Niên vụ cà phê 2013/2014 sẽ bắt đầu khi mùa mưa tại Tây nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam, giảm dần vào giai đoạn cuối để chuyển sang thu hoạch. Trong bản tin mới nhất, hãng tin tài chính Bloomberg đưa ra dự báo sẽ là vụ thu hoạch lớn thứ hai trong lịch sử, do những cơn mưa thuận lợi hiện nay giúp cho hạt phát triển tốt.
Bloomberg đã khảo sát 13 nhà kinh doanh xuất khẩu và con số dự toán trung bình được đưa ra là sản lượng vụ mới có thể tăng 10 % lên 1,6 triệu tấn, từ mức 1,45 triệu tấn của niên vụ trước đó. Đây là mức cao nhất so với trung bình của cuộc khảo sát được Bloomberg công bố hồi tháng Năm. Sản lượng của niên vụ cà phê 2011/2012 đã đạt mức kỷ lục 1,65 triệu tấn, mức cao nhất lịch sử.
Một vụ thu hoạch lớn có thể làm hạn chế đà tăng giá suốt trong một tháng qua từ mức thấp 32 tháng khiến nông dân găm giữ hàng lại, trong khi người trồng cà phê Indonesia cũng bán hàng chậm lại do bước vào tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo. Giá đã giảm 15 % từ mức cao hồi tháng Ba khi thời tiết khô hạn tại Tây nguyên đe dọa cắt giảm khoảng 30% sản lượng. Đến nay, tình hình đã được cải thiện và lượng mưa trong tháng này, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, sẽ đạt 350 mm, trên mức trung bình 30 năm là 266 mm.
Cũng theo một khảo sát với các thương nhân và chủ hàng do Bloomberg đưa ra, tồn kho cà phê của các công ty hiện nay khoảng 220.000 tấn, cao hơn 22 % so với một năm trước đó.
Kona Haque, một nhà phân tích thị trường London của Macquarie Group Ltd (MQG), ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Úc, cho rằng nông dân Việt Nam có thể sẽ tiếp tục nắm giữ những gì còn lại của vụ mùa cà phê 2012/2013, và do đó, khiến cho mức giá cộng tăng trở lại so với giá kỳ hạn London.
Volcafe Ltd, đơn vị thanh viên của Tập đoàn hàng hóa và thương nhân ED & F Man Holdings Ltd, có trụ sở tại Winterthur, Thụy Sỹ, cho biết mức giá cộng của cà phê Indonesia hiện là 230 USD/tấn, trong khi mức giá cộng của cà phê Việt Nam đang ở 140 USD/tấn.
Theo Bloomberg/Giacaphe.vn thì giá cộng cho caffe nước ta là 130USD sao tại cảng chỉ có cộng 30USD, còn 100USD là ai được hưởng vậy các bác? Còn cà phê vụ tới các nhà xuất khẩu cứ vào các vườn điểm để xem rồi đưa sản lượng lên cao để gìm giá xuống cho nông dân chúng tôi chết đói. Sản lượng lúc dự bao giảm 30% rồi tăng hơn 10% nghĩa là sao vậy các nhà dự báo?
Bởi vì nó là… dự báo!
Không biết hãng tin Bloomberg khảo sát ở đâu, riêng nông dân Bảo Lộc, Bảo Lâm chúng tôi đang điêu đứng vì bệnh thối cuống trái trên cây chỉ còn thưa thớt lấy đâu ra mà tăng 10%. Mất ít nhất là 30% so với năm rồi. Với giá này mọi chi phí đều tăng, lại một vụ mùa thất bát nữa rồi.
Họ có biết trồng caphe không mà phát biểu hay vậy. Lúc ra bông, đậu trái thì khô hạn, cây héo, hoa chanh. Khi đó mưa thì quá tốt. Bây giờ mưa nhiều thì nấm bệnh rụng quả chứ tốt cái gì. Đúng là phản thực tế quá.
Chắc là họ đoán nhầm lá thành quả, vì ít trái nên cây càfe tốt um tùm, nhìn vào thấy toàn lá.
Tất cả các dự báo sản lượng của các nhà kinh doanh thường phục vụ cho việc đầu cơ mua vào rồi bán ra của họ mà thôi!
Thực tế dự báo của các hãng này trong thời gian qua đã chứng minh điều đó.
Khi muốn mua vào đầu cơ, họ tung tin dồi dào cung, nhằm đẩy giá xuống.
Khi muốn bán hàng ra giá cao, họ lại tung tin hàng gần khan hiếm để đẩy giá lên vv.vv…
Chiêu trò này cũ rích nhưng có vẻ còn hiệu quả khi nông dân bị yếu …bóng vía!
Họ tung tin mù để bà con ta hoảng hốt bán ra hết ấy mà, lạ gì bọn đầu cơ.
