ hạn tháng 9-2013, mất 40 đô la/tấn so với tuần trước.

Qua đợt giá tăng này, đáng ra người còn giữ hàng và các nhà xuất khẩu tranh thủ bán ra mạnh để khép lại vụ mùa 2012-13 một cách vui vẻ. Nhưng, thực tế không cho phép như vậy.

Lượng hàng còn nằm lại trên thị trường nội địa càng được “ém kín” khi nghe tin giá tăng. Tâm lý “giá cao phải cao nữa”, như từ 37.000 đồng nhiều người đợi lên 40.000 đồng/kg, đạt 40.000 đồng rồi lại chờ giá lên 43.000 đồng… Nên thường có những đợt “lỡ đò”: nhiều người ôm hàng ngồi tiếc trượt bán giá cao sau khi giá kỳ hạn hết lên cao phải “trào”. Nhưng, cũng phải nói rằng, nhờ giữ “rịt” hàng, giá càng cứng. Cũng cần nhắc nhỏ rằng, bên cạnh một thị trường hàng cà phê thực (physical) bao giờ cũng có một lực lượng kinh doanh hàng giấy (paper market) có thể kiếm lời cả hai hướng lên và xuống.

Bản chất mua bán hàng giấy là đầu cơ. Một khi lực lượng này cảm thấy giá kỳ hạn đến mức nào “đủ ăn” đối với họ rồi, là cứ thế họ bán thanh lý các hợp đồng hàng giấy đã mua khi giá thấp, cộng với bán khống mới để đẩy giá xuống thu lời và mua giá rẻ chờ cơ hội mới.

Nếu như người kinh doanh hàng thực luôn mong giá tăng càng cao càng tốt, thì giới đầu cơ hàng giấy có thể kinh doanh theo kiểu đánh giá xuống ăn theo xuống, lên ăn theo lên.

Thời gian gần đây, nhiều nhà xuất khẩu cà phê than “hết vốn” làm ăn. Sau khi một số địa phương phát hiện thực sự có hiện tượng mua bán trốn thuế do các công ty “nhỏ” nhưng đã tung tiền khủng ngàn tỉ mua cà phê nhanh giá cao, bán nhanh giá thấp và nhận tiền hoàn thuế “cực nhanh” để hưởng chênh lệch bất chính, gây thất thu lớn cho Nhà nước, tiền hoàn thuế trị giá gia tăng của các công ty này đang bị giữ lại để được tìm hiểu thêm liệu họ có quan hệ với các công ty trốn thuế. Song, các công ty “làm bậy” nay đã cao chạy xa bay, chỉ khổ cho các công ty lớn, làm ăn chân chính, hàng chục thậm chí hàng trăm tỉ đồng hoàn thuế đang bị neo lại, không có vốn để mua vào khi giá còn thấp và bán ra trong đợt giá tăng cao. Các công ty xuất khẩu nghiêm túc bị “cột tay”, không bán ra được trong thời điểm quý báu vừa qua. Lại một đợt “lỡ đò”!

Sức bán ra càng ít ỏi khi nhiều đại lý cà phê tại các tỉnh yếu hẳn sau đợt giá kỳ hạn xuống sâu, gần chạm mức 1.700 đô la/tấn. Nhiều người thua lỗ nặng nề trong đợt bán tống bán tháo do sợ giá xuống sâu hơn.

“Trời” cứu giá cà phê. Còn cứu?

Tin đồn sẽ có một đợt không khí lạnh tràn vào các vùng trồng cà phê Brazil vào đầu tuần tới đã giúp giá kỳ hạn hai sàn cà phê giật lên mạnh. Giá sàn cà phê robusta cơ sở tháng 9-2013 hôm thứ Năm 18-7 có lúc tăng gần chạm mức 2.000 đô la/tấn.

Brazil đang mùa đông. Cả chục năm nay, hiện tượng rét đậm rét hại làm chết cây cà phê và hụt sản lượng cho năm sau hầu như không còn do Brazil đã chuyển cây cà phê xuống các vùng thấp ấm hơn. Thực ra, giá arabica đã xuống quá sâu, mấy ngày nay, tin đồn vì thế càng được thổi mạnh và trở thành cái cớ “cứu” giá arabica.

Trên thị trường, người ta thường gọi “rét hại” ấy là sương giá hay sương muối do khi gặp rét, lá bị phỏng lạnh, cây chết từng vùng trắng xóa như “muối”. Những đợt rét đậm rét hại gây tổn thất nặng nề xảy ra gần nhất là vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1994 và một đợt khác vào cuối năm 1999. Ngày 17-7-2000, cũng đã từng xảy ra sương giá tại Brazil nhưng mức độ thiệt hại không đáng kể.

Lần này, thực ra, theo hãng tin thời tiết Somar (Brazil), trời Brazil có lạnh nhưng ngay tại vùng Minas Gerais, vùng nhiều cà phê nhất, đợt rét này dự kiến không xuống tới 1 độ C mà từ 3-8 độ C nên có thể thoát khỏi sương giá.

Trên thị trường tài chính, tin đồn thường đi trước và giới đầu cơ thích phản ứng quá đà. Chính nhờ vậy, giá hai thị trường tăng cực cao. Tuy nhiên, đến thời điểm đóng cửa hôm qua, giá kỳ hạn arabica Ice New York giảm mạnh, làm lộ diện chuyện thực hư của tin đồn sương giá. Chốt phiên cuối tuần thứ Sáu 19-7-2013 cơ sở giao dịch tháng 9-2013, giá niêm yết sàn arabica âm 4,85 cts/lb, tức chừng 107 đô la, để cả tuần chỉ còn tăng được 3,30 cts/lb, tương đương với 73 đô la/tấn.

Giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta London phiên cuối tuần cũng khựng lại, cả ngày âm 2 đô la nhưng cả tuần tăng 93 đô la/tấn, chốt mức 1.968 đô la/tấn cơ sở tháng 9-2013 (xin xem biểu đồ trên).

Nếu tin rằng giá kỳ hạn nói được hết mọi chuyện của thị trường, thì giá niêm yết hai sàn kỳ hạn cà phê ngay ngày cuối tuần đã báo trước thời “mua tin đồn” (buy rumors) nay đã qua, và đang đến lúc “bán thực tế” (sell facts).

Thực vậy, giá kỳ hạn New York xuống sâu như muốn báo rằng tin đồn sương giá chỉ là tin đồn không hơn không kém.

Liệu thị trường sắp tới phải quay về với thực tế: đầu cơ trên chợ hàng giấy (paper market) tuôn ra bán thanh lý và bán khống, các nước sản xuất đua nhau bán hàng thực để tranh thủ giá cao? Nếu như thế, giá cà phê sắp tới khó thoát cảnh lội xuống sâu để chờ một vòng trò chơi khác.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Trần Ninh

      Tôi đồng quan điểm với bạn. Arabica tăng và Robusta còn tăng cao nữa. Ai cần tiền thì bán, không có niềm tin thì cũng bán. Ai có niềm tin thì giữ lại. Năm nay không bán thì sang năm bán cũng chẳng sao. Chưa biết chừng từ nay đến cuối năm có giá 2700.

      1. nông dân

        bác cứ nói quá, 2700$ thì tôi chẳng dám lạc quan như bác nhưng trên 2300$ thì tôi rất có niềm tin. Năm nay nhà tôi còn chưa bán hạt nào, cũng sốt ruột lắm rồi đây. May mà nhà có mỗi thằng cu thì đi làm rồi, 2 ông bà già thì cũng chẳng cần nhiều lắm!

  1. Dinhthien

    Giá lên, lực bán yếu cho ta thấy là cà phê còn lại trong người sản xuất cà phê còn rất ít… Có còn thì ở các gia đình khá giả và các đại gia thôi. Mong cho giữ giá đến mùa sau…

  2. nongdancun

    Lực bán yếu nhưng cuối tuần giá vẫn giảm. Như vậy dù Việt nam ta hết hàng thì còn ở các nước khác. Cho nên khó có khả năng tiếp tục tăng. Có lẽ sẽ quay về hướng giảm là chính.

  3. nongdancun

    Có thể đây là cơ hội may mắn cuối cùng trong năm nầy dành cho những ai đang còn giữ cà. Nếu không nhân cơ hội nầy mà đẩy hàng đi, cứ tiếc nuối mong chờ giá cao thêm thì sẽ lại bỏ lở chuyến đò mà thôi!

  4. Trần Ninh

    Hoàng Kim khuấy động phong trào sell-off dữ quá, chẳng mấy người chịu đựng nổi. Chắc hàng bán tháo gần hết rồi.

  5. dang thanh phuong

    Nguồn hàng đâu còn nhiều mà bán mạnh. Tới giai đoạn này được giá thì bán ko được thì để đó ko đi đâu mà vội cả. Còn 4 tháng nữa mới bước vào vụ mới mà hàng thì cạn kiệt rồi có ai đó thử đi thục tế thống kê thử cà còn bao nhiêu là biết liền khỏi cần thanh minh. Năm ngoái giờ này kho nào củng còn đầy nhóc bây giờ đa số là trống rổng

  6. thuat

    Thư sáu chúng ta mới biết tin đồn Brazin thời tiết xấu chủ nhật đã không còn tia hi vọng vậy chỉ còn tối thứ hai để kiểm chứng nếu giá tăng thì không biết còn có bài viết nào hay hơn cho giá cà phê tăng đây? Hàng thực không còn bán khống liệu có sống không, hàng giấy cũng bị bác hỏa hỏi thăm người buôn đã mua được hết hàng đợt chốt lỗ của bà con, thật là hết chỗ nói dân khóc người buôn thì cười.

  7. Cà Phê Đắng

    Điều gì sẽ sảy ra khi sang tuần tới giá cà phê Arabica biến động tăng chở lại ? Khi đó các bác phân tích kỹ thuật nói mần răng nhỉ…

    1. sự thật

      Bạn nên nhìn khách quan hơn. PTKT hoặc PTCB đều không sai. Chỉ có người làm phân tích sai. Người không vững lập trường nghe theo giờ đã ôm sầu rồi. Đừng chỉ nhìn vào một vài cá nhân sai mà phủ nhận một nghành khoa học, kiến thức được chắt lọc hàng trăm năm của nhân loại.
      Cứ nhìn quả thì biết cây. Cây lành sinh quả ngọt, cây độc sinh trái đắng. Người làm phân tích sai nhiều, gây hậu quả tổn thất lớn cho xã hội thì nên xem lại mình, kiến thức, trình độ, năng lực hiểu biết về phân tích của mình là có vấn đề rồi. Nếu không đủ năng lực thì nên giải nghệ, đừng liên tục gây hại cho xã hội bằng những lập luận, phân tích sai trái của mình. Những người nông dân kiến thức hạn chế, ít người có năng lực đánh giá việc đúng, sai của một bài phân tích. Họ dễ ngộ nhận, coi tất cả các nhà phân tích như những chuẩn mực, hiểu biết khoa học, kiến thức chuyên sâu, dễ nghe theo, làm theo. Nếu sai nhiều họ sẽ bị tổn thất lớn.

  8. sự thật

    Trong thị trường kỳ hạn thì hàng giấy cũng là hàng thật. Dựa vào hàng thật mà đánh cược vào giá xuống hoặc giá lên mà bán hoặc mua. Là trò chơi có tổng bằng không nghĩa là một hợp đồng mở bán tương đương với một hợp đồng mở mua và ngược lại. Nghĩa là luôn có hai lực lượng đối lập nhau. Bên nào dự đoán đúng thì thắng mà dự đoán sai thì thua.
    Giả sử rằng hàng thật đã cạn hoặc bên mua nắm giữ chặt không chịu bán ra thì bên bán khống gặp nguy rồi. Đến ngày thông báo giao hàng, bên bán khống không có hàng giao sẽ phải chấp nhận mọi mức giã để mua lại nhằm tất toán hợp đồng. Bởi vậy mới có hiện tượng vắt giá. Bên bán khống buộc phải chấp nhận mua giá cao hơn vài trăm $ phải chịu thua lỗ nặng.
    Diễn biến thị trường hiện nay cho thấy bán khống đang thất bại. Số hợp đồng bán khống từ khu 1900 trở xuống chưa kịp tất toán hết mà đã phải chấp nhận mua lên tới giá gần 2000. Họ đang đối diện cảnh thua lỗ, chỉ chờ cơ hội bên mua bán chốt lời là lập tức mua lại để tất toán hợp đồng. Bởi vậy giá khó có thể giảm sâu được. Càng gần ngày giao hàng bên bán khống càng phải lo chạy nước rút đẩy giá lên cao mà tất toán cho nhanh nhằm giảm thiểu thua lỗ. Thế cuộc lúc này đã rõ rồi, giá sẽ còn tăng cao. Ai không chịu được nhiệt hoặc sợ rủi ro thì có thể bán. Người có gan có thể giữ hàng lại và có thể thắng lớn.

    1. MUF

      Tất cả đều do các nhà tài phiệt sắp xếp hết bạn ơi, Trúng trật là hên xui thôi, nếu phân tích kỷ thật mà khi nào cũng đúng thì ai cũng thành tỉ phú được cả!

    2. Lê Đức Phú Cam

      Tên bạn là “Sự thật” nhưng thích suy diễn bậy quá: Bạn nói: “Diễn biến thị trường hiện nay cho thấy bán khống đang thất bại. Số hợp đồng bán khống từ khu 1900 trở xuống chưa kịp tất toán hết mà đã phải chấp nhận mua lên tới giá gần 2000”. Khi nói thế này, bạn phải trưng dẫn các con số báo cáo, lượng mua khống, bán khống đến thời điểm bạn nói là bao nhiêu chứ? Còn nói rằng bán khống 1900 rồi giá lên 2000 tức người bán thua lỗ. Ai không biết thế. Nhưng, chắc gì giá bình quân của của cá hợp đồng bán của họ là 1900, phải không?

      Bạn trách mới đây một anh cò hàng giấy báo giá xuống để nhiều người máu đỏ đen theo rồi giá tăng lại, thua. Còn có một anh cò trước nữa, bảo đảm giá tăng, rồi họ bán nhà bán cửa mua cà bỏ vào kho của các công ty. Đến khi giá xuống mạnh, bị bắt chặn lỗ, thua cháy nhà. Lỗi này cũng to lắm chứ. Mà hình như bạn cũng theo phái giá tăng.

      Bạn nói giá tăng nữa. Đồng ý. Chiều nay tôi mua hàng giấy 20 lô đợi vài tháng xem sao. Tôi sẽ mua ghim đó đến cuối tháng 9. Nếu bạn nói đúng lên 2500-2700 chẳng hạn, xem như bạn là thánh. Còn nếu dự đoán của bạn sai, tôi thiệt hay bạn thiệt? Bạn có chịu trách nhiệm gì ở đây không? Tay cò hàng giấy nói giá tăng chịu trách nhiệm gì khi giá xuống, nhiều đại lý cháy túi không?

      Nên người báo lên, người báo xuống, công tội như nhau. Làm cò hàng giấy thì chỉ vì vài đồng hỏa hồng mà gây hại cho người khác. Nên bài báo viết rất rõ: lên ăn theo lên, xuống ăn theo xuống là cái ngữ của đám cò này, chứ chẳng tư vấn véo gì? Tư cách nào mà tư vấn, biết gì mà bày đặt lên giọng tư vấn, phải không?

      Đừng nói theo kiểu đạo đức giả thương yêu đất nước, nông dân. Xưa lắm. Hãy nói rõ chẳng qua vì mấy đồng tiền cò hàng giấy nên mạnh miệng xúi quẩy bà con, thế thôi.

      1. yennguyen

        Tóm lại các bác chỉ nói về quan điểm của mình thôi còn thực tế thì hoàn toàn mù tịt. Giới đầu cơ họ có mua có bán có lúc có lời nhiều khi chịu lỗ, người thành công hay thất bại khác nhau duy nhất ở tỉ lệ thua (chứ không phải ông thánh) và quản lý rủi ro của mình để làm sao khi thua là ít nhất và khi được là nhiều nhất. Tại sao khi không ai bán hàng thật mà sàn giao dịch vẫn tấp lập người bán kẻ mua? Cứ kiểu tư duy chụp mũ thì làm sao tiến bộ. Lúc cà phê gần 47.000 đ những người hô hào giá lên mà tôi chưa thấy 1 ai là người đưa ra 1 lời xin lỗi. Thông tin đa chiều sẽ cho cái nhìn chân thực đừng để cái tôi quá lớn rồi 1 thời gian nhìn lại thấy sỉ diện bản thân mỗi ngày mỗi ít đi.

  9. Văn Thành

    Bác Sự thật phân tích quá hay, rất dể hiểu. Mấy ông kẹ đầu cơ bán khống cứ tưởng mình to gan liều và khôn hơn người , ai ngờ ngược lại … phải chịu trả giá thôi , có được phải có mất, chứ có ai mất hoài cho mình được mãi đâu .

Tin đã đăng