Hình như nông dân mình thông minh hơn tây nhiều.
Ai cũng cho rằng điều họ viết là trái ngược với sự thật. Và đây ko phải là lần đầu.
Chỉ có tây mới tin là họ viết đúng.
Sao @kduong nói bà con hoảng hốt bán ra?
Bà con ở đâu còn chứ ở chỗ mình thì bán hết rồi, giấc này có nhà nào còn đâu mà hoảng hốt.
Ta làm ra hat cà phê vất vả như thế nào? chỉ có người làm ra… là rõ nhất. Lợi nhuận thu về chẳng đáng bao nhiêu? khâu trung gian hưởng lợi nhiều nhất. Xin mọi người hãy cố lên… giá 2000USD 1 tấn trở lên hãy bán. Chờ đến giờ này rồi mọi người hãy cố lên cố lên….
Lần trước tui đã chia sẻ, tui là dân ôm gốc cafe trên 30 năm nay để kiếm bữa, chừng ấy năm tui chưa bao giờ thấy một ông Tây hay ông Ta nào ra tận lô cafe để tham dò và đánh giá sản lượng, họ chỉ ngồi nhà nắm thông tin qua các nguồn khác nhau, mà các thông tin này cũng tù mù (nhất là mấy năm gần đây) dân ta đa số tham gia chương trình cafe bền vững nên toàn khai khống cao lên để hưởng hoa hồng từ mấy ông KẸ. Các thông số đó cũng đủ làm tăng KHỐNG thêm ít nhất 20%sản lượng thực.
Ý của @Van Thành cho dự báo tăng 10% là chưa đúng, phải tăng ít nhất 20% mới đúng? Vậy là ko phải họ dự báo sai mà do dân mình nói sai?
Một thông tin thiếu tính thực tiễn và gây bất lợi cho giá ca phê Robusta mà các cơ quan chức năng của ta không hề có một phản ứng nào là sao. Phải có bài viết đả phá gay gắt thông tin dự báo tầm bậy nói trên của Bloomberg đi chứ!
Vùng cà phê trọng điểm của Gia Lai nhiều tuần nay không mưa, không bón được phân; nhiều vườn hiện tượng vàng lá, khô cành do ve và thiếu nước. Cà phê sai nhưng nhỏ quả, tình trạng này chắc nhân chỉ bằng hạt mè…các nơi khác thì nấm bệnh…lấy đâu ra mà tăng 10%…
Vẫn biết rằng “dự báo” chỉ là dự báo thôi nhưng nói sao cho phù hợp chứ? mùa tưới nắng hạn thiếu nước cà không nở hoa được, số hoa đó có đậu trái được đâu mà giờ có mưa thuận gió hoà thì số hoa bị thui đó đậu trái được hay sao? chưa nói gì đến bệnh dịch cũng đang ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng vụ tới… có muốn tăng thì cũng tìm lí do nào cho hợp lí một chút chứ.
Cà phê được mùa hay không thì khi thu hoạch mới biết được, mà năm nay cũng mất mùa giống năm ngoái thôi. Trái giờ rụng đầy rồi, bơm thuốc mà vẫn bị rụng. Nhà dân thì có tiền đâu mà dữ trữ cà phê chứ, phải bán từ sống qua ngày thôi, chứ nguồn thu nhập của bà con chỉ có cà phê thôi. Ở vùng mình bà con đã bán hết rồi, để lấy tiền chi trả cho phân đợt 2,3 công lênh, tiền thuốc sâu, thuốc cỏ nữa, cái gì cũng mắc, chỉ có giá cafe rẽ thôi. Chỉ khổ bà con
Phun thuốc không ăn thua gì đâu bác ơi, năm nay thời tiết mưa nắng thất thường, thỉnh thoảng đến nửa tháng mới có được trận mưa nhỏ không thể bón phân được. Chỗ tôi cà phê rụng trái từ lâu rồi phun thuốc vẫn rụng, chán chả muốn phun thuốc nữa. Tôi theo dõi nhiều năm rồi, cứ mấy năm lại có một năm cà rụng như thế này đấy, không biết ở chỗ các bác có bị hiện tượng như vậy không?
Chào bạn.
Các bạn trao đổi khiến tôi thấy ngạc nhiên. Nếu cà phê rụng quả non nhiều thì phải có nguyên nhân chứ? Cách khắc phục đã có nhiều trao đổi trên diễn dàn Y5Cafe cũng rất nhiều rồi. Bạn có thể xem lại theo link sau: https://giacaphe.com/7279/ngan-chan-cay-ca-phe-rung-qua-non/
Đúng như bạn nói, năm nay trời ít mưa nên nhiều bà con gặp khó khăn khi bón phân cho cây. Các bạn nên chuyển sang tăng cường phân bón qua lá, nhất là khi bón gốc không thuận lợi thì bón qua lá là cách đúng nhất.
Cám ơn bác Nguyễn Vịnh cà phê rụng trái ở chỗ tôi cũng có nhiều nguyên nhân lắm, một phần vì cây già cỗi bộ rễ kém, phần vì mấy năm trở lại đây ve sầu phát triển mạnh, rệp, muội cũng rất nhiều đã ảnh hưởng không ít đến sản lượng. Chỗ tôi ở dân trồng cà tự phát không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm, cứ thấy ai nói làm thế nào tốt thì theo. Có nhà bón phân 15 ngày/1lần mà cà vẫn rụng như thường.
Bón phân mà vẫn rụng thì do bệnh là chính. Không trị bệnh mà cứ bón phân và cà cứ rụng thì khác gì ném tiền qua cửa sổ.
Tăng cường bón phân hữu cơ để cải tạo đất, khôi phục hệ vi sinh vật trong đất, rửa cây trị nấm, ngăn rụng trái… là điều cần làm ngay.
Giá này Cua chưa thể bò ra được, còn ngủ thêm thời gian nữa xem sao, chỗ nhà Cua nghe chừng nhà nào nhà nấy vẫn đắp bạt để đấy không động đậy gì, thế mới lạ, cua nằm trong hang nhưng vẫn theo dõi mà.
Nghe anh Cua đồng nói là tôi biết anh cua đại gia nên giá này thì anh vẫn ngủ trong hang hoặc vắt chân lên mà nghỉ ngơi chờ đến lúc ưa ý mới quyết.
Con số Bloomberg đưa ra là khảo sát dự đoán của nhà kinh doanh xuất khẩu chứ có phải của họ đâu. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ dự đoán. Mà muốn biết kết quả của dự đoán này thì phải đợi đến hết vụ sau, xem số liệu thống kê xuất khẩu của vụ, cùng với tính toán số liệu tồn đầu/cuối vụ thì mới biết chính xác hay không. Bởi vậy, vào lúc này thì chưa biết chuyện gì xảy ra. Chúng ta hãy cứ xem đó là dữ kiện.
Ngoài giới thông tấn (Reuters, Bloomberg) ra, dân kinh doanh cà phê cũng dựa vào dự báo của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA). Vào tháng 6/2013, USDA dự báo vụ 2013/2014 của VN là 25 triệu bao (khoảng 1,5 triệu tấn) chứ không ít. Không chỉ cà phê thôi, USDA còn làm dự báo cho rất rất nhiều hàng nông sản khác trên thế giới.
Thử hỏi 1 cơ quan như USDA phục vụ cho ai?
Theo tui nghĩ nhưng phải ảnh của bà con về tình hình mùa màng khó khăn chỗ này chỗ kia là có thật nhưng chỉ là hiện tượng ở một số khu vực và không phải là toàn cảnh. Ở chừng mực như vậy, tui nghĩ năm nào cũng có cho nên khó mà nói là thiệt hại 30% sản lượng VN vụ tới.
Ngược lại, vụ trước 1,6 triệu tấn có ai ngờ?
Thực chất là diện tích trồng mới có tăng lên nhiều hay không, những cây trồng mới sau vài năm đã cho quả, giống mới năng suất tốt hơn, cộng hưởng với tính chu kỳ…v.v… Những yếu tố này cái đã thống kê đo đếm được là bao nhiêu, cái chưa đo đếm được là bao nhiêu? Thật khó mà biết được nhưng nói thật là giới kinh doanh cà phê không nghĩ là sản lượng VN sẽ quay lại 1-1,2 triệu tấn/năm như mấy năm trước đâu.
Tóm lại, mong bà con khi đọc tin hãy tỉnh táo và nhìn nhận thực tế.
Cà phê được mùa hay không đúng là khi thu hoạch mới biết được. Nhân cà có bị thối đen, có bọ nhân 1 hay không, chỉ có thu hoạch mới biết.
Hồi tháng 5 các vị tiền bối cho rằng năm nay mất mùa do khô hạn ở Tây nguyên, sau 1 tháng lại báo lại là dự đoán sai, sản lượng có thể tăng nhiều hơn năm ngoái.
Bà con nông dân quanh năm vất vả, lo tưới tắm bỏ phân, ai mà chẳng mong được mùa được giá. Do một số kẻ giả dạng nhà phân tích tung lên mạng những chiêu đòn làm cho bà con mình nao núng. Đừng sợ bà con, mình bỏ công phải được hưởng thụ chứ, nghe người ngoài nói bậy làm liều là phản nước đó. Bà con cứ xem mấy vụ khoai tây, cà chua Đà lạt thì sẽ rõ